Cảnh giác hạ đường huyết vào buổi sáng

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Hạ đường huyết là một căn bệnh phổ biến, nó có thể không gây ra nguy hiểm gì nếu tình trạng nhẹ nhưng cũng sẽ là một ca cấp cứu y tế khẩn cấp nếu tình trạng kéo dài không được điều trị kịp thời. Hạ đường huyết vào buổi sáng chính là trường hợp thường gặp nhất.

1. Nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết vào buổi sáng

Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ đường trong máu hạ xuống quá thấp, thường là dưới 3,9mmol/l (<70mg/dl) khiến cho cơ thể gặp tình trạng thiếu hụt glucose. Hậu quả trực tiếp khiến cho các hoạt động của cơ thể gặp rối loạn, dấu hiệu mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu,... nhanh chóng xuất hiện.

Tất cả mọi người đều phải cảnh giác hạ đường huyết vào buổi sáng bởi đây là thời gian rất dễ xảy ra tình trạng hạ đường huyết. Sau một đêm dài không ăn sẽ khiến lượng đường trong máu hạ xuống, sau khi ngủ dậy bị hạ đường huyết nếu không có cách giải quyết có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Chỉ số đường huyết lúc này còn được gọi là hạ đường đường huyết lúc đói.

Thông thường, bộ phận gan trong cơ thể còn có khả năng giải phóng lượng đường dự trữ khi cần thiết. Chính vì vậy cơ thể sẽ ít khi để cho mức đường huyết giảm xuống mức nguy hiểm. Nhưng vẫn có một số nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết buổi sáng.

  • Mang thai: Phụ nữ đang trong thai kỳ có nhiều khả năng gặp tình trạng hạ đường huyết buổi sáng, bởi họ cần sử dụng nhiều calo hơn để nuôi dưỡng thai nhi. Do đó, rất dễ bị thiếu chất, lượng đường trong máu dễ bị sử dụng cạn mà không kịp bổ sung.
  • Rượu, bia, chất kích thích: Các chất kích thích, nồng độ cồn trong rượu có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nguyên nhân bởi rượu sẽ ngăn cản quá trình tạo đường trong máu. Nhất là những người sau khi uống rượu không ăn gì mà đi ngủ luôn rất dễ sau khi ngủ dậy bị hạ đường huyết.
  • Các loại thuốc: Người bệnh thường xuyên sử dụng các thuốc như thuốc trị tiểu đường sulfonylurea hoặc insulin hay thuốc điều trị viêm phổi pentamidine cũng dễ bị hạ đường huyết.
  • Chế độ ăn không hợp lý: Trường hợp này thường gặp ở những người ăn kiêng, giảm cân quá đà hay có các bệnh phải thực hiện chế độ ăn riêng. Khi cơ thể không hấp thụ đủ carbohydrate sẽ dẫn đến cơ thể bị thiếu lượng đường cần thiết.
  • Bệnh nền: Người bệnh bị ung thư hay có trường hợp có các khối u lớn sẽ phải sử dụng một lượng lớn glucose và giải phóng insulin.

2. Các triệu chứng của hạ đường huyết buổi sáng

Các triệu chứng khi gặp tình trạng hạ đường huyết thường khá dễ nhận biết. Triệu chứng sẽ xuất hiện dần dần và sẽ nặng hơn theo thời gian. Các triệu chứng chung sẽ xuất hiện khi hạ đường huyết buổi sáng sẽ là trạng thái bồn chồn, run rẩy, run tay, cảm thấy đói. Khi đó cơ thể người bệnh sẽ mất phối hợp, dễ cáu gắt, đau đầu, khó tập trung khi làm việc.

Nếu lượng đường trong máu liên tục giảm thì triệu chứng sẽ nặng hơn khi nhịp tim trở nên nhanh hơn, buồn nôn, đau dạ dày, chóng mặt,... Nặng hơn nữa khi bệnh này không được điều trị sẽ trực tiếp dẫn đến mờ mắt, ngất xỉu, mất ý thức và lên cơn co giật.

canh-giac-ha-duong-huyet-vao-buoi-sang
Khi bị hạ đường huyết buổi sáng sẽ có một số biểu hiện như bồn chồn, run rẩy, run tay, đói,...

3. Cách giải quyết trường hợp hạ đường huyết buổi sáng

Tình trạng hạ đường huyết có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy mọi người cần phải đi kiểm tra, khám bệnh ngay khi xuất hiện các triệu chứng trên để tìm được phương án điều trị hiệu quả nhất.

Thường thì ngủ dậy bị hạ đường huyết sẽ là do cơ thể bị đói quá lâu. Do đó bữa sáng là bữa rất quan trọng, không thể chủ quan bởi bất kỳ lý do nào mà bỏ qua bữa sáng. Cách giải quyết hạ đường huyết lúc đói chính là lập tức chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ chất, giàu glucose, bổ sung thêm trái cây ngọt hay nước ép trái cây,...

Đối với trường hợp bị hạ đường huyết do tác dụng phụ của các thuốc đái tháo đường thì cần nhanh chóng trao đổi lại tình trạng với bác sĩ. Phương án đề ra có thể là thay đổi liều lượng sử dụng thuốc hay bằng cách bổ sung thêm lượng đường phù hợp qua chế độ ăn uống.

Tình trạng hạ đường huyết do rượu thì phương pháp hiệu quả nhất chính là hạn chế uống rượu hoặc bỏ rượu. Nhưng với những trường hợp bất khả kháng thì phải ăn đủ chất trước và sau khi uống rượu, tránh bị mất glucose.

Bữa sáng nhanh
Cách giải quyết hạ đường huyết lúc đói chính là lập tức chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ chất, giàu glucose

4. Phòng ngừa trường hợp hạ đường huyết buổi sáng

Hạ đường huyết thường không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu tình trạng hạ đường huyết quá lâu hoặc hạ đường huyết do biến chứng của các căn bệnh khác thì sẽ rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.

Dù tình trạng hạ đường huyết lúc đói đã xảy ra hay chưa thì tất cả mọi người đều nên đi khám tổng quan định kỳ. Nhất là với những người đã bước qua tuổi 45 nên đi khám đường huyết lúc đói 2 đến 3 lần / năm để có thể loại bỏ những trường hợp xấu nhất.

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ là một biện pháp hữu dụng để tránh tình trạng hạ đường huyết xảy ra. Chế độ phù hợp nhất chính là bổ sung đủ carbohydrate, nhiều chất xơ, vì chất xơ sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thụ glucose và giúp phòng ngừa tình trạng lượng đường trong máu thấp vào buổi sáng. Cũng nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì chỉ ăn thành ba bữa lớn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn, ngaydautien.vn, dieutri.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan