Chụp CT, MRI và các biện pháp khác đánh giá bệnh động kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Trình - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Bệnh động kinh là tình trạng rối loạn não liên quan đến các cơn động kinh lặp đi lặp lại. Đây là những đợt hoạt động điện đột ngột, không kiểm soát được diễn trong não gây ra chuyển động không tự chủ, thay đổi sự chú ý hoặc mất ý thức. Bác sĩ có thể sử dụng điện não đồ, CT não, MRI não hoặc chọc dò tủy sống để chẩn đoán và điều trị bệnh lý này.

1. Động kinh là gì?

Động kinh là một rối loạn mãn tính gây ra những cơn co giật không hồi phục, tái phát. Có hai loại động kinh chính gồm:

  • Động kinh toàn thể ảnh hưởng đến toàn bộ não.
  • Động kinh cục bộ hoặc một phần, chỉ ảnh hưởng đến một phần của não.

Một cơn động kinh nhẹ có thể khó nhận ra. Nó có thể kéo dài một vài giây trong khi người bệnh bị mất ý thức. Động kinh mạnh hơn có thể gây co thắt và co giật cơ không kiểm soát được và có thể kéo dài vài giây đến vài phút. Trong cơn co giật mạnh hơn, một số người trở nên lú lẫn hoặc mất ý thức. Sau đó người bệnh có thể không có ký ức về những gì đã xảy ra. Có một số lý do bạn có thể bị co giật như:

Động kinh là một rối loạn thần kinh khá phổ biến, ảnh hưởng đến 65 triệu người trên toàn thế giới. Ở Hoa Kỳ, bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người. Bất cứ ai cũng có thể bị động kinh, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi, nam giới xuất hiện nhiều hơn nữ.

Hiện nay, không có cách nào chữa trị bệnh động kinh, nhưng rối loạn này có thể được kiểm soát bằng thuốc và các phác đồ điều trị khác.

Bé sốt cao
Sốt cao là một nguyên nhân gây co giật

2. Các biến chứng bệnh động kinh nếu không được điều trị và kiểm soát

Có một cơn động kinh tại một số thời điểm nhất định có thể dẫn đến các tình huống nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác. Cụ thể:

  • Ngã: Nếu bạn ngã trong cơn động kinh, bạn có thể bị thương ở đầu hoặc gãy xương.
  • Đuối nước: Nếu bạn bị động kinh, bạn có khả năng bị đuối nước gấp 15 đến 19 lần trong khi bơi hoặc tắm so với người không mắc động kinh, do khả năng bạn bị co giật khi ở dưới nước.
  • Tai nạn giao thông: Do cơn động kinh gây mất nhận thức hoặc mất kiểm soát nên có thể nguy hiểm nếu bạn đang lái xe hoặc vận hành các thiết bị khác.
  • Biến chứng thai kỳ: Động kinh trong khi mang thai gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé và một số loại thuốc chống động kinh làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Nếu bạn bị động kinh và đang mong muốn có thai, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi bạn có thai. Hầu hết phụ nữ bị động kinh có thể mang thai và sinh con khỏe mạnh nhưng bạn sẽ cần được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ và thuốc điều trị động kinh có thể cần phải được điều chỉnh.
  • Vấn đề sức khỏe cảm xúc: Những người bị động kinh có nhiều khả năng có vấn đề về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm, lo lắng và suy nghĩ và hành vi tự tử. Các vấn đề này có thể là hậu quả của những khó khăn khi đối phó với tình trạng động kinh cũng như tác dụng phụ của thuốc.
Dị tật bẩm sinh
Động kinh trong khi mang thai có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh

Các biến chứng đe dọa tính mạng khác của bệnh động kinh diễn ra không phổ biến, nhưng có thể xảy ra, chẳng hạn như:

  • Trạng thái động kinh (Status epilepticus): Tình trạng này xảy ra nếu bạn ở trong trạng thái co giật liên tục kéo dài hơn năm phút hoặc nếu bạn bị co giật tái phát thường xuyên mà không tỉnh lại hoàn toàn giữa các cơ co giật. Những người bị trạng thái động kinh có nguy cơ tổn thương não vĩnh viễn và tử vong.
  • Đột tử bất ngờ trong bệnh động kinh (SUDEP): Những người bị động kinh cũng có nguy cơ thấp bị đột tử. Nguyên nhân chính xác hiện nay vẫn chưa được tìm ra, nhưng một số nghiên cứu cho thấy, đột tử có thể xảy ra do bệnh tim hoặc hô hấp.
  • Những người thường xuyên bị động kinh co cứng – co giật (Tonic – Clonic seizures) hoặc những người bị co giật nhưng thuốc không có hiệu quả để kiểm soát thì sẽ có thể có nguy cơ mắc SUDEP cao hơn. Nhìn chung, khoảng 1 phần trăm những người bị động kinh tử vong do SUDEP.

3. Chẩn đoán và đánh giá bệnh động kinh

Để chẩn đoán bệnh động kinh, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng hiện tại và tiền sử bệnh lý của bạn. Bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm để chẩn đoán động kinh và xác định nguyên nhân gây động kinh, bao gồm:

  • Đánh giá thần kinh: Bác sĩ có thể kiểm tra hành vi, khả năng vận động, chức năng tâm thần và các lĩnh vực khác để chẩn đoán tình trạng động kinh và xác định loại động kinh mà bạn có thể mắc phải.
  • Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể lấy mẫu máu để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng, tình trạng di truyền hoặc các tình trạng khác có thể liên quan đến động kinh.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán khác để phát hiện các bất thường về não như:

  • Điện não đồ (EEG): Đây là kỹ thuật chẩn đoán phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán bệnh động kinh. Trong kỹ thuật này, các điện cực được gắn vào da đầu của bạn bằng một loại chất đặc biệt (paste-like substance) hoặc mũ. Các điện cực sẽ ghi lại hoạt động điện của não của bạn. Nếu bạn bị động kinh, thông thường sẽ có những thay đổi trong mô hình sóng não so với sóng não bình thường, ngay cả khi lúc đó bạn không có cơn động kinh. Bác sĩ có thể theo dõi bạn trên video khi tiến hành điện não đồ khi bạn thức hay ngủ, để ghi lại bất kỳ cơn động kinh nào bạn gặp phải. Ghi lại các cơn động kinh có thể giúp bác sĩ xác định loại động kinh nào bạn gặp phải hoặc loại trừ các bệnh lý khác.
điện não đồ
Khi nghi ngờ có những bất thường về não, người bệnh được chỉ định điện não đồ
  • Điện não đồ mật độ cao (High-density EEG). Trong một biến thể của xét nghiệm EEG, bác sĩ của bạn có thể chỉ định thực hiện EEG mật độ cao để giúp bác sĩ xác định chính xác hơn khu vực nào trong não của bạn bị ảnh hưởng do các cơn động kinh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT). Chụp CT sử dụng tia X để thu được hình ảnh mặt cắt ngang não của bạn. Chụp CT có thể tiết lộ những bất thường trong não có thể là nguyên nhân gây ra cơn động kinh, chẳng hạn như khối u, chảy máu và u nang.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI). Máy MRI sử dụng nam châm và sóng vô tuyến mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết về bộ não của bạn. Bác sĩ có thể phát hiện các tổn thương hoặc bất thường trong não có thể là nguyên nhân gây ra cơn động kinh.
  • Chụp cộng hưởng từ chức năng (Functional MRI). Chụp cộng hưởng từ chức năng đo lường những thay đổi trong lưu lượng máu xảy ra khi các phần trong não đang hoạt động. Các bác sĩ có thể sử dụng kỹ thuật này trước khi phẫu thuật để xác định vị trí chính xác của các chức năng quan trọng, chẳng hạn như khả năng nói và chuyển động, để các bác sĩ phẫu thuật có thể tránh làm tổn thương những khu vực này trong quá trình phẫu thuật.
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Chụp PET sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ liều thấp được tiêm vào tĩnh mạch để giúp xây dựng hình ảnh của các khu vực hoạt động của não và phát hiện các bất thường.
  • Chụp cắt lớp bằng bức xạ đơn photon (SPECT). Loại kỹ thuật này được sử dụng chủ yếu nếu bạn đã chụp MRI và EEG mà không xác định chính xác vị trí trong não là nguồn gốc của cơn động kinh. Chụp SPECT sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ liều thấp được tiêm vào tĩnh mạch để tạo ra bản đồ 3D chi tiết về hoạt động lưu lượng máu trong não trong các cơn động kinh. Các bác sĩ cũng có thể thực hiện một loại khác của SPECT được gọi SISCOM (subtraction ictal SPECT coregistered to MRI) với khả năng cung cấp kết quả chi tiết hơn nữa.
SPM (Statistical parametric mapping)
SPM (Statistical parametric mapping) là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trong khám thần kinh

Khám thần kinh cũng là một cơ sở để đánh giá chẩn đoán bệnh động kinh. Trong kỹ thuật khám này, các bác sĩ đánh giá kỹ năng tư duy, trí nhớ và lời nói của bạn. Kết quả kiểm tra giúp các bác sĩ xác định khu vực nào trong não của bạn bị ảnh hưởng. Cùng với các kết quả xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh trên, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các kỹ thuật phân tích để giúp xác định chính xác nơi bắt đầu của cơn động kinh não:

  • SPM (Statistical parametric mapping). SPM là một phương pháp so sánh các khu vực của não bị tăng quá trình trao đổi chất trong các cơn động kinh so với não bình thường, từ đó giúp bác sĩ có manh mối về nơi bắt đầu cơn động kinh.
  • Phân tích Curry. Phân tích Curry là một kỹ thuật lấy dữ liệu điện não đồ và chiếu nó lên MRI của não nhằm giúp cho các bác sĩ tìm thấy những cơn động kinh đang xảy ra.
  • Từ não đồ (Magnetoencephalography - MEG). MEG đo các từ trường được tạo ra từ các hoạt động của não nhằm xác định các khu vực tiềm năng khởi phát cơn động kinh.

Chẩn đoán chính xác loại động kinh và nơi bắt đầu cơn động kinh là cơ sở tốt nhất để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan