Cách tăng bạch cầu trong máu

Tế bào bạch cầu là thành phần quan trọng không thể thiếu trong máu. Khi tình trạng thiếu bạch cầu xảy ra, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ suy yếu khiến người bệnh dễ mắc phải các bệnh lý nguy hiểm. Vậy cách tăng bạch cầu trong máu nhanh nhất là gì?

1. Bạn biết gì về tế bào bạch cầu của chúng ta?

Tế bào bạch cầu là các tế bào máu có vai trò miễn dịch với tên khác là bạch huyết cầu hay tế bào máu trắng. Một cách dễ hiểu hơn đây là một thành phần của máu đóng vai trò giúp cơ thể chống lại các bệnh lý truyền nhiễm hay các vật thể lạ có mặt trong máu. Có thể thấy bạch cầu vô cùng quan trọng trong chức năng của hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Bình thường số lượng các tế bào bạch cầu có trong 1 lít máu ở người lớn khỏe mạnh sẽ dao động từ 4×10 mũ 9 đến 11×10 mũ 9 tế bào.

Bạch cầu không phải có màu trắng, bạch cầu thực chất là tế bào trong suốt có kích thước khá lớn và có nhân. Trong cơ thể chúng ta có 5 loại tế bào bạch cầu bao gồm: bạch cầu ưa kiềm, bạch cầu ưa axit, bạch cầu trung tính, bạch cầu lympho và bạch cầu mono. Cơ quan sản sinh ra bạch cầu là tủy xương.

Khi số lượng bạch cầu trong cơ thể giảm đi là dấu hiệu hệ miễn dịch bị ức chế. Vì vậy tình trạng số lượng các tế bào bạch cầu trong cơ thể sẽ là chỉ số giúp phản ảnh cơ bản tình trạng bệnh của chúng ta.

2. Cách tăng bạch cầu trong máu từ các loại thực phẩm

Trạng thái căng thẳng tinh thần, stress, chế độ ăn uống không lành mạnh, thay đổi lối sống là một trong những nguyên nhân khiến số lượng bạch cầu giảm. Cách tăng bạch cầu trong máu thông qua chế độ ăn uống thích hợp là một phương pháp tự nhiên và hiệu quả. Vậy chúng ta cần ăn gì để tăng bạch cầu nhanh nhất?

Thực phẩm giàu beta-caroten và một số chất dinh dưỡng khác có khả năng tăng cường sản xuất các tế bào bạch cầu, dưới đây là những loại thực phẩm nên bổ sung để hỗ trợ tăng số lượng bạch cầu trong cơ thể:

2.1. Trà xanh

Với nhiều chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể chống lại các mầm bệnh gây nhiễm trùng, trà xanh cũng khuyến khích cơ thể sản sinh nhiều bạch cầu hơn.

2.2. Vitamin C

Vitamin C thuộc nhóm vitamin tan trong nước. Loại vitamin này từ lâu đã được biết đến với tác dụng gia tăng sức đề kháng, củng cố hệ miễn dịch bằng cách giúp cơ thể tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu và kháng thể để chống lại virus và vi khuẩn. Vitamin C còn làm tăng các kháng thể chống lại virus xâm nhập vào cơ thể.

2.3. Axit béo omega-3

Axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá và đặc biệt là cá hồi. Omega 3 có thể cải thiện hệ miễn dịch nhờ tăng số lượng thực bào trong hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương.

2.4. Vitamin A

Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A giúp làm tăng số lượng tế bào lympho trong cơ thể, giúp tiêu diệt và tấn công những tác nhân xâm nhập từ bên ngoài và các tế bào ung thư. Vì vậy những thực phẩm giàu vitamin A có khả năng tăng cường miễn dịch rất tốt.

2.6. Sữa chua

Những người thường xuyên ăn các sản phẩm có chứa lợi khuẩn (probiotic) như sữa chua sẽ có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn so với những người không ăn. Trên thực tế lâm sàng các lợi khuẩn probiotic cũng giúp cơ thể cải thiện và tăng cường số lượng tế bào bạch cầu.

2.7. Tỏi

Tỏi giúp tăng số lượng bạch cầu, giúp tế bào bạch cầu gia tăng khả năng chống lại mầm bệnh gây hại và giúp chúng ta cải thiện hệ miễn dịch.

2.8. Thịt, cá, trứng, đậu phụ, các loại hạt

Đây là nhóm thực phẩm rất giàu protein giúp cơ thể có thêm năng lượng để tổng hợp tế bào bạch cầu mới. Vì vậy cung cấp những thực phẩm giàu protein cũng là cách làm tăng bạch cầu hiệu quả. Lưu ý mỗi loại thực phẩm mà chúng ta ăn vào chỉ chứa một số acid amin nhất định mà cơ thể cần, vì vậy tốt hơn hết vẫn nên ăn đa dạng các món ăn để cung cấp cho cơ thể đủ loại acid amin.

Cần đảm bảo tất cả thực phẩm ăn vào cơ thể đều đã được nấu chín kỹ với nhiệt độ vừa phải. Nếu thực phẩm vẫn chưa chín sẽ tiềm tàng nhiều rủi ro như vi khuẩn, nấm mốc.... Mặt khác nhiệt độ nấu nướng quá cao và kéo dài lại làm chất đạm bị phân hủy. Người có mức độ bạch cầu thấp cần tránh ăn các loại thức ăn dạng tái, sống (như sushi hoặc sashimi, hạt thô, bơ tươi, trứng sống, trứng lòng đào, trứng bắc thảo, trứng muối...) chưa qua chế biến.

2.9. Sữa - sản phẩm từ sữa

Khi tìm hiểu cách làm tăng bạch cầu, bạn nên cân nhắc đến việc sử dụng các loại thực phẩm làm từ sữa, đây là nguồn tổng hợp dồi dào của các chất dinh dưỡng như chất bột đường, chất đạm, béo và vi chất. Lưu ý chỉ sử dụng những sản phẩm sữa đã tiệt trùng, thận trọng khi dùng phô mai cho người đang có số lượng bạch cầu thấp, vì có rất nhiều loại phô mai được làm từ nguồn sữa chưa tiệt trùng.

2.10. Hoa quả và rau

Các loại thực phẩm xanh giàu vitamin và khoáng chất sẽ rất tốt cho việc tăng cường hệ miễn dịch. Theo đó các loại rau quả giàu kali như bầu, bí, mướp hoặc các loại trái cây có vỏ dày, nước ép hoa quả, các loại hạt đã nấu chín được nhiều y bác sĩ dùng cho bệnh nhân có sức khỏe kém, số lượng bạch cầu thấp.

Nên chọn rau quả có nguồn gốc xuất xứ an toàn, không sử dụng thuốc tăng trưởng hay các chất bảo vệ thực vật chưa đủ thời gian phân hủy theo khuyến cáo. Trước khi ăn, hãy rửa rau quả thật sạch dưới vòi nước chảy mạnh và rửa kỹ những nếp gấp, đảm bảo vi khuẩn, trứng giun, giun đã được loại bỏ hoàn toàn.

Cần hết sức thận trọng với các loại rau sống và trái cây bày bán sẵn vì có thể trong quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo như chúng ta tự tay chế biến tại nhà.

2.11. Bổ sung đủ nước cho cơ thể

Nước cũng rất quan trọng, bên cạnh việc ăn gì để tăng bạch cầu nhanh nhất. chúng ta nên uống nước nhiều để giúp quá trình trao đổi chất được thuận lợi. Mỗi người cần đảm bảo cung cấp tối thiểu là 1.5 – 2 lít nước/ngày kể cả khi bản thân không thấy khát. Tuy nhiên với những người đang muốn tăng bạch cầu, kể cả với loại đồ uống hết sức đơn giản này, bạn cũng phải đảm bảo sạch sẽ, không sử dụng nước chưa đun sôi, nước giếng ngầm... và hạn chế thức uống có chất kích thích như caffeine, thức uống có cồn.

3. Ăn gì để tăng bạch cầu nhanh nhất trong trường hợp đặc biệt?

Một số lưu ý cụ thể hơn cho những bệnh nhân bị thiếu bạch cầu trong các bệnh lý nghiêm trọng:

  • Bệnh nhân ung thư máu trước khi truyền hóa chất cần đảm bảo lượng protein cung cấp vào cơ thể chiếm 20%; lượng đường bột cung cấp chiếm 65 – 70%, chất béo với nguồn gốc thực vật chiếm 15 – 20% tổng dinh dưỡng;
  • Đối với bệnh nhân ung thư đang hóa trị có số lượng bạch cầu máu rất thấp: dinh dưỡng của bệnh nhân thuộc đối tượng này sẽ được quyết định bởi bác sĩ, tuy nhiên bệnh nhân nên chọn món ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Bệnh nhân nên chia các bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, đặc biệt là khi gặp các tác dụng phụ trong quá trình điều trị như chán ăn, buồn nôn do truyền hóa chất, nôn khi vệ sinh răng miệng hàng ngày...
  • Bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu có biến chứng suy thận: chế độ ăn được xây dựng trên mức độ suy thận đang mắc, cần đảm bảo giàu năng lượng, cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, cân bằng nước, muối, thực phẩm ít phosphat, giàu canxi.

4. Lưu ý khi chế biến thực phẩm dùng cho người cần tăng bạch cầu

Việc ăn gì để tăng bạch cầu nhanh nhất cũng cần chú ý đến vấn đề nấu nướng như thế nào để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đồng thời đảm bảo lượng dinh dưỡng trong thực phẩm được tối đa. Vì vậy bên cạnh những cách tăng bạch cầu trong máu ở trên, bệnh nhân cũng nên thực hiện theo một số lời khuyên khác như:

  • Luôn luôn rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn/nấu ăn và khi ăn, chà rửa tay với xà phòng trong ít nhất 20 giây sau đó xả lại bằng nước sạch;
  • Khi rã đông thực phẩm chúng ta nên để thực phẩm xuống ngăn mát hoặc rã đông bằng lò vi sóng thay vì rã dưới nhiệt độ phòng. Sau khi đã rã đông chỉ sử dụng 1 lần và không cần cấp đông lại;
  • Những thực phẩm dễ hư hỏng thì nên cất vào tủ lạnh bảo quản ngay sau khi mua về;
  • Trước khi gọt trái cây và rau củ vẫn nên chà rửa sạch trái cây và rau củ dưới vòi nước. Không dùng chất tẩy rửa hay các loại xà phòng công nghiệp;
  • Loại bỏ những thực phẩm đã bị nhớt hoặc bị nấm mốc, trứng bị nứt vỏ, thức ăn có mùi lạ;
  • Sử dụng riêng dao, thớt, kéo, đũa cho các món sống và món chín;
  • Đậy kỹ thức ăn còn thừa và thực hiện khuấy đảo thường xuyên trong quá trình hâm nóng thức ăn.
  • Một lưu ý quan trọng khác là những người thiếu bạch cầu không nên đến ăn ở những nơi ăn uống quá đông đúc để tránh bị lây nhiễm chéo các tác nhân gây bệnh.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về cách tăng bạch cầu trong máu. Nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào hãy liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám và hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan