Chỉ định của gây tê tủy sống

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Nam - Khoa Gây mê phẫu thuật, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Gây tê tủy sống là phương pháp gây tê vùng, bằng cách đưa một lượng thuốc tê thích hợp vào khoang dưới nhện. Thường thuốc tê này có nồng độ lớn, khi thuốc tê hòa chung vào dịch não tủy sẽ tác dụng vào rễ thần kinh gây nên mất cảm giác và liệt vận động. Mục đích của kỹ thuật này là giúp vô cảm hoặc giảm đau cho các phẫu thuật vùng bụng dưới (dưới rốn) và chi dưới (chân). Để tránh làm tổn thương tủy sống, người ta thường chọc dò tủy sống từ đoạn thắt lưng thứ 3 trở xuống.

1. Kỹ thuật gây tê tủy sống

Giống như kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống cũng là kỹ thuật bậc cao, chỉ được tiến hành trong các bệnh viện có đủ trang thiết bị để gây mê và hồi sức và chỉ có bác sĩ gây mê đã được đào tạo và có kinh nghiệm mới được thực hiện.

Chuẩn bị dụng cụ và trang thiết bị khi thực hiện kỹ thuật tê tủy sống:

  • Một bộ gây tê vô trùng gồm ống tiêm 1ml, 5ml, kim tê tủy sống 25G, 27G, săng lỗ
  • Thuốc tê: Lidocaine 2% tê tại chỗ, Bupivacaine 0,5%, Levobupivacaine 0,5%, Ropivacaine 0,5% tê tủy sống
  • Các thuốc co mạch nhóm ephedrin, phenyledrin
  • Các thuốc an thần
  • Thuốc gây mê hồi sức
  • Dung dịch bù thể tích đường tĩnh mạch.
  • Dụng cụ đặt nội khí quản
  • Monitoring theo dõi liên tục mạch, huyết áp, điện tim, độ bão hòa Oxy
  • Oxy thở qua mũi

Nhìn chung, gây tê tủy sống là kỹ thuật đòi hỏi sự hợp tác tốt của bệnh nhân với bác sĩ gây mê. Thêm vào đó, đa số người bệnh sẽ tỉnh táo trong quá trình tiến hành kỹ thuật cũng như suốt cuộc mổ. Vì thế họ vẫn có thể nghe, nhìn, thậm chí cảm thấy đau khi bác sĩ chọc kim gây tê, đặc biệt có cảm giác nếu kim gây tê chạm vào các rễ thần kinh. Chính vì vậy việc giải thích rõ kỹ thuật gây tê tủy sống, cũng như các tình huống có thể xảy ra trong cuộc mổ sẽ làm cho bệnh nhân yên tâm hơn, từ đó hợp tác tốt hơn với ekip phẫu thuật. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc an thần sau đó vẫn rất quan trọng nếu người bệnh lo lắng nhiều.

2. Chỉ định của gây tê tủy sống

Gây tê khi mổ lấy thai
Gây tê tủy sống trong mổ đẻ

2.1. Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

Kỹ thuật gây tê tủy sống thường được tiến hành trong các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình từ vùng xương chậu xuống hai chi dưới: thay khớp háng, kết hợp xương đùi, xương cẳng chân, cổ chân, bàn chân, nội soi khớp gối...

2.2. Phẫu thuật tiết niệu

Hầu hết các ca mổ tiết niệu đều có thể được chỉ định gây tê tủy sống. Nguyên nhân là do phương pháp này giúp hạn chế mất máu và thời gian tê đủ cho phẫu thuật.

Những ca mổ thận hoặc thượng thận mà đường rạch lên cao cần chú ý mức giảm đau cần thiết tới các đốt sống lưng D6 và D7 - vùng đòi hỏi sự theo dõi cẩn thận về chức năng hô hấp và tuần hoàn.

2.3. Phẫu thuật sản phụ khoa

Hiện nay hầu hết những ca mổ sản phụ khoa đều có thể tiến hành tốt sau khi gây tê tủy sống. Tuy nhiên cần đề phòng tai biến gây tụt huyết áp khi gây tê cho phụ nữ mang thai hoặc sinh mổ.

2.4. Phẫu thuật ở ổ bụng

  • Các cuộc mổ ở tầng bụng dưới: Ruột thừa, thoát vị, phẫu thuật vùng tiểu khung và hậu môn trực tràng;
  • Phẫu thuật tầng bụng trên: Có thể thực hiện dưới gây tê tủy sống nhưng phải kết hợp với gây mê toàn thân và chú ý đến biến chứng mạch chậm, hạ huyết áp và suy thở. Hiện nay hiếm gặp.

2.5. Giảm đau trong và sau phẫu thuật

Hiện nay phương pháp gây tê tủy sống ít được dùng để giảm đau trong và sau phẫu thuật, trừ trường hợp luồn được catheter vào tủy sống. Gây tê vùng ngoại biên đang có xu hướng thay thế tê ngoài màng cứng và tê tủy sống. Tê tủy sống liều thấp cũng được chỉ định giảm đau khi sinh cho sản phụ sinh thường..

3. Chống chỉ định

Thiếu máu
Chống chỉ định với người thiếu khối lượng tuần hoàn lớn

Không được tiến hành gây tê tủy sống trong những trường hợp sau:

  • Người bệnh bị dị ứng thuốc tê;
  • Thiếu khối lượng tuần hoàn lớn;
  • Vùng da dự định chọc kim gây tê bị nhiễm trùng;
  • Nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng;
  • Dị dạng cột sống (vì có trường hợp cần phải chụp cột sống thẳng nghiêng để xác định đường vào chính xác);
  • Bệnh chảy máu khó đông hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu;
  • Bệnh động kinh hoặc liên quan đến hệ thần kinh (cứng cột sống hoặc viêm đa rễ thần kinh);
  • Bệnh lý tim mạch như: Loạn nhịp, tụt hoặc cao huyết áp, suy tim, mới bị nhồi máu cơ tim...
  • Tăng áp lực nội sọ
  • Bệnh nhân không đồng ý hay người làm thiếu kinh nghiệm hoặc thiếu phương tiện hồi sức cấp cứu

4. Tai biến khi gây tê tủy sống

gây mê
Ngừng thở là một biến chứng nặng khi dùng nhiều thuốc tê vào tủy sống hoặc gây tê quá cao

4.1. Tụt huyết áp

Đây là một biến chứng hay gặp, nguyên nhân chủ yếu là do ức chế hệ giao cảm. Cần có biện pháp phòng ngừa bằng cách truyền dịch trước mổ, dùng NaCl 0.9% hoặc dung dịch Lactate Ringer 500 - 1000ml. Ngoài ra trong mổ cần theo dõi sát huyết áp để phát hiện sớm tụt huyết áp và xử trí kịp thời với chảy nhanh dịch truyền và dùng thuốc co mạch ephedrin hoặc phenyledrin.

4.2. Tê tủy sống toàn bộ

Đây là một biến chứng nặng, xuất hiện khi bơm nhiều thuốc tê vào tủy sống hoặc gây tê quá cao. Các triệu chứng bao gồm:

  • Liệt toàn thân;
  • Ngừng thở;
  • Tụt huyết áp nặng;
  • Thuốc lan lên não gây mất tri giác.

Các biện pháp xử trí thường được áp dụng là cấp cứu hô hấp, đặt nội khí quản thở máy, truyền dịch, dùng thuốc co mạch và trợ tim.

4.3. Hô hấp

  • Giảm thở: Là biến chứng phổ biến ở các mức gây tê tủy sống cao. Nguyên nhân là do phong bế các sợi vận động cơ bụng và cơ thành ngực. Bệnh nhân sẽ có nhịp thở không đều, giảm thở và độ bão hòa oxy giảm. Xử trí bằng cách thở oxy, đồng thời nhắc bệnh nhân thở;
  • Ngừng thở: Do lưu lượng tuần hoàn giảm, tụt huyết áp sâu hoặc là do tê gây tê toàn bộ tủy sống và ức chế thần kinh cơ hoành. Triệu chứng bao gồm ngừng hô hấp, giảm độ bão hòa oxy, tím tái, máu vùng phẫu thuật bị đen. Cách xử trí thường là đặt nội khí quản và thông khí nhân tạo.

4.4. Thần kinh

Tổn thương thần kinh thường hiếm gặp, bắt nguồn từ hai nguồn gốc là:

  • Kim gây tê chọc vào tổ chức thần kinh;
  • Các chất thuốc tiêm vào tủy sống

Các tổn thương này thường xảy ra sớm, đi kèm với cảm giác đau chói. Vì vậy nếu bệnh nhân kêu đau thì phải rút bớt kim tiêm và ngừng bơm thuốc. Tai biến tổn thương rễ thần kinh, đau lưng hoặc đau đầu, có thể phục hồi sau 1 - 12 tuần hoặc thành tổn thương vĩnh viễn.

Ngoài ra có một số tổn thương thần kinh muộn do tắc động mạch, viêm màng nhện hay tụ máu chèn ép. Loại này khó chẩn đoán và điều trị, có nguy cơ để lại hậu quả lâu dài.

4.5. Nhức đầu

Nguyên nhân chủ yếu là do dịch não tủy thoát ra ngoài theo lỗ kim chọc dò. Thường nhức đầu thay đổi theo tư thế: ngồi dậy nhanh gây đau vùng đỉnh và hai bên thái dương, nằm xuống hay để đầu thấp sẽ giảm đau.

Nhức đầu có thể khỏi với thuốc giảm đau, nằm nghỉ, uống nhiều nước hay truyền dịch.

Trường hợp đau nhiều, điều trị trên không hiệu quả có thể bơm máu tự thân vào chỗ khoang ngoài màng cứng, bịt chỗ thủng màng cứng.

Để giảm thiểu biến chứng này, dùng kim tê càng nhỏ càng tốt (27G, 29G)

4.6. Các biến chứng khác

Một số tai biến khác có thể xảy ra bao gồm: run, nôn và buồn nôn, bí tiểu, hoặc nhiễm trùng điểm chọc kim, viêm tủy, não hay màng não...

Nhìn chung, gây tê tủy sống là kỹ thuật đòi hỏi sự hợp tác tốt giữa người bệnh và bác sĩ gây mê. Vì vậy bác sĩ gây mê cần giải thích rõ các ưu nhược điểm của phương pháp, chuẩn bị tâm lý tốt cho người bệnh, đồng thời thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn tối đa cho người bệnh.

Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã ứng dụng gây tê tủy sống dưới hướng dẫn siêu âm, tăng cao hiệu quả và hạn chế biến chứng cho người bệnh.

Để tìm hiểu thêm, quý khách hàng vui lòng gọi đến hotline các bệnh viện hoặc đăng ký tư vấn trực tuyến với Vinmec TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

899 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan