Huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Vũ Duy Dũng - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Huyết khối xoang tĩnh mạch não gây tắc dòng chảy tĩnh mạch dẫn đến nhồi máu tĩnh mạch. Các biến chứng bao gồm chuyển dạng chảy máu của các ổ nhồi máu và tăng áp lực trong sọ. Nếu không điều trị, huyết khối sẽ lan rộng và các triệu chứng thường sẽ nặng lên.

1. Tìm hiểu huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em

Huyết khối xoang tĩnh mạch não xảy ra khi có huyết khối trong các xoang tĩnh mạch lớn dẫn lưu cho não. Nhiều bệnh nhân huyết khối xoang tĩnh mạch não sẽ tiến triển tới các ổ nhồi máu tĩnh mạch, có thể báo trước chẩn đoán, nhưng các ổ nhồi máu không phải luôn luôn có.

Tỷ lệ mới mắc của huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em khoảng 0,4/100.000 trẻ/năm, mặc dù với hình ảnh thần kinh tiên tiến, con số này có thể là thấp hơn thực tế. Huyết khối xoang tĩnh mạch não có thể ở các xoang màng cứng (xoang dọc trên, xoang ngang hoặc xoang sigma), hệ tĩnh mạch sâu (ví dụ: Các tĩnh mạch não trong), hoặc các tĩnh mạch bề mặt vỏ não. Ở trẻ em thì thường có nhiều xoang tĩnh mạch bị huyết khối, trong đó xoang ngang là gặp nhiều nhất, tiếp theo là xoang dọc.

2. Biểu hiện lâm sàng

Đau đầu là lý do đến khám thường gặp nhất của huyết khối xoang tĩnh mạch não, mặc dù nó không đặc hiệu và thường gặp trong các bệnh lý khác ở trẻ em. Các triệu chứng khác đưa bệnh nhân đến khám bao gồm cơn động kinh, li bì, liệt thần kinh sọ, liệt nửa người và nôn. Suy giảm tình trạng tinh thần là một triệu chứng tiên lượng xấu gợi ý có tổn thương hệ tĩnh mạch sâu.

Huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em
Trẻ em thường có triệu chứng đau đầu

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ở phần lớn trẻ mắc huyết khối xoang tĩnh mạch não, các yếu tố nguy cơ nền có thể được xác định và thường liên quan đến ứ trệ máu tĩnh mạch, mất nước, bệnh lý tăng đông, và tổn thương trực tiếp mạch máu do chấn thương hoặc nhiễm trùng. Các yếu tố nguy cơ nền cần điều trị ngay như nhiễm trùng và ung thư máu không phải hiếm gặp. Tiền sử dùng thuốc, trong đó có tiền sử dùng estrogen ngoại sinh, cần được khai thác. Các bệnh lý huyết khối được tìm thấy trong khoảng một nửa trẻ em bị huyết khối xoang tĩnh mạch não và trong hơn một nửa trẻ em bị huyết khối xoang tĩnh mạch não không có yếu tố kích hoạt huyết khối.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến huyết khối xoang tĩnh mạch não

Bệnh lý tăng đông di truyền

  • Yếu tố II (đột biến prothrombin G20210A)
  • Yếu tố V Leiden
  • Thiếu protein C
  • Thiếu protein S
  • Thiếu antithrombin III
  • Tăng homocysteine

Thuốc

  • Asparaginase
  • Các loại estrogen ngoại sinh (bao gồm cả các loại kem có chứa estrogen)

Nhiễm trùng

Các nhiễm trùng đầu và cổ

Nhiễm varicella-zoster virus nguyên phát (thủy đậu)

Các bệnh tự miễn/viêm

Các bệnh lý cấp tính và mạn tính khác

Chấn thương

  • Chấn thương đầu

4. Chẩn đoán

Huyết khối xoang tĩnh mạch não có thể được phát hiện trên CT, nhất là nếu có tiêm thuốc cản quang; tuy nhiên, độ nhạy là kém. MRI não, đặc biệt là xung T1 có tiêm thuốc đối quang từ, là thăm dò tối ưu để chẩn đoán huyết khối xoang tĩnh mạch não cùng với đột quỵ tĩnh mạch và xung huyết tĩnh mạch kèm theo. MRI tĩnh mạch (MRV) xung TOF thường được thực hiện, nhưng các khoảng trống dòng chảy ở các vị trí có dòng chảy chậm hoặc không đều có thể giống như huyết khối xoang tĩnh mạch não, do vậy cần phải so sánh với các xung T1 và T2 để đánh giá cục huyết khối và độ lưu thông của xoang tĩnh mạch. Các biến thể giải phẫu xoang tĩnh mạch màng cứng tạo thêm khó khăn cho chẩn đoán huyết khối xoang tĩnh mạch não, và xem lại cẩn thận hình ảnh, so sánh các phương pháp hình ảnh với nhau, và chụp lại có thể là cần thiết để chẩn đoán chính xác.

Các xét nghiệm

Các xét nghiệm ban đầu bao gồm công thức máu, điện giải đồ, ure, creatinine, glucose, thời gian prothrombin, thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa, tốc độ máu lắng, và hoạt động antithrombin III để chuẩn bị cho chẩn đoán hình ảnh và điều trị cấp, thêm vào đó là test thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em

Điều trị cấp

Những trẻ bị huyết khối xoang tĩnh mạch não có triệu chứng cấp tính cần theo dõi điều trị tích cực, vì chúng có nguy cơ tình trạng thần kinh nặng lên và tử vong, đặc biệt nếu có tổn thương hệ tĩnh mạch sâu. Bù đủ dịch và điều trị nhiễm trùng là rất quan trọng. Các biến chứng của huyết khối xoang tĩnh mạch não xảy ra do tắc dòng chảy tĩnh mạch và nhồi máu, chảy máu tĩnh mạch. Các ổ nhồi máu tĩnh mạch lớn có thể dẫn đến tăng áp lực trong sọ, và điều trị cấp cứu tăng áp lực trong sọ bao gồm mở hộp sọ giải áp và cắt bỏ tổ chức não bị nhồi máu có thể là cần thiết để tránh thoát vị não. Ở trẻ bị huyết khối xoang tĩnh mạch não tiến triển nặng, đặc biệt những trẻ có tình trạng thần kinh xấu đi, tiêu huyết khối hoặc lấy huyết khối (hoặc phẫu thuật giải áp) có thể được cân nhắc nếu không thấy cải thiện mặc dù đã dùng thuốc chống đông.

Các cơn động kinh là thường gặp ở bệnh nhân huyết khối xoang tĩnh mạch não, đặc biệt khi có các ổ nhồi máu tĩnh mạch vỏ não. Tăng áp lực trong sọ cũng có thể dẫn đến đau đầu, mất thị lực, và liệt thần kinh sọ. Nếu quan ngại mất thị lực do tăng áp lực trong sọ, chọc thắt lưng để giảm nhanh áp lực trong sọ có thể là cần thiết.

Các hướng dẫn của Hội Các Thầy thuốc Lồng ngực Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo thuốc chống đông trong thời gian ít nhất 3 tháng, bắt đầu với heparin không phân đoạn hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp. Nếu có chảy máu trong sọ, AHA khuyến cáo thuốc chống đông còn Hội Các Thầy thuốc Lồng ngực Hoa Kỳ khuyến cáo thuốc chống đông hoặc theo dõi bằng hình ảnh não trong 5 đến 7 ngày và sử dụng thuốc chống đông nếu huyết khối lan rộng hơn. Trong một nghiên cứu loạt ca bệnh trẻ em bị huyết khối xoang tĩnh mạch não, lan rộng huyết khối và kết cục lâm sàng xấu đi liên quan đến việc không sử dụng thuốc chống đông trong huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em. Khoảng 5% trẻ em có chảy máu trong sọ “lớn” liên quan đến thuốc chống đông; tuy nhiên, trẻ bị “chảy máu trong sọ có ý nghĩa” khi vào viện, các chống chỉ định khác, và những trẻ mà bác sĩ điều trị không dùng thuốc chống đông cho chúng thì không được điều trị với thuốc chống đông trong nghiên cứu này. Các kết quả là phù hợp với các hướng dẫn cho người lớn trong đó thuốc chống đông được khuyến cáo bất kể có chảy máu trong sọ hay không.

Ca lâm sàng minh họa
Trẻ nam 15 tuổi vào viện vì bệnh sử 1 ngày đau đầu mức độ nặng; tê buốt, kim châm và yếu tay phải; buồn nôn và nôn nặng dần; và một cơn mất ý thức và ngã khuỵu. Trẻ có tiền sử leukemia cấp nguyên bào lympho B trước đó và được điều trị PEG-L-asparaginase 10 ngày trước lần nhập viện này. Khám lâm sàng gợi ý rối loạn chức năng bán cầu não trái, mặc dù bị chồng lẫn bởi bệnh đa dây thần kinh và tình trạng yếu toàn thân. Nồng độ kháng nguyên antithrombin III thấp ở mức 46%. MRV xung TOF thấy huyết khối xoang tĩnh mạch dọc trên theo một đoạn dài 7 cm đến 8 cm. Xung SWI thấy một ổ nhồi máu chảu máu ở vùng đỉnh bên trái và xung huyết tĩnh mạch thấy rõ nhất ở bán cầu não trái. Trẻ được điều trị bằng enoxaparin và sau đó hồi phục các thiếu sót thần kinh và tan huyết khối.
Bình luận
Ca bệnh này minh họa huyết khối xoang tĩnh mạch não trong bối cảnh ung thư và hóa trị asparaginase. Cơ chế đầy đủ của tăng đông do asparaginase còn chưa rõ ràng, nhưng asparaginase gây thiếu hụt antithrombin III.

Hậu quả

Tử vong do huyết khối xoang tĩnh mạch não là hiếm gặp; tuy nhiên, hậu quả về thần kinh bao gồm bệnh não và các cơn động kinh là thường gặp. Mất thị lực có thể xảy ra do tăng áp lực trong sọ vì tắc các xoang tĩnh mạch và có thể biểu hiện sớm trong quá trình diễn biến bệnh. Tăng áp lực trong sọ có thể dai dẳng ngay cả ở những ca bệnh thấy có tái thông hoàn toàn trên hình ảnh thần kinh.

Sau huyết khối xoang tĩnh mạch não, trẻ có nguy cơ cao hơn bị huyết khối bệnh lý tái phát, bao gồm cả trong giai đoạn cấp, và dự phòng cẩn thận cần được thảo luận. Huyết khối xoang tĩnh mạch não tái phát được báo cáo gặp trong 6% trẻ được theo dõi trong một thời gian trung bình là 36 tháng sau huyết khối xoang tĩnh mạch não lần đầu. Huyết khối xoang tĩnh mạch não tái phát có nhiều khả năng hơn ở những bệnh nhân có tắc dai dẳng sau huyết khối xoang tĩnh mạch não, những trẻ có đột biến prothrombin G20210A dị hợp tử, những trẻ không được điều trị chống đông, và những trẻ mà huyết khối xoang tĩnh mạch não lần đầu xảy ra sau 2 tuổi.

Kết luận

Đột quỵ chu sinh, đột quỵ thiếu máu cục bộ động mạch não ở trẻ em, và huyết khối xoang tĩnh mạch não ở trẻ em là các nguyên nhân quan trọng của bệnh tật ở trẻ em. Các chiến lược để cải thiện hậu quả bao gồm chẩn đoán sớm, dự phòng tái phát sớm cũng như tái phát muộn, dự phòng và điều trị các biến chứng, phục hồi chức năng và hỗ trợ tâm lý-xã hội.

Khoa Nhi tại Vinmec là một trong số ít bệnh viện đa chuyên khoa với đầy đủ các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, dinh dưỡng, tâm lý, nội tiết, gan mật giúp xử lý nhanh, kịp thời khi phát hiện ra các bệnh lý trong quá trình khám. Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:

  • Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
  • Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
  • Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
  • Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị với các bác sĩ Nhi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, quý khách hàng vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.


Nguồn tham khảo:

Amlie-Lefond C. Evaluation and Acute Management of Ischemic Stroke in Infants and Children. Continuum (Minneap Minn) 2018;24(1, Child Neurology): 150-170.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

544 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan