Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Trẻ bị táo bón là tình trạng thường gặp khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy cần cho trẻ táo bón ăn gì, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón như thế nào để con luôn khỏe mạnh?

1. Trẻ bị táo bón là như thế nào?

Trẻ bị táo bón là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong đại tiện, phân rắn hoặc to khiến trẻ đau khi đi ngoài và tần suất đại tiện của trẻ giảm, cụ thể:

  • Trẻ sơ sinh: đại tiện ít hơn 2 lần/ngày.
  • Trẻ đang bú mẹ: đại tiện ít hơn 3 lần/tuần, trên 2 ngày/lần.
  • Trẻ lớn: đại tiện ít hơn 2 lần/tuần, trên 3 ngày/lần.

Trẻ bị táo bón có thể gây ra một số hậu sau nếu không được điều trị:

  • Biếng ăn, còi cọc, chậm lớn, suy dinh dưỡng.
  • Đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, hay nôn.
  • Sa trực tràng do rặn hoặc ngồi lâu khi đại tiện.
  • Chảy máu hậu môn do rặn, phân khô cứng.
sa trực tràng
Táo bón có thể gây sa trực tràng ở trẻ

2. Trẻ bị táo bón do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón, một số nguyên nhân chính khiến trẻ bị táo bón như sau:

  • Do chế độ ăn uống: ăn quá ít, ăn không đủ lượng, ăn ít chất xơ, không ăn rau củ quả, ăn nhiều chất đạm, uống ít nước, uống sữa công thức quá đặc hoặc pha sai tỉ lệ theo hướng dẫn.
  • Do thuốc: canxi, sắt, kháng sinh, ...
  • Do bệnh toàn thân: thiếu máu, còi xương, suy dinh dưỡng.
  • Do bệnh tiêu hóa: phình to đại tràng, hẹp ruột, tắc ruột, hẹp hậu môn, hẹp đại tràng, nứt kẽ hậu môn bẩm sinh, dị tật hậu môn bẩm sinh, ...
  • Do bệnh thần kinh: bệnh não bẩm sinh, bại não, tổn thương vùng cùng cụt, thoát vị màng não tủy.

3. Chẩn đoán trẻ bị táo bón

  • Dựa vào hình dạng của phân: Trẻ bị táo bón đại tiện ra phân thường cứng, lổn nhổn dạng hạt, dài giống xúc xích, có đường rạn hoặc mềm và nhẵn; hoặc phân cũng có thể mềm và xốp, nhưng rời rạc; hoặc chỉ có nước.
  • Khám lâm sàng thấy trẻ bị nứt kẽ vùng hậu môn, sờ thấy khối cứng.
  • Triệu chứng: Trẻ cảm thấy đau khi đại tiện, ngại hoặc nhịn đại tiện vì đau.
Trẻ biếng ăn
Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón

4. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón

Tùy vào nguyên nhân gây táo bón sẽ có phương thức điều trị khác nhau. Tuy nhiên, cần chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón với chế độ như sau:

  • Ăn đủ lượng, đủ bữa mỗi ngày.
  • Ăn nhiều chất xơ từ trái cây và rau: Phần lớn các loại rau quả cung cấp một lượng lớn chất xơ, trong đó một số còn có khả năng hỗ trợ đại tiện, giúp nhuận tràng tốt như rau dền, rau mồng tơi, rau lang, cam, bưởi, chuối, đu đủ, ...
  • Không nên ăn một số loại trái cây, củ có khả năng gây táo bón như cà rốt, hồng xiêm, ...
  • Uống đủ nước: Với trẻ bị táo bón, uống đủ nước rất quan trọng giúp khắc phục chứng táo bón. Tuy nhiên cần lưu ý, với trẻ dưới 6 tháng tuổi và còn bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống thêm nước. Thay vào đó, người mẹ cần thay đổi chế độ ăn, tăng cường chất xơ từ rau và trái cây, uống nhiều nước, hạn chế những chất có tính kích thích và gây mất nước. Với trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi và đang ăn dặm, uống 200 - 300ml nước/ngày; trẻ 1 - 3 tuổi, uống 500 - 600ml nước/ngày; trẻ 3 - 5 tuổi, uống 1 lít nước/ngày; trẻ 6 - 10 tuổi, uống 1,2 - 1,5 lít nước/ngày; trẻ lớn trên 10 tuổi, uống tương đương người lớn từ 1,5 - 2 lít nước/ngày.
  • Với trẻ bị táo bón do dùng sữa công thức, có thể thay đổi loại sữa có bổ sung và tăng cường chất xơ hoặc men đường ruột.
  • Uống thêm nước trái cây hoặc rau xanh.

Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón cần cho trẻ uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ như trái cây và rau xanh, sẽ hạn chế và khắc phục tình trạng táo bón.

Táo bón là tình trạng mà nhiều trẻ mắc phải, nhất là trong thời kỳ trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng và có chế độ dinh dưỡng điều chỉnh phù hợp. Nếu táo bón kéo dài khiến trẻ biếng ăn và khó chịu cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón cũng như phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời, bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan