Chỉ số đường huyết thai kỳ sau ăn 2 giờ

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng nguy hiểm có thể gặp phải trong thời gian mang thai và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và thai nhi. Kiểm tra chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ là một trong những xét nghiệm quan trọng trong quá trình quản lý thai nghén để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho những mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ.

1. Đái tháo đường thai kỳ là bệnh gì?

Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp đường mới xuất hiện hoặc được ghi nhận lần đầu trong khi mang thai. Ở những thai phụ mắc bệnh, khả năng sử dụng glucose của các tế bào trong cơ thể bị ảnh hưởng làm lượng đường trong máu tăng cao và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân giải thích cho tình trạng rối loạn dung nạp đường xảy ra ở phụ nữ mang thai là do nhau thai đã làm tăng nồng độ các hormon nữ như estrogen, progesterone trong cơ thể. Khi các hormon này tác động vào các thụ thể insulin ở trên tế bào sẽ làm cho các tế bào này tăng đề kháng với insulin – loại hormon do tuyến tụy sản xuất có tác dụng điều hòa đường huyết. Nếu lúc này lượng insulin không đủ để cơ thể vượt sự đề kháng này, hàm lượng đường sẽ tăng dần trong máu và gây ra đái tháo đường thai kỳ.

2. Những ai có khả năng bị đái tháo đường thai kỳ?

Những phụ nữ mang thai có các yếu tố sau đây có nguy cơ bị đái tháo đường trong quá trình thai nghén cao hơn so với những người không bị:

  • Có người thân trong gia đình bị đái tháo đường
  • Bản thân thai phụ đã có tiền sử mắc đái tháo đường thai kỳ ở những lần mang thai trước
  • Thai phụ có tiền sử sinh con to từ 4000g trở lên
  • Thai phụ có tiền sử thai lưu, nhất là ở 3 tháng cuối
  • Tiền sử sinh con bị dị tật
  • Thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp 3 lần trở lên

3. Phụ nữ mang thai được thực hiện xét nghiệm chỉ số đường huyết khi nào ?

Thai phụ ở ngay từ lần khám thai đầu tiên cần được thăm khám, ghi nhận tiền sử sức khỏe của bản thân và gia đình, tiền sử thai sản của bản thân cũng như các triệu chứng hiện tại để được xếp hạng nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ.

Đối với trường hợp thai phụ không có yếu tố nguy cơ: khi thai 24-28 tuần nếu có bất thường đường huyết lúc đói (≥ 92 mg/dl) thì phải được tầm soát bằng nghiệm dung nạp glucose đường uống.

Đối với trường hợp thai phụ có yếu tố nguy cơ nên được tầm soát bằng nghiệm dung nạp glucose đường uống trong 3 tháng đầu thai kỳ, ngay lần khám đầu tiên. Có thể lặp lại xét nghiệm vào lúc 24 -28 tuần nếu lần xét nghiệm trước đó bình thường.

4. Chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ như thế nào?

Chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ là kết quả của xét nghiệm tầm soát bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống:

Chuẩn bị:

  • Người xét nghiệm cần áp dụng chế độ ăn carbohydrate bình thường trong 3 ngày trước đó
  • Đêm trước xét nghiệm, thai phụ cần nhịn ăn từ 22 giờ hoặc cần ngưng bổ sung calo trong ít nhất 8 giờ trước khi lấy máu xét nghiệm.

Thực hiện nghiệm pháp:

  • Bước 1: Lấy máu lần đầu tiên và đo glucose máu lúc đói.
  • Bước 2: Pha 75g trong 200 ml nước và uống trong thời gian 3 – 5 phút. Lưu ý trong thời gian làm xét nghiệm, người làm xét nghiệm không được hút thuốc, ăn hay uống các loại nước ngọt.
  • Bước 3: Đo glucose máu sau 1 giờ uống nước glucose
  • Bước 4: Đo glucose máu sau 2 giờ uống nước glucose

Kết quả glucose máu bình thường:

  • Lúc đói: ≤ 92 mg/dl (5,1 mmol/L)
  • Sau 1 giờ ≤ 180 mg/dl (10 mmol/L)
  • Sau 2 giờ ≤ 153 mg/dl (8,5 mmol/L)

Thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Trong lần khám thai đầu tiên: Nếu một trong các kết quả: đường huyết lúc đói > 7,0 mmol/L, đường huyết ngẫu nhiên > 11,1 mmol/L hoặc HbA1c > 6,5%
  • Khi thai 24-28 tuần: Nếu có 2 trong 3 kết quả cao hơn mức bình thường khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

Khi được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, thai phụ phải được theo dõi sát, điều trị và kiểm soát chặt chẽ nồng độ Glucose máu trong suốt quá trình thai nghén và lúc chuyển dạ sinh con để phòng ngừa đến mức thấp nhất những biến chứng có thể xảy ra cho cả mẹ và bé. Bên cạnh việc dùng thuốc, thai phụ còn cần phải áp dụng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh và luyện tập thể dục nhẹ nhàng để giúp tăng hiệu quả điều trị.

5. Thai phụ cần làm gì để hạn chế chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ tăng cao?

Để hạn chế tình trạng đường huyết tăng cao sau ăn 2 giờ cũng như phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ, thai phụ nên chủ động áp dụng các biện pháp sau:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học: Để đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi, cũng như hạn chế nguy cơ đái tháo đường thai kỳ thai phụ nên ăn những thực phẩm lành mạnh, có lợi cho sức khỏe như các loại thịt nạc, cá, đậu hũ, rau xanh, củ quả, các loại đậu, trái cây ít ngọt,... và tránh những thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, phủ tạng động vật, đồ đóng hộp và các loại đồ uống chứa chất kích thích.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thai phụ cần duy trì cân nặng hợp lý trong thời gian mang thai, tăng cân phù hợp theo từng người. Theo các chuyên gia, mức tăng trung bình của phụ nữ trong suốt quá trình mang thai là khoảng 11,3 - 16 kg. Ngoài ra, các mẹ bầu có thể giảm cân nếu có tình trạng thừa cân, béo phì trước khi mang thai.
  • Vận động thường xuyên: Luyện tập thể dục thường xuyên, đều đặn: lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Người bệnh nếu thường xuyên luyện tập thể thao cũng sẽ giúp kiểm soát đường máu tốt hơn. Các mẹ bầu có thể lựa chọn những môn thể thao nhẹ nhàng, phù hợp cho phụ nữ mang thai như đi bộ, đạp xe, tập yoga,... Tuy nhiên, cần lưu ý là không được luyện tập quá sức sẽ làm cơ thể mỏi mệt và ảnh hưởng đến thai nhi.

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp cho cả mẹ bầu và thai nhi. Nghiệm pháp dung nạp glucose với chỉ số đường huyết sau ăn 2 giờ là xét nghiệm quan trọng trong quá trình mang thai, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị tình trạng đái tháo đường thai kỳ ở mẹ bầu. Bên cạnh đó, thai phụ cũng cần chủ động duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học để dự phòng nguy cơ mắc bệnh lý này.

Xem thêm : Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan