Đề kháng insulin: Triệu chứng và điều trị

Đề kháng insulin là tình trạng rối loạn chuyển hóa của cơ thể, là tiền đề gây nên bệnh đái tháo đường. Tình trạng này có thể không gây nguy hiểm cấp tính nhưng nếu kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

1. Insulin là gì?

Cơ thể con người là một bộ máy cực kỳ hoàn hảo, trong đó chuyển hóa các chất sẽ được điều hòa bởi các loại hormon khác nhau. Trong đó, lượng đường glucose trong máu sẽ được vận chuyển vào trong các tế bào để tạo năng lượng hoạt động cho cơ thể, dưới tác dụng của một loại hormone sản sinh tại tế bào beta của tuyến tụyhormon Insulin.

Theo sinh lý bình thường, một lượng nhỏ insulin sẽ được bài tiết sau mỗi bữa ăn để thực hiện nhiệm vụ này.

2. Đề kháng insulin là gì?

Đề kháng insulin (hay kháng ngự insulin) là tình trạng các tế bào trong cơ thể bị giảm khả năng đáp ứng với tác dụng của hormon insulin, đặc biệt là các tế bào ở mô cơ và mô mỡ.

Tuy nhiên, cơ thể vẫn cần năng lượng từ glucose để hoạt động, do đó tuyến tụy sẽ hoạt động bù trừ với sự đề kháng insulin bằng cách sản xuất ra thêm insulin để tăng đưa đường từ máu vào tế bào.

tế bào gốc tự thân từ mô mỡ
Đề kháng insulin xảy ra khi tế bào của cơ thể giảm khả năng đáp ứng với tác dụng của hormone insulin

Kết quả là insulin trong máu tăng quá mức và kích thích lên các mô vẫn còn nhạy cảm với insulin, đồng thời lượng glucose trong máu vẫn cao do không được vận chuyển vào trong tế bào và gây ra nhiều hậu quả khác nhau.

Tình trạng vừa tăng insulin máu vừa đề kháng insulin đầu tiên sẽ tác động lên quá trình chuyển hóa lipid của cơ thể. Quá trình chuyển hóa mỡ máu rối loạn với việc tăng đáng kể lượng triglyceridesLDL - phân tử lipoprotein tỷ trọng thấp trong máu (cholesterol có hại cho cơ thể) và giảm lượng HDL - lipoprotein tỷ trọng cao (cholesterol có lợi cho cơ thể). Bên cạnh đó, đề kháng insulin còn làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, sản sinh các phản ứng viêm, tăng giữ muối dẫn đến tăng huyết áp.

Tuy nhiên, cần nhớ rằng đề kháng insulin không phải là một bệnh lý riêng biệt. Đây là tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể đi kèm với các các bệnh lý khác như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh gan nhiễm mỡ (không do rượu).

Tuy nhiên, không phải lúc nào người bị đề kháng insulin cũng mắc các bệnh lý trên và ngược lại. Đề kháng insulin có thể là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý trên cũng như góp phần thúc đẩy các tình trạng bệnh lý trên nặng hơn.

3. Nguyên nhân đề kháng insulin

Theo các nghiên cứu cho đến hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây đề kháng insulin. Có nhiều yếu tố góp phần gây nên tình trạng này như các yếu tố di truyền, chủng tộc và một phần do lối sống.

Phenylceton niệu là một bệnh di truyền
Di truyền là một những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Những người mang gen liên quan đến bệnh đái tháo đường, người mắc hội chứng chuyển hóa, thường xuyên căng thẳng (stress), béo phì hoặc người có lối sống ít vận động sẽ làm tăng khả năng đề kháng insulin.

4. Dấu hiệu đề kháng insulin

Trong đa số các trường hợp, dấu hiệu đề kháng insulin thường không đặc hiệu hoặc không có bất kỳ biểu hiện nào trên lâm sàng. Bệnh nhân bị đề kháng insulin có thể thích nghi với nhu cầu tăng sản xuất insulin trong nhiều năm.

Đến một giới hạn nào đó, khi tuyến tụy không còn đủ khả năng sản xuất insulin thì lượng glucose huyết sẽ tăng cao và bệnh đái tháo đường xảy ra. Nếu không được điều trị thích hợp, chính lượng đường huyết cao lâu ngày sẽ gây tổn thương mạch máu ở nhiều cơ quan khác nhau như tim, thận, não, mắt, mạch máu ngoại biên.

Khi đó, các triệu chứng lâm sàng mới biểu hiện ra và bệnh nhân mới được chẩn đoán có tình trạng đề kháng insulin.

5. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm đề kháng insulin

Hiện nay vẫn chưa có xét nghiệm nào trực tiếp xác định được đề kháng insulin. Để chẩn đoán được tình trạng này, bác sĩ phải xem xét, đánh giá toàn bộ tình trạng của người bệnh cũng như kết hợp nhiều kết quả xét nghiệm khác nhau. Các xét nghiệm thường được sử dụng để đánh giá sự đề kháng insulin:

Xét nghiệm ALP
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm đề kháng insulin

  • Đo tỉ số nồng độ insulin/nồng độ glucose máu (I/G). Bình thường tỉ số này có trị từ 0.3 - 0.4. Nếu thấp hơn thì có thể gợi ý tình trạng đề kháng insulin.
  • Chỉ số HOMA (homeostatic model assessment): định lượng glucose và insulin trong máu sau đó dùng các phép tính để ước lượng chức năng của tế bào beta và độ nhạy với insulin.
  • Xét nghiệm dung nạp insulin (Insulin tolerance test = ITT): truyền tĩnh mạch insulin, rồi kiểm tra lượng glucose và insulin nhiều lần sau đó giúp xác định có sự nhạy cảm hoặc đề kháng insulin hay không.
  • Định lượng Insulin máu: Xét nghiệm lượng insulin lúc đói thường thay đổi nhưng lượng insulin thường tăng ở những người có đề kháng insulin.
  • Các xét nghiệm ức chế insulin đặc hiệu (specific insulin suppression tests) được sử dụng để nghiên cứu việc đề kháng insulin, nhưng ít được chỉ định rộng rãi trong thực tế.

6. Cách làm giảm đề kháng insulin

Cách làm giảm đề kháng insulin đầu tiên thường được nhắc đến là thay đổi về chế độ dinh dưỡng và lối sống. Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo nên giảm cân nặng (ở người béo phì hoặc thừa cân), tập luyện thể lực vừa phải và thường xuyên, chế độ dinh dưỡng tăng lượng các chất xơ, giảm lượng thịt (đặc biệt là thịt đỏ) là những cách làm giảm đề kháng insulin và tăng độ nhạy của cơ thể đối với insulin.

Ngoài ra, lượng đường trong máu quá cao ở người đề kháng insulin nên được điều chỉnh bằng các loại thuốc uống giúp kiểm soát đường huyết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan