Hình ảnh gãy xương đòn trên X quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Gãy xương đòn là chấn thương thường gặp ở vùng vai. Sau khi thăm khám để xác định tình trạng gãy xương đòn bác sĩ đưa ra chỉ định chụp Xquang ngực nhằm chẩn đoán xác định gãy xương đòn, mức độ di lệch cũng như các tổn thương phối hợp để đưa ra hướng điều trị thích hợp.

1. Tìm hiểu về gãy xương đòn

  • Gãy xương đòn hay còn gọi là xương quai xanh (xương nối giữa xương ức và xương bả vai) là một chấn thương thường gặp nhất ở vùng vai. Thường gặp trong các chấn thương vai trong tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn do tập luyện thể thao.
  • Gãy xương đòn có nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó cần kiểm tra xác định các biến chứng do gãy xương đòn để bệnh nhân được điều trị kịp thời.
  • Xương đòn gãy bị di lệch cần được can thiệp phẫu thuật tránh can lệch xương ảnh hưởng đến khả năng vận động, thẩm mỹ sau này.
  • Điều trị gãy xương đòn dù là điều trị bảo tồn hay phẫu thuật thì cần được theo dõi, tái khám, chụp xquang kiểm tra để xử trí sớm các biến chứng của gãy xương đón.
  • Khi hình ảnh gãy xương đòn đã lành hoàn toàn, người bệnh có thể dần dần quay trở lại với công việc, sinh hoạt thường nhật.

2. Triệu chứng của gãy xương đòn

Triệu chứng của gãy xương thường gặp như :

  • Sưng đau vùng xương đòn, không dơ tay lên cao được, vai xệ xuống, đặc biệt đau tăng khi cử động cánh tay
  • Bầm tím vùng chấn thương
  • Cứng, hạn chế vận động vùng vai
  • Cảm nhận được tiếng gãy xương khi cử động vai
  • Khi ấn vào sẽ thấy đau nhói
  • Xương đòn biến dạng có thể quan sát được ngoài da.
XƯƠNG ĐÒN
Sưng đau vùng xương đòn, không dơ tay lên cao được là dấu hiệu nhận biết xương đòn của bạn có tổn thương

3. Hình ảnh Xquang gãy xương đòn

Kỹ thuật chụp x-quang xương đòn thẳng được sử dụng khi người bệnh nghi ngờ bị chấn thương xương đòn. Đây là một chấn thương thường gặp chiếm 2,6-5% các trường hợp gãy xương.

Sau khi gãy xương đòn, người bệnh thường có các triệu chứng lâm sàng của gãy xương đón kể trên, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định bạn đi thực hiện chụp x- quang xương đòn thẳng để xác định chẩn đoán.

Kết quả phim:

  • Tiêu chuẩn phim: Lấy được toàn bộ xương đòn và cả 2 khớp, xương đòn bên cần chụp vào giữa phim, phim có độ nét tương phản, phim sạch không bị xước.
  • Gãy xương đòn là hình ảnh mất liên tục của xương đòn trên phim chụp Xquang xương đòn biểu hiện bằng đường nứt trên xương không di lệch 2 đầu gãy vẫn chạm nhau hoặc gãy rời gây di lệch 2 đầu xương cách xa nhau
  • Vị trí gãy chia thành gãy 1⁄3 ngoài, 1⁄3 giữa và 1⁄3 trong
  • Hình ảnh phim chụp Xquang cho biết gãy có di lệch hay không, di lệch nhiều hay ít, có mảnh rời hay không
  • Đánh giá được các biến chứng như bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng, bị rách hoặc đứt mạch máu kết hợp với những loại gãy khác.

Từ kết quả hình ảnh gãy xương đòn và thăm khám, bác sĩ chỉ định cách điều trị, trong đó phẫu thuật sẽ cần thiết nếu xương gãy bị di lệch. Phẫu thuật sẽ giúp nắn chỉnh xương gãy cho ngay ngắn và cố định xương gãy ở vị trí tốt trong khi chờ cho xương lành.

Gãy xương đòn
Hình ảnh gãy xương đòn trên X quang

4. Biến chứng của gãy xương đòn

Biến chứng ở bệnh nhân gãy xương đòn có thể do tác động của lực chấn thương vào vị trí gãy xương và tổ chức phần mềm xung quanh. Các biến chứng thường gặp của gãy xương đòn như:

  • Chậm liền xương: Rõ được trên phim chụp X-Quang, sau 3 tháng mà xương chưa lành thì cần được theo dõi tình trạng xương chậm liền. Để chăm sóc và hồi phục sau gãy xương bạn hãy lựa chọn những thực phẩm tốt cho xương sẽ giúp quá trình liền xương diễn ra nhanh hơn.
  • Xương không liền: Sau 6 tháng mà bệnh nhân vẫn còn biểu hiện tại vị trí gãy xương còn đau, có cử động bất thường hay trên X-Quang không có dấu hiệu xương liền thì được chẩn đoán là xương không liền
  • Xương liền bị lệch: Do trong quá trình nắn chỉnh xương hay do các di lệch thứ phát sau khi nắn chỉnh, kết hợp xương ảnh hưởng đến chức năng cũng như
  • Tổn thương mạch máu như đứt rách mạch máu làm máu chảy nhiều, thương tổn thêm nặng nề.
  • Tổn thương thần kinh: Gãy xương đòn có thể làm đụng giập, đứt rách dây thần kinh làm giảm khả năng vận động, dinh dưỡng, cảm giác của chi thể sau này.

Điều trị gãy xương đòn phụ thuộc vào dạng gãy xương và mức độ nặng của đường gãy. Ở những bệnh nhân có đường gãy phức tạp, đó là những đường gãy dài hoặc di lệch nhiều có thể cần đến phẫu thuật. Phẫu thuật gãy xương đòn sẽ được các phẫu thuật viên điều chỉnh xương đòn trở lại vị trí bình thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan