Gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Tịnh - Bác sĩ Gây mê - Hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ Nguyễn Xuân Tịnh đã có hơn 18 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực Gây mê – Hồi sức.

Gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ là kỹ thuật gây mê toàn thân sử dụng mask thanh quản để kiểm soát đường thở thay vì các phương tiện khác trong suốt thời gian tiến hành phẫu thuật can thiệp. Phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ có sử dụng gây mê mask thanh quản chỉ nên được thực hiện ở những tình huống khó đặt nội khí quản và ở những cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cũng như đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm.

1. Đường rò luân nhĩ là gì?

Đường rò luân nhĩ là một dị dạng bẩm sinh phổ biến được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1864, nối từ chân sụn quanh viền tai với môi trường bên ngoài. Đường rò luân nhĩ thường được phát hiện trên lâm sàng nhờ vào sự xuất hiện của một lỗ nhỏ ở phía cạnh ống tai ngoài, thường ở cạnh trước của viền tai.

Khi đường rò luân nhĩ xuất hiện biến chứng nhiễm trùng với các biểu hiện như đau, sưng đỏ, chảy mủ hôi, người bệnh cần được điều trị nội khoa giải quyết tình trạng cấp tính. Phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ nên thực hiện sau khi tình trạng nhiễm trùng của người bệnh được kiểm soát tốt với thuốc kháng sinh và các thuốc chống viêm với mục đích dự phòng sự lặp lại của các đợt viêm nhiễm. Trong khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành xác định đường đi từ lỗ rò bên ngoài và bóc tách các mô xung quanh toàn bộ đường rò để cắt bỏ và khâu kín.

Rò luân nhĩ
Đường rò luân được biết đến là một dị dạng bẩm sinh

2. Chỉ định và chống chỉ định phẫu thuật rò luân nhĩ

Phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ ở trẻ em cần được tiến hành dưới gây mê toàn thân và dự định kéo dài trung bình khoảng 1 tiếng. Phẫu thuật viên có thể lựa chọn nhiều phương pháp gây mê toàn thân khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên gây mê mask thanh quản trong phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ được chỉ định khi:

  • Các bệnh nhân khó kiểm soát đường thở và không đặt được nội khí quản hoặc đặt nội khí quản khó
  • Ưu tiên kiểm soát đường hô hấp trong các trường hợp nguy cấp

Những trường hợp sau không nên lựa chọn phương pháp gây mê toàn thân bằng mask thanh quản:

  • Bệnh nhân có dạ dày đầy trước phẫu thuật
  • Cơ sở y tế thực hiện phẫu thuật không có đầy đủ phương tiện và dụng cụ sử dụng trong gây mê hồi sức
Đặt nội khí quản để phòng tránh suy hô hấp cho trẻ
Trẻ không đặt được nội khí quản được chỉ định gây mê mask thanh quản

3. Quy trình thực hiện gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ

Kỹ thuật gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ cần được thực hiện theo đúng quy trình để đảm bảo an toàn cho người bệnh và tính hiệu quả cho quá trình phẫu thuật. Quy trình thực hiện của gây mê mask thanh quản phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ bao gồm:

  • Chuẩn bị phương tiện và dụng cụ dùng trong gây mê và phẫu thuật: hệ thống máy thở, máy theo dõi tần số tim, huyết áp, tần số thở,... cho người bệnh, mask thanh quản nhiều kích thước, mặt nạ, canule, dao điện, dao lạnh, Kelly, forcep, kim chỉ khâu, ...
  • Chuẩn bị người bệnh: trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cần được thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát. Các bước thực hiện gây mê và phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ cũng như những tai biến có thể xuất hiện cần được giải thích và tư vấn rõ với người nhà và bệnh nhân để có được sự hợp tác tốt. Những trường hợp tiên lượng khó đặt mask thanh quản cần được lưu ý và hội chẩn tìm kiếm phương án gây mê toàn thân thay thế.

Thực hiện gây mê mask thanh quản phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ:

  • Đặt người bệnh ở tư thế nằm ngửa trên bàn phẫu thuật
  • Thiết lập hai đường truyền tĩnh mạch lớn và lắp đặt máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn bao gồm tần số tim, huyết áp, nhiệt độ, tần số thở ...
  • Cho người bệnh thở oxy nồng độ 100% với liều 3 – 6 lít/ phút trong vòng ít nhất 5 phút.
  • Sử dụng thuốc mê theo đường tĩnh mạch hoặc đường hít để khởi mê. Trong suốt thời gian khởi mê, các thuốc giảm đau nên được sử dụng phối hợp với các thuốc mê và cân nhắc chỉ định nhóm thuốc giãn cơ nếu cần thiết.
  • Bắt đầu đặt mask thanh quản sau khi người bệnh rơi vào trạng thái ngủ sâu và giãn cơ hoàn toàn.
Mask thanh quản
Kỹ thuật thực hiện gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ
  • Giữ đầu người bệnh ngửa hoặc ở tư thế trung gian. Một tay giữ miệng bệnh nhân mở rộng, tay còn lại cầm mask thanh quản đưa vào khoang miệng đến gốc lưỡi và tỳ theo khẩu cái cứng trượt xuống vùng hầu. Sau đó, kiểm tra mask thanh quản được đặt đúng vị trí và bơm bóng theo hướng dẫn. Tiến hành kiểm tra độ kín của mask tại thanh quản và cố định bằng băng dính ở hai bên miệng.
  • Tiếp tục chỉ định sử dụng thuốc mê đường tĩnh mạch hoặc đường hít để đưa người bệnh vào giai đoạn duy trì mê.
  • Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình phẫu thuật bằng các thông số như nhịp tim, huyết áp, tần số thở, nhiệt độ, SpO2...

Phẫu thuật cắt đường rò luân nhĩ có gây mê mask thanh quản dự kiến kéo dài khoảng 1 tiếng.

4. Tai biến của gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ

Gây mê mask thanh quản phẫu thuật cắt rò luân nhĩ thường được thực hiện ở những cơ sở y tế có đầy đủ cơ sở vật chất và các bác sĩ có kinh nghiệm tuy nhiên một vài tai biến vẫn có thể xảy ra như:

  • Trào ngược dịch tiêu hoá vào đường hô hấp: biến chứng này có thể xảy ra khi mask thanh quản không được đặt kín và bệnh nhân có dạ dày đầy. Cần xử trí cấp cứu bằng cách hút sạch dịch dạ dày khi bệnh nhân nằm trong tư thế đầu thấp nghiêng sang bên. Lựa chọn đặt ống nội khí quản nếu được để kiểm soát đường thở. Sau phẫu thuật, người bệnh nên được theo dõi để kịp thời phát hiện tình trạng viêm phổi do hít.
  • Rối loạn huyết áp và nhịp tim khi phẫu thuật: tai biến này xuất hiện do nhiều nguyên nhân và cần xử trí theo từng trường hợp.
  • Chấn thương do đặt mask thanh quản: người bệnh có thể gặp phải các tai biến như gãy răng, chấn thương niêm mạc miệng, vòm khẩu cái, dây thanh âm do thao tác đặt thô bạo.
  • Rơi mask thanh quản do cố định không đúng cách: gây ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của người bệnh.
viêm phổi hít
Người bệnh có thể bị viêm phổi do hít khi gây mê mask thanh quản

Sau khi rút mask thanh quản, người bệnh cũng có thể gặp phải các tình huống không mong muốn như co thắt thanh khí quản, suy hô hấp, khàn tiếng hoặc mất tiếng, viêm phổi, nhiễm trùng đường hô hấp trên. Tùy từng trường hợp cụ thể mà nhân viên y tế sẽ có những cách xử trí riêng.

Để nâng cao quy trình thăm khám và điều trị bệnh, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã ứng dụng kỹ thuật gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ. Kỹ thuật gây mê mask thanh quản cắt đường rò luân nhĩ tại Vinmec được thực hiện bài bản, đúng chuẩn quy trình bởi đội ngũ y bác sĩ tay nghề chuyên môn cao, hệ thống máy móc hiện đại, nhờ vậy cho kết quả chính xác, góp phần không nhỏ vào việc điều trị bệnh hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan