Đau thần kinh mạn tính: Đặc điểm, chẩn đoán và điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau thần kinh mạn tính là tình trạng phổ biến ở hàng triệu người trên thế giới. Điều trị đau thần kinh mạn tính sớm sẽ giúp cải thiện triệu chứng khó chịu và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân .

1. Đau thần kinh mạn tính là gì?

Đau là một cảm giác khó chịu liên quan tới các mô. Cảm giác đau bao gồm đau cấp tính và đau mạn tính. Đau cấp tính là cơn đau có cường độ mạnh nhưng kéo dài trong thời gian ngắn, thường do chấn thương, bệnh ở nội tạng, thời gian đau thường dưới 4 tuần và sẽ hết đau khi vết thương lành. Còn đau mạn tính là tình trạng đau đớn kéo dài lâu hơn so với đau cấp tính, thường lên tới 3 - 6 tháng, có thể đau nhẹ, âm ỉ hoặc đau với cường độ mạnh, đau do bất cứ nguyên nhân nào.

Đau thần kinh đặc trưng bởi cảm giác nhức nhối và châm chích. Bệnh nhân có thể bị đau, tê ngứa ran hoặc cảm giác chân tay bị kim châm.

Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh mạn tính thường kéo dài gây đau âm ỉ

2. Nguyên nhân gây đau thần kinh mạn tính

  • Đau thần kinh ngoại biên: Chủ yếu do không kiểm soát được biến chứng của bệnh đái tháo đường, sự thiếu hụt vitamin, ảnh hưởng của thuốc và các độc tố, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), hội chứng cận ung thư và bệnh thần kinh di truyền;
  • Đau thần kinh trung ương: Đau sau đột quỵ não, đau do bệnh tủy như chấn thương, bệnh xơ cứng rải rác, các bệnh ở tủy sống và bệnh liên quan tới HIV.
Đái tháo đường tại Việt Nam
Đái tháo đường là một nguyên nhân gây đau thần kinh

3. Điều trị đau thần kinh mạn tính

3.1 Sử dụng thuốc

  • Acetaminophen (hoặc paracetamol): Sử dụng trong một thời gian ngắn, có thể làm giảm đau thần kinh. Liều lượng sử dụng là 500 - 1.000 mg mỗi 6 giờ, dùng đường uống. Không dùng thuốc với liều 4g/ngày. Loại thuốc này có ít tác dụng phụ nhưng nếu uống quá nhiều với liều cao thì có thể dẫn tới suy gan. Các đối tượng sử dụng thuốc cụ thể sẽ được khuyến cáo bởi bác sĩ chuyên khoa;
  • Tramadol: Được sử dụng để giảm các cơn đau từ trung bình đến đau nặng. Tổng liều tối đa hằng ngày là 400mg/ngày. Cần sử dụng Tramadol thận trọng cho những bệnh nhân bị động kinh hoặc khi kết hợp với các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc vì thuốc có thể gây co giật (hiếm gặp). Tác dụng phụ phổ biến khác của Tramadol là buồn nôn, buồn ngủ và đổ mồ hôi. Nếu sử dụng quá liều có thể dẫn tới suy hô hấp;
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): được sử dụng để giảm đau mức độ vừa, đặc biệt với những bệnh nhân bị đau do viêm. Bệnh nhân có thể sử dụng Celecoxib hoặc Rofecoxib. Tuy nhiên, chúng có ít tác dụng đối với người bị đau thần kinh và đau mạn tính người bệnh chú ý không sử dụng NSAIDs quá 4 tuần. Về tác dụng phụ, các loại thuốc NSAIDs có thể gây dị ứng, ảnh hưởng tới tiêu hóa, suy thận, suy timcao huyết áp;
  • Thuốc chống trầm cảm: là loại thuốc hiệu quả nhất để giảm đau thần kinh mạn tính. Các thuốc chống trầm cảm có thể sử dụng cho bệnh nhân là Amitriptyline, Citalopram, Venlafaxine, Duloxetine và Paroxetine với liều lượng phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể gặp là buồn ngủ, buồn nôn, khô miệng, táo bón, hạ huyết áp tư thế, bí tiểu và tăng nhãn áp góc hẹp. Ngoài ra, bệnh nhân dùng thuốc có thể bị loạn nhịp tim, đặc biệt là với những người mới bị nhồi máu cơ tim;
  • Thuốc chống động kinh: được sử dụng để giảm đau thần kinh. Các loại thuốc thường được sử dụng là Pregabalin, Carbamazepine và Gabapentin. Một số loại thuốc ít được sử dụng hơn gồm Phenytoin, Sodium Valproate và Lamotrigine.

- Carbamazepine là thuốc trị đau dây thần kinh sinh ba, dây thần kinh thiệt hầu và dây thần kinh chẩm.

- Gabapentin giúp giảm đau thần kinh ngoại biên bệnh tiểu đường và các chứng bệnh đau thần kinh khác.

- Pregabalin có tác dụng giảm đau thần kinh do đái tháo đường, zona, đau do chấn thương cột sống, đột quỵ, đau cơ xơ,...

- Lamotrigine giảm đau dây thần kinh sinh ba, đau do chấn thương cột sống và các loại đau dây thần kinh khác.

Tác dụng phụ của thuốc chống động kinh bao gồm: Buồn ngủ, buồn nôn, nhìn đôi, chóng mặt, phát ban, hạ natri máu, nhiễm độc gan hoặc xương tủy.

Thuốc kháng viêm Corticoid
Một số loại thuốc ngoài điều trị bệnh còn có tác dụng giảm đau thần kinh mạn tính

3.2 Liệu pháp xâm lấn

Nếu điều trị giảm đau bằng thuốc không hiệu quả, bệnh nhân đau thần kinh mạn tính sẽ được kiểm tra, xác định nguyên nhân gây đau và có thể được chỉ định phẫu thuật. Các thủ thuật phẫu thuật được thực hiện gồm: Mở cột sống giải ép, kích thích trong chất xám, tủy sống và hạch nền. Thăm dò dây thần kinh và giải ép dây thần kinh sẽ được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm.

Phương pháp kích thích điện và sử dụng các sóng có tần số thấp cũng được sử dụng cho các trường hợp đau chân tay và cột sống mạn tính.

Ngoài ra, một số trường hợp còn được chỉ định tiêm trong ống sống (trong màng cứng). Hiện chỉ có morphin là loại thuốc được chấp thuận sử dụng cho mục đích này.

Đau thần kinh mạn tính là tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Vì vậy, khi có triệu chứng đau, người bệnh nên ngay lập tức đi khám để được điều trị kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan