Chăm sóc bệnh nhân sau gây tê tủy sống

Gây tê tủy sống là phương pháp gây tê nhanh chóng và toàn diện, được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật vùng bụng dưới, khớp háng,... Bên cạnh quy trình thực hiện gây tê tủy sống, quá trình chăm sóc bệnh nhân sau gây tê tủy sống cũng rất quan trọng, giúp phát hiện và xử trí kịp thời các tai biến có thể xảy ra khi thực hiện phương pháp này.

1. Kỹ thuật gây tê tủy sống là gì?

Gây tê tủy sống là kỹ thuật gây tê tại chỗ hoặc còn gọi là gây tê vùng, được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện nhằm ức chế tạm thời dẫn truyền thần kinh qua tủy sống nhằm đáp ứng yêu cầu vô cảm để giảm đau phẫu thuật. Vị trí tiêm thuốc tê thường khoảng giữa đốt sống thắt lưng L2 - 3 hoặc L3 - 4.

Chỉ định:

  • Vô cảm cho một số phẫu thuật như gây tê tủy sống sinh mổ, phẫu thuật sản phụ khoa hoặc bụng dưới, khớp háng hoặc cột sống thắt lưng, phẫu thuật chi dưới.
  • Giảm đau.

Chống chỉ định:

  • Bệnh nhân từ chối gây mê.
  • Dị ứng thuốc tê.
  • Viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê.
  • Giảm thể tích tuần hoàn chưa bù đủ, sốc.
  • Rối loạn đông máu nặng.
  • Ngưng sử dụng thuốc chống đông chưa đủ thời gian.
  • Hẹp van hai lá và van động mạch chủ khít.
  • Tăng áp lực nội sọ.

2. Chăm sóc bệnh nhân sau gây tê tủy sống

Sau phẫu thuật, cần chăm sóc bệnh nhân sau gây tê tủy sống. Bệnh nhân sẽ được theo dõi sức khỏe tại phòng hồi tỉnh trong ít nhất 2 giờ. Các dấu hiệu và triệu chứng cần theo dõi ở bệnh nhân:

  • Các dấu hiệu sinh tồn: tri giác, huyết áp động mạch, nhịp tim, độ bão hòa oxy mao mạch, điện tim.
  • Mức độ phong bế cảm giác và vận động.
  • Các tác dụng không mong muốn của gây tê tủy sống.
  • Tiêu chuẩn chuyển bệnh nhân ra khỏi phòng hồi tỉnh: không có rối loạn về huyết động và hô hấp; phục hồi hoàn toàn vận động, mức phong bế cảm giác dưới T12 (dưới nếp bẹn). Nếu tình trạng sức khỏe ổn định và đủ tiêu chuẩn ra khỏi phòng hồi tỉnh, bệnh nhân sẽ được chuyển xuống phòng nội trú để tiếp tục việc chăm sóc và theo dõi.
  • Trong quá trình nằm viện nếu xuất hiện bất kỳ biến chứng nào của gây tê tủy sống, bệnh nhân cần phải báo ngay cho bác sĩ phụ trách điều trị để xử lý kịp thời.
  • Sau khi xuất viện, người nhà cần chăm sóc bệnh nhân theo các hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp bất kỳ triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

3. Tai biến do gây tê tủy sống và xử trí

  • Dị ứng, sốc phản vệ với thuốc tê: Hiện nay, tình trạng này ít gặp với các thuốc tê thế hệ mới. Xử trí: Ngưng sử dụng thuốc tê ngay. Sử dụng phác đồ chống sốc phản vệ theo hướng dẫn của Bộ y tế.
  • Ngộ độc thuốc tê: Do tiêm nhầm thuốc tê vào mạch máu. Xử trí: Ngưng sử dụng thuốc tê. Cấp cứu hồi sức hô hấp và tuần hoàn cho bệnh nhân: Duy trì đường thở và đảm bảo độ bão hòa oxy máu, thông khí nếu cần thiết. Một số trường hợp có thể đặt nội khí quản nhằm bảo vệ đường thở khỏi nguy cơ hít phải dịch dạ dày. Sử dụng thuốc chống co giật thích hợp cho bệnh nhân như Diazepam, Clonazepam, Thiopentone nếu co giật kéo dài. Truyền intralipid khi bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tê nhóm ropivacain và bupivacain.
  • Hạ huyết áp, mạch chậm: Nguyên nhân thường do ức chế hệ giao cảm, gây giãn mạch ngoại vi dẫn đến thiếu khối lượng tuần hoàn tương đối và giảm cung lượng tim. Hạ huyết áp dễ xảy ra hơn ở bệnh nhân giảm thể tích tuần hoàn, mất nước hoặc bệnh nhân bị cường phó giao cảm do phản ứng với thuốc tê. Khi huyết áp giảm đáng kể, bác sĩ có thể thực hiện các biện pháp sau: cho bệnh nhân nằm cao chân và đảm bảo cung cấp oxy cho bệnh nhân. Điều trị bằng thuốc co mạch (ephedrin, adrenalin,...) và bù dịch.
  • Đau đầu: Đây là biến chứng thần kinh thường gặp nhất với tỉ lệ thay đổi từ 1,6 - 30%, sau khi gây tê qua khoang dưới nhện trong quá trình gây tê tủy sống. Đau đầu thường xảy ra 12 - 36 giờ sau khi gây tê tủy sống, điển hình với đau nhói vùng trán hay ở các vị trí khác như đầu hoặc cổ, giảm khi nằm trên mặt phẳng cho thấy cơn đau một phần phụ thuộc vào tư thế. Đau đầu thường tự thuyên giảm, tuy nhiên nếu tái phát có thể xử trí bằng cách cho bệnh nhân nằm bất động, uống nhiều nước, bù đủ dịch và có thể sử dụng thuốc giảm đau. Một số trường hợp có thể áp dụng vá màng cứng bằng máu tự thân (Blood Patch).
  • Buồn nôn và nôn: Kiểm soát huyết áp, sử dụng thuốc chống nôn.
  • Bí tiểu: Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như giới tính nam, phẫu thuật vùng chậu, rối loạn chức năng tiết niệu trước đó, sử dụng thuốc kháng cholinergic hoặc opioids. Xử trí bằng cách chườm ấm, đặt ống thông bàng quang nếu cần.
  • Tê tủy sống toàn bộ: Đây là một biến chứng nặng. Nguyên nhân thường do dùng thuốc tê liều cao hoặc do không giảm liều thuốc tê trên các bệnh nhân lớn tuổi, béo phì, phụ nữ mang thai; hoặc gây tê ở vị trí quá cao. Triệu chứng khởi đầu bệnh nhân thường cảm thấy khó thở, tê rần theo tay, buồn nôn trước khi tụt huyết áp và tụt huyết áp sâu, mạch chậm, ngừng thở và hôn mê. Điều quan trọng là cần phải chẩn đoán sớm biến chứng này. Cấp cứu hồi sức hô hấp, tuần hoàn cho bệnh nhân trong các trường hợp này. Nếu cấp cứu đúng và kịp thời thường không gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, do đó cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và chuẩn bị sẵn các phương tiện cấp cứu cần thiết khi gây tê tủy sống.
  • Các biến chứng khác như tổn thương tủy, tụ máu quanh tủy, viêm màng não tủy, hội chứng đuôi ngựa.
  • Gây tê thất bại phải chuyển phương pháp vô cảm.

Gây tê tủy sống là kỹ thuật gây tê tại chỗ được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào khoang dưới nhện nhằm ức chế tạm thời dẫn truyền thần kinh qua tủy sống. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có gây tê tủy sống sẽ được theo dõi tại phòng hồi tỉnh trong ít nhất 2 giờ. Kỹ thuật gây tê tủy sống hầu như an toàn, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp phải tai biến không mong muốn. Để giảm nguy cơ biến chứng của kỹ thuật này, cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ và xử trí kịp thời khi nghi ngờ xuất hiện các biến chứng trên bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan