Điều gì xảy ra với lượng đường trong máu khi bạn đang ngủ?

Thói quen ngủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của glucose và insulin trong máu. Do đó, bạn nên duy trì giấc ngủ đều đặn, đúng với sinh lý, tránh ngủ quá muộn hoặc quá nhiều để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

1. Đường huyết lúc ngủ như thế nào?

Đường máu lúc ngủ sẽ tăng lên, thường vào khoảng 4 - 8 giờ sáng đối với giấc ngủ bình thường. Ở người khỏe mạnh, insulin có thể kiểm soát sự gia tăng của đường huyết bằng cách ra lệnh cho các tế bào cơ, mỡ và gan hấp thụ glucose từ máu. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, insulin không thể thực hiện tốt chức năng đó, vì vậy lượng đường trong máu sẽ tăng cao hơn.

XEM THÊM: Tại sao lượng đường trong máu tăng vào buổi sáng?

2. Thói quen ngủ và bệnh tiểu đường

Bên cạnh các yếu tố về chế độ ăn uống và béo phì, thói quen ngủ cũng liên quan đến bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thói quen ngủ có thể ảnh hưởng đến mức độ phản ứng của tế bào với insulin.

Nghiên cứu trên 4000 người về thời gian ngủ mỗi đêm cho thấy những người ngủ ít hơn 6 giờ/đêm có nguy cơ tế bào ít nhạy cảm hơn với insulin, làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Điều này đúng ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu đã tính đến các thói quen sống khác.

Ngoài ra, các rối loạn và gián đoạn giấc ngủ khác như chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù lý do để giải thích cho việc ngủ nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường chưa rõ ràng, nhưng một số nghiên cứu cho thấy ngủ nhiều hơn 9 giờ/đêm cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.

XEM THÊM: Các thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu

Bệnh tiểu đường
Chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng tới lượng đường trong máu

3. Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm thường có thói quen ăn uống không có giờ giấc, thiếu lành mạnh, ăn vặt nhiều hơn. Nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng giấc ngủ ngắn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách cơ thể tạo ra các hormon khác, từ đó ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Ví dụ, khi bạn thức khuya, cơ thể sẽ tạo ra nhiều hormone cortisol, điều này ảnh hưởng đến hoạt động của insulin. Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc phá vỡ đồng hồ sinh học của cơ thể (nhịp sinh học) do thức đêm có thể khiến các tế bào kháng insulin nhiều hơn.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã thay đổi nhịp sinh học của 16 tình nguyện viên khỏe mạnh bằng cách chỉ cho phép ngủ 5 giờ mỗi đêm trong 5 đêm. Khi những người tình nguyện đó ăn thức ăn vào ban đêm, thời điểm mà cơ thể không được chuẩn bị sinh học để tăng lượng đường trong máu, cơ thể họ đã không sử dụng insulin đúng cách.

XEM THÊM: Ngủ không đủ giấc có thể tàn phá cơ thể bạn

4. Cải thiện đường huyết qua giấc ngủ bằng cách nào?

Để giữ cân bằng lượng đường trong máu, hãy cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Cụ thể:

  • Đối với người làm việc vào ban đêm hoặc có nhiều ca luân phiên: Cố gắng duy trì thời gian ăn và ngủ đều đặn, kể cả vào những ngày nghỉ, nếu bạn có thể. Và tập thể dục trong thời gian nghỉ ngơi như đi bộ.
  • Đối với người lo lắng về lượng đường trong máu: Ngủ ngon giấc thường xuyên sẽ giúp cơ thể bạn sử dụng insulin một cách hiệu quả. Cùng với việc ngủ đủ giấc, tránh ăn khuya và cố gắng tập thể dục sau bữa tối.
  • Đối với người bị tiểu đường: Nếu lượng đường trong máu thường cao vào buổi sáng, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bạn có thể cần theo dõi đường huyết liên tục để xác định rõ khoảng thời gian và mức tăng bất thường từ đó đưa ra giải pháp. Điều chỉnh thuốc điều trị tiểu đường hoặc thói quen tập luyện có thể được đưa ra với người không kiểm soát tốt đường huyết.

Thói quen ngủ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của glucose và insulin trong máu. Do đó, bạn nên thực hiện cân bằng giấc ngủ, tập luyện và duy trì chế độ ăn uống phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan