Chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Và Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Dịu Hường - Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chụp số hóa xóa nền (DSA - Digital Subtraction Angiography) can thiệp mạch phổi là phương pháp chụp mạch máu dựa trên nguyên lý loại trừ ảnh thông qua bộ xử lý hình ảnh kỹ thuật số giúp chụp lại quá trình lưu thông máu, nhận diện các bất thường động mạch phổi và từ đó nhận biết các bệnh động mạch phổi phổ biến.

1. Tổng quan về kỹ thuật chụp số hóa nền can thiệp mạch phổi

Chụp số hóa xóa nền giúp bác sĩ có đủ dữ liệu để xác định cách can thiệp mạch phổi phù hợp (nút tắc mạch, tiêu sợi huyết, lấy huyết khối động mạch phổi...). Các kỹ thuật này giúp xâm lấn tối thiểu, điều trị từ trong lòng mạch máu mà không cần phải phẫu thuật mở, từ đó giảm thiểu các nguy cơ liên quan.

Các trường hợp chỉ định:

  • Nhu cầu xác định bất thường động mạch phổi: Bất thường bẩm sinh, phình động mạch phổi, huyết khối động mạch phổi...
  • Can thiệp động mạch phổi: Nhu cầu giải quyết nút tắc mạch, tái thông động mạch phổi.

Các trường hợp chống chỉ định:

  • Lưu ý: Không có chống chỉ định tuyệt đối
  • Chống chỉ định tương đối: Bệnh nhân đang trong tình trạng suy tạng nặng (suy gan, suy thận..), huyết khối trong buồng nhĩ phải, bệnh nhân bị dị ứng thuốc đối quang, phụ nữ có thai
suy gan cấp tính
Bệnh nhân suy gan chống chỉ định thực hiện thủ thuật này

2. Quy trình chụp số hóa xóa nền và can thiệp mạch phổi

2.1 Chuẩn bị trước thủ thuật

Để thực hiện chụp số hóa xóa nền can thiệp mạch phổi, cần chuẩn bị:

Ekip thực hiện:

  • Bác sĩ chuyên khoa điện quang, bác sĩ phụ trợ.
  • Kỹ thuật viên điện quang.
  • Điều dưỡng.
  • Bác sĩ/kỹ thuật viên gây mê (nếu bệnh nhân khó hợp tác)

Phương tiện sử dụng:

Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA): treo trần hoặc để sàn

Một hoặc hai bình điện.

  • Bộ áo chì, tạp dề giúp che chắn khỏi tia X.
  • Phim, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh.

Thuốc:

  • Thuốc gây tê tại chỗ
  • Thuốc gây mê toàn thân (tùy trường hợp)
  • Thuốc cản quang tan trong nước không ion hóa (Ultravist, Xenetic, Iopamiro, Pamiray)
  • Thuốc chống đông
  • Thuốc trung hòa chống đông
  • Dung dịch sát trùng da và niêm mạc.

Vật tư y tế thông thường:

  • Bơm tiêm 1,3,5,10ml
  • Nước cất (nước muối sinh lý)
  • Trang phục phẫu thuật
  • Hộp thuốc và hộp cấp cứu tai biến.
  • Bộ dụng cụ can thiệp vô trùng (dao, kéo, kẹp, khay đựng dụng cụ..v.v),
  • Bông gạc, băng y tế phục vụ phẫu thuật.

Vật tư y tế đặc biệt:

  • Kim chọc mạch
  • Bộ ống vào lòng mạch
  • Dây dẫn đường
  • Vi dây dẫn can thiệp
  • Ống thông chẩn đoán
  • Ống thông can thiệp
  • Vi ống thông can thiệp

Vật liệu gây tắc mạch:

  • Xốp sinh học giúp cầm máu (Gelatin)
  • Hạt nhựa tổng hợp (PVA)
  • Keo sinh học (Histoacryl, Onyx)
  • Chất tắc mạch tạm thời (Spongel, Gelfoam)
  • Vòng xoắn kim loại (Coils) các kích cỡ.

Người bệnh cần chuẩn bị:

  • Được giải thích cụ thể về cách chụp và cách can thiệp để phối hợp hiệu quả với bác sĩ.
  • Thực hiện thăm khám lâm sàng trước thủ thuật.
  • Nhịn ăn, uống trước 6 giờ. Hạn chế không uống quá 50ml nước.
  • Trường hợp người bệnh không thể nằm yên sẽ được chỉ định dùng thuốc an thần.
Uống nước
Trước khi làm thủ thuật, bệnh nhân không uống quá 50ml nước.

2.2 Quy trình thực hiện

Phương pháp vô cảm

  • Tại phòng can thiệp: Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn chụp. Bác sĩ đặt đường truyền tĩnh mạch, lắp máy theo dõi nhịp thở, mạch, điện tâm đồ, huyết áp, độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Sát trùng và phủ khăn phủ vô trùng có lỗ.
  • Tiến hành tiền mê hoặc gây mê nếu cần (nếu người bệnh không hợp tác, trẻ nhỏ...)
  • Chọn kỹ thuật và đường vào của ống thông: Dựa trên phương pháp Seldinger đường vào có thể từ tĩnh mạch đùi (phổ biến nhất), tĩnh mạch cảnh trong, tĩnh mạch chủ trên, vào nhĩ phải sang thất phải và vào động mạch phổi.

Tiến hành thủ thuật:

  • Điều dưỡng sát khuẩn vùng bẹn 2 bên đùi (đường vào tĩnh mạch đùi). Trải toan che phủ toàn bộ bệnh nhân, chỉ để hở vị trí chọc mạch và chỗ đưa ống thông vào chụp mạch.
  • Tiến hành gây tê tại chỗ vị trí đặt ống mở đường vào lòng mạch.
  • Chọc kim, đặt bộ ống vào lòng tĩnh mạch đùi.
  • Qua bộ mở đường, đưa dây dẫn và ống thông chụp mạch vào tĩnh mạch chủ dưới, lên nhĩ phải vào thất phải, tiến lên động mạch phổi.
  • Qua bơm tiêm máy và dưới tác dụng của thuốc đối quang, thấy được toàn bộ hệ động mạch phổi phải và trái, xác định các bất thường động mạch phổi: phình, dị dạng động mạch phổi, huyết khối động mạch phổi... và chụp các dấu hiệu này.
  • Xác định cách thức can thiệp mạch phổi: Giải phóng nút tắc mạch, tái thông bất thường động mạch phổi bằng vật liệu nút mạch, thông mạch, lấy huyết khối động mạch phổi (nếu có).
  • Rút ống thông và ống vào lòng mạch sau khi đã chụp và can thiệp mạch phổi đạt yêu cầu. Ép nhẹ bằng tay để cầm máu trong 15 phút, sau đó băng ép vị trí can thiệp trong 6 giờ.

Nhận định kết quả:

Sau khi kết thúc can thiệp, đặt bệnh nhân nằm nghỉ ngơi và theo dõi mạch mu chân, tình trạng chảy máu, tụ máu ở vị trí chọc. Kết hợp theo dõi toàn thân (mạch, nhiệt độ, huyết áp, các phản ứng của người bệnh).

phình động mạch chủ
Tai biến có thể xảy ra sau thủ thuật như phình động mạch

3. Tai biến sau thủ thuật và hướng xử lý

Trong quá trình can thiệp:

  • Chảy máu do chọc kim vào động mạch: thực hiện ép cho đến khi cầm máu.
  • Bong huyết khối từ tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch chủ dưới lên nhĩ phải và lên động mạch phổi gây nhồi máu phổi, cần nhanh chóng phát hiện và xử trí kịp thời bởi bác sĩ chuyên khoa.
  • Phình động mạch: Tiến hành thông động tĩnh mạch hoặc đứt ống thông hoặc dây dẫn, sau đó can thiệp nội mạch hoặc ngoại khoa.
  • Luôn theo dõi tình trạng huyết động, hô hấp của người bệnh (đặc biệt là bệnh nhân cấp cứu khẩn do xuất huyết tiêu hóa).

Ngay sau can thiệp:

  • Theo dõi tình trạng chảy máu nơi chọc mạch: Người bệnh cần bất động tại giường bệnh, cố định chân bên chọc mạch ít nhất trong 6 giờ.
  • Theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, tình trạng ổ bụng sau can thiệp.

Chụp mạch số hóa xóa nền là kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán và hỗ trợ can thiệp điều trị bệnh động mạch phổi nói riêng và nhiều bệnh lý mạch máu nói chung. Khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân nên làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả trị liệu cao, giảm nguy cơ tai biến.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Thạc sĩ. Bác sĩ. Tống Dịu Hường đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu về các bệnh lý trên hình ảnh Siêu âm, X quang, CT đa lát cắt, Cộng hưởng từ về bệnh lý của hệ thần kinh, tiêu hóa, tiết niệu, tim mạch, cơ xương khớp... Bên cạnh đó là kỹ thuật hình ảnh can thiệp, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ dưới sự hướng dẫn của siêu âm và cắt lớp vi tính.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

385 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan