Chỉ số Creatinin thấp cho biết điều gì?

Xét nghiệm Creatinin máu giúp đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Khi nhận kết quả, nhiều người không biết chỉ số Creatinin thấp cảnh báo điều gì, liên quan tới bệnh gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp giải đáp về chỉ số creatinin và những bệnh lý người bệnh có thể mắc phải khi Creatinin thấp hoặc quá cao.

1. Creatinin là gì?

Creatinin là 1 sản phẩm cặn bã, được đào thải qua thận. Nguồn gốc của Creatinin là creatin tổng hợp ở gan, sau đó được phosphoryl ở gan thành creatinphosphate rồi được vận chuyển theo máu đến dự trữ ở cơ, dùng cho quá trình co cơ. Sự thoái biến creatinphosphate tạo ra Creatinin. Vì Creatinin được đào thải qua thận nên nó phản ánh chính xác chức năng lọc của thận.

Vì cơ thể sản xuất Creatinin với tốc độ ổn định nên có thể kiểm tra nồng độ creatinin bằng cách thực hiện xét nghiệm máu định kỳ. Do bệnh thận mãn tính có rất ít các dấu hiệu cảnh báo nên đo nồng độ creatinin là rất quan trọng, giúp xác định độ lọc cầu thận - là chỉ số giúp đánh giá chức năng tổng thể của thận. Việc định lượng chỉ số Creatinin còn phản ánh các bệnh liên quan tới thận và một số bệnh lý khác.

2. Sơ lược về xét nghiệm Creatinin

2.1 Các xét nghiệm cần thực hiện

  • Mức Creatinin trong máu: Kết quả thu được cho thấy thận hoạt động như thế nào;
  • Thanh thải Creatinin: Đo lường mức creatinin được loại bỏ khỏi máu bởi thận. Đây là xét nghiệm cung cấp thông tin tốt hơn so với xét nghiệm Creatinin máu về hoạt động của thận. Xét nghiệm này thực hiện trên cả mẫu máu và nước tiểu được thu thập trong 24 giờ;
  • Tỷ lệ nitơ ure - creatinin máu (BUN): Xét nghiệm BUN đo lượng ure trong máu. Nồng độ creatinin trong máu và nitơ ure máu (BUN) được sử dụng để tìm tỷ lệ BUN và creatine. Tỷ lệ này giúp bác sĩ kiểm tra các vấn đề (ví dụ mất nước) gây ra mức BUN và creatinine bất thường.

2.2 Chỉ định xét nghiệm

Các xét nghiệm trên được thực hiện nhằm:

  • Đánh giá hoạt động của thận;
  • Đánh giá tình trạng bệnh thận;
  • Đánh giá hoạt động của thận ở những người đang dùng thuốc có thể gây tổn thương thận;
  • Kiểm tra tình trạng bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng.

2.3 Chuẩn bị và thực hiện xét nghiệm

Chuẩn bị xét nghiệm:

  • Không tập thể dục gắng sức trong 48 giờ trước khi làm xét nghiệm;
  • Không ăn quá 225g thịt, đặc biệt là thịt bò hoặc protein khác trong 24 giờ trước khi xét nghiệm;
  • Uống đủ nước trong quá trình thu thập nước tiểu 24 giờ (không uống cà phê hoặc trà).

Thực hiện xét nghiệm:

  • Lấy mẫu máu: Nhân viên y tế quấn 1 dải thun quanh cánh tay trên của bệnh nhân để ngăn máu chảy. Điều này giúp các tĩnh mạch bên dưới lớn hơn, dễ dàng đưa tim vào tĩnh mạch. Tiếp theo, làm sạch vị trí đặt kim bằng cồn, đặt kim vào tĩnh mạch, gắn 1 ống vào kim để lấy máu, tháo băng ra khỏi cánh tay khi thu thập đủ máu rồi đặt 1 miếng gạc hoặc bông gòn lên vị trí kim khi rút kim ra. Cuối cùng, nhấn nhẹ lên vị trí lấy máu, băng lại;
  • Lấy mẫu nước tiểu 24 giờ: Bắt đầu thu thập nước tiểu vào buổi sáng, khi mới ngủ dậy, viết thời gian đi tiểu, đánh dấu sự khởi đầu của việc thu thập nước tiểu 24 giờ. Trong 24 giờ tới, bệnh nhân thu thập tất cả nước tiểu. Phòng xét nghiệm thường cung cấp cho người bệnh 1 thùng chứa lớn dung tích khoảng 4L. Người bệnh đi tiểu vào 1 lọ nhỏ, sạch rồi đổ nước tiểu vào thùng chứa, không chạm vào bên trong hộp và thùng. Tiếp theo, giữ hộp trong tủ lạnh suốt 24 giờ. Lấy mẫu nước tiểu lần cuối trước khi kết thúc thời gian 24 giờ, bỏ lọ đựng nước tiểu vào thùng lớn, ghi lại thời gian.

2.4 Đọc kết quả chỉ số Creatin, thanh thải creatinin và BUN

  • Chỉ số Creatinin ở người bình thường là: 53 - 106 mmol/l ở nam giới; 44 - 97 mmol/l ở nữ giới;
  • Thanh thải Creatinin ở người bình thường là: 107 - 139 mL/phút ở nam giới; 87 - 107 mL/phút ở nữ giới;
  • Tỷ lệ BUN và creatine: Ở người lớn là 6 - 25 (giá trị tốt là 15,5).

3. Chỉ số Creatinin thấp gợi ý điều gì?

Mức Creatinin thấp hơn bình thường có thể do các nguyên nhân sau:

  • Khối lượng cơ thấp: Vì sự phân hủy cơ tạo ra Creatinin nên khối lượng cơ thấp có thể dẫn tới mức Creatinin thấp. Người cao tuổi có nhiều nguy cơ mắc phải tình trạng này vì khối lượng cơ giảm dần theo tuổi tác. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng có thể gây khối lượng cơ thấp và mức Creatinin thấp. Ngoài ra, các tình trạng mãn tính như chứng loạn dưỡng cơ hoặc bệnh nhược cơ cũng có thể dẫn đến mức Creatinin thấp;
  • Thai kỳ: Mang thai làm tăng lưu lượng máu đến thận, làm tăng sản xuất nước tiểu, đào thải Creatinin nhanh hơn, dẫn tới lượng Creatinin trong máu thấp hơn;
  • Giảm cân không khoa học: Giảm cân quá nhanh, không khoa học có thể gây giảm khối lượng cơ và dẫn đến lượng Creatinin thấp;
  • Các vấn đề khác: Hòa loãng máu, hội chứng tiết hormone ADH không thích hợp,...

4. Chỉ số Creatinin cao cảnh báo điều gì?

Ngoài tình trạng Creatinin thấp thì Creatinin cao cũng rất phổ biến. Creatinin máu tăng cao trong một số trường hợp sau:

  • Suy thận do nguồn gốc trước thận: Mất nước, xuất huyết, suy tim mất bù, dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc hạ áp, hẹp động mạch thận;
  • Suy thận do nguồn gốc tại thận:
    • Tổn thương cầu thận: Tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận, thoái hóa thận dạng tinh bột, lắng đọng igA tại cầu thận;
    • Tổn thương ống thận: Viêm thận - bể thận cấp hoặc mãn tính, đa u tủy xương, sỏi thận, nhiễm độc thận, tăng acid uric máu;
  • Suy thận do nguồn gốc sau thận: Sỏi thận, khối u bàng quang, khối u tử cung, ung thư tiền liệt tuyến, xơ hóa sau phúc mạc;
  • Nguyên nhân khác: Tăng hấp thụ protein, vận động với cường độ cao, chấn thương cơ, sốc, tác dụng phụ của một số loại thuốc,...

Creatinin niệu tăng cao trong những trường hợp sau: Gắng sức mức chứng to đầu chi, đái tháo đường, suy giáp thường, nhiễm trùng,...

Chế độ ăn uống, hoạt động thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ Creatinin trong máu. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường khi chỉ số Creatinin thấp hoặc cao, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị, đưa mức độ Creatinin về bình thường. Kết hợp với chế độ tập thể dục đều đặn và thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ giúp bạn khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan