Chăm sóc mắt sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có 10 năm làm việc trong lĩnh vực nhãn khoa.

Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc là một phẫu thuật tạo lỗ rò, với mục đích tạo một đường thông từ tiền phòng vào khoang dưới kết mạc giúp dẫn lưu thủy dịch và hạ nhãn áp. Sau phẫu thuật, người bệnh cần được chăm sóc, theo dõi để phòng ngừa biến chứng xảy ra.

1. Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc

Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc là một phẫu thuật tạo lỗ rò với mục đích tạo một đường thông từ tiền phòng vào khoang dưới kết mạc, giúp dẫn lưu thủy dịch và hạ áp trong bệnh lý glôcôm.

Trong đó, bệnh glôcôm là bệnh mắt khá phổ biến trong cộng đồng, hay còn được gọi là bệnh thiên đầu thống. Bệnh rất nguy hiểm bởi có nguy cơ gây mù lòa rất lớn. Bệnh glôcôm gây tổn thương đặc trưng của đầu dây thần kinh thị giác, thường gây ra do áp lực trong nhãn cầu tăng.

Bệnh glôcôm có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật, hay phối hợp điều trị cả hai phương pháp. Sau khi phẫu thuật cắt bè củng giác mạc điều trị glôcôm, bệnh vẫn có thể tiếp tục tiến triển nặng hơn, đồng thời có thể gặp một số biến chứng. Vì vậy, việc theo dõi và chăm sóc mắt sau phẫu thuật là hết sức quan trọng.

Xem thêm: Lưu ý trong chăm sóc mắt sau phẫu thuật

Tăng nhãn áp, glocom có mổ được không?
Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc được chỉ định để điều trị bệnh glôcôm

2. Chăm sóc mắt sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc

2.1 Giai đoạn sớm sau mổ

Ngay sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Sử dụng thuốc đúng cách, đúng liều và đúng thời gian quy định. Khoảng thời gian giữa các lần tra thuốc phải tương đối đều nhau, chia theo các buổi sáng trưa, chiều, tối.

Những thuốc khác nhau phải tra cách nhau tối thiểu 10 phút để tránh các phản ứng chéo có thể xảy ra. Khi tra thuốc cách tốt nhất là kéo nhẹ mi dưới xuống và nhỏ vào cùng đồ dưới.

Trong quá trình tra thuốc, bệnh nhân cần giữ vệ sinh sạch sẽ không đưa tay bẩn lên xoa mặt, nhất là không chạm tay bẩn vào mắt, tránh va chạm mạnh vào mắt như: nằm sấp, vắt tay lên trán, vận động mạnh,.. Bệnh nhân cần được thư giãn, tâm lý thoải mái không lo lắng thái quá để tránh gây căng thẳng thần kinh.

Đối với vấn đề dinh dưỡng. những ngày đầu sau mổ bệnh nhân cần có chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng không ăn kiêng nhưng tránh dùng các chất kích thích như rượu, cà phê, bia,... Hay các gia vị có thể khiến ngon miệng hơn nhưng dễ gây kích thích như hạt tiêu, ớt,...

2.2 Giai đoạn sau khi ra viện

Sau khi ra viện, bệnh nhân cần vệ sinh vùng mắt đúng cách tại nhà hằng ngày, tuyệt đối không để mắt bị bụi hay nước dính vào, thường xuyên đeo kính bảo hộ tránh những hoạt động hay vận động nặng. Nhỏ thuốc, uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, và tái khám theo lịch hẹn.

Sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc có thể gặp một số biến chứng như xuất huyết tiền phòng, phản ứng viêm màng bồ đào, nhiễm khuẩn gây viêm mủ nội nhãn, dò mép mổ,...

Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối chế độ theo dõi, khám và sử dụng thuốc theo đơn. Khi có những biểu hiện bất thường như nhìn mờ, đau nhức,... cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.

Thuốc điều trị tăng huyết áp, vì sao phải uống lâu dài?
Bệnh nhân tuân thủ tuyệt đối chế độ theo dõi và sử dụng thuốc theo đơn

2.3 Theo dõi định kỳ

Điều trị glôcôm với mục đích bảo tồn chức năng thị giác cho bệnh nhân chứ không khỏi bệnh hoàn toàn, do đó vẫn sẽ có những trường hợp sau nhiều năm, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển và dẫn tới suy giảm thị lực, mù lòa. Vì vậy, bệnh nhân cần được tái khám định kỳ nhằm đánh giá chức năng thị giác bao gồm:

  • Thị lực
  • Thị trường
  • Nhãn áp
  • Tổn thương thực thể
  • Đầu dây thần kinh thị giác
  • Lớp sợi thần kinh quanh gai thị

Ngoài ra, bệnh nhân còn được làm các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp đáy mắt, đo thị trường, chụp cắt lớp võng mạc,... Sau đó kết quả sẽ được lưu lại để theo dõi ở những lần tái khám tiếp theo. Chế độ khám định kỳ đối với từng trường hợp cụ thể cũng sẽ khác nhau:

  • Trường hợp không có tổn hại tiến triển của bệnh, nhãn áp điều chỉnh: tái khám định kỳ từ 3 đến 6 tháng.
  • Trường hợp có nhãn áp tăng cao: cần tiến hành hạ nhãn áp bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
  • Trường hợp nhãn áp thay đổi thất thường, có tổn hại tiến triển của bệnh: chế độ theo dõi thường xuyên, có thể cần nhập viện để theo dõi nhãn áp, nếu cần thiết sẽ tiến hành mổ lại.
  • Trường hợp nhãn áp ở mức điều chỉnh những chức năng thị giác vẫn tiếp tục giảm sút: xem xét những yếu tố ảnh hưởng như độ dày giác mạc trung tâm, chiều dài trục nhãn cầu,...

3. Biến chứng muộn sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc

Một số biến chứng muộn có thể xảy ra do phẫu thuật cắt bè củng giác mạc bao gồm:

  • Đục thủy tinh thể: gây giảm thị lực dần dần, có thể điều trị bằng thay thế thủy tinh thể nhân tạo.
Bệnh đục thủy tinh thể có thể gây mù lòa - Cần khám những gì để phát hiện bệnh?
Phẫu thuật cắt bè củng giác mạc có thể làm giảm thị lực dần dần

  • Phù hoàng điểm dạng nang: dấu hiệu nhìn mờ và cần điều trị nội khoa.
  • Viêm màng bồ đào: biểu hiện nhìn mờ kèm đau nhức.
  • Vỡ dò sẹo bọng: thường xảy ra trên những mắt có sẹo mổ quá bọng mỏng, bệnh nhân cảm thấy cộm nhiều. Đây cũng là biến chứng xử trí cấp cứu, khi thấy mắt có nước chảy ra nhiều hơn bình thường cần đến ngay cơ sở y tế để được mổ vá lại sẹo. Nếu không được xử trí kịp thời sẹo dò vỡ và dẫn tới viêm nội nhãn.
  • Viêm mủ nội nhãn: Là những biến chứng nguy hiểm với dấu hiệu giảm sút nhanh kèm theo đau nhức dữ dội. Biến chứng này cần được xử trí cấp cứu và thường để lại hậu quả vô cùng nặng nề, thậm chí là bỏ mắt.

Tóm lại, sau phẫu thuật cắt bè củng giác mạc việc chăm sóc và theo dõi rất quan trọng. Sự phục hồi sau phẫu thuật của đôi mắt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, thuốc điều trị theo đơn, vệ sinh mắt,... Nếu người bệnh không chăm sóc tốt sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, sau phẫu thuật bệnh vẫn có thể tiến triển nặng thêm và gây ra những biến chứng muộn, vì vậy người bệnh cần được tái khám định kỳ, khi có những dấu hiệu bất thường như đau nhức, nhìn mờ, nước mắt chảy nhiều,... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp xử trí kịp thời.

Lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa: Bệnh nhân sau mổ cắt bè củng giác mạc cần được khám lại đúng hẹn để kiểm tra lại tình trạng nhãp áp, vết mổ cũng như được hướng dẫn chăm sóc mắt tiếp theo.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan