Cách làm giảm đau khi bị ong đốt

Điều trị khi bị ong đốt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, ong đốt chỉ gây khó chịu và điều trị chủ yếu để giảm đau. Nhưng nếu bạn bị dị ứng với vết ong đốt hoặc bị ong đốt nhiều lần, bạn có thể bị phản ứng nghiêm trọng hơn và cần được điều trị khẩn cấp.

1. Triệu chứng khi bị ong đốt

Ong đốt là một tai nạn thường trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, đặc biệt hay gặp nhất trong những tháng xuân hè là thời gian mà ong phát triển mạnh mẽ. Trong tự nhiên của nước ta có nhiều loại ong khác nhau, một số loại có khả năng cao đốt người là ong mật, ong bắp cày, ong vò vẽ, ong vàng. Triệu chứng tùy thuộc vào đáp ứng dị ứng của từng người, số lượng vết đốt và có phải do ong độc đốt hay không... Vết đốt của ong có thể tạo ra các phản ứng khác nhau, từ đau và khó chịu tạm thời đến phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

  • Phản ứng nhẹ: các trường hợp triệu chứng thường nhẹ như: đau rát, sưng đỏ nhẹ xung quanh khu vực vết đốt. Hầu hết các triệu chứng sưng và đau do ong đốt biến mất trong vòng vài giờ.
  • Phản ứng vừa phải: một số người bị ong đốt có phản ứng mạnh hơn với các dấu hiệu và triệu chứng như: đỏ tấy, sưng ở vị trí vết đốt dần dần to lên trong một hoặc hai ngày tiếp theo. Phản ứng này thường thuyên giảm trong vòng 5 đến 10 ngày.
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng: phản ứng dị ứng nghiêm trọng (sốc phản vệ) khi bị ong đốt có khả năng đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp xảy ra với một tỷ lệ nhỏ. Các dấu hiệu và triệu chứng của sốc phản vệ bao gồm: phản ứng da, bao gồm nổi mề đay, ngứa và đỏ da, khó thở, sưng cổ họng và lưỡi, mạch nhanh yếu, buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, mất ý thức.

2. Cách làm giảm đau khi bị ong đốt

Đối với vết ong đốt thông thường không gây ra phản ứng dị ứng, việc điều trị giảm đau do ong đốt tại nhà là đủ. Mặt khác, nếu bạn có phản ứng dị ứng hoặc có nhiều vết đốt, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Dưới đây là các bước bạn cần thực hiện sau khi bị ong đốt:

  • Lấy bỏ ngòi (kim) ong ngay lập tức. Ngòi kim có nọc độc và sẽ giải phóng trong vài giây sau khi đốt. Loại bỏ ngòi bằng cách dùng móng tay hoặc một miếng gạc gỡ ngòi lên trên. Không bao giờ sử dụng nhíp hoặc dùng ngón tay nặn để loại bỏ ngòi ong, vì việc bóp nó có thể khiến nọc độc tiết ra nhiều hơn vào da.
  • Rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước. Chườm đá lên vết thương có thể giúp giảm đau nhẹ và giảm sưng, bọc đá trong một chiếc khăn sau đó lên vết thương trong 20 phút mỗi giờ một lần nếu cần. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng phù lan sang các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như mặt hoặc cổ, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức, vì bạn có thể bị phản ứng dị ứng. Các dấu hiệu khác của phản ứng dị ứng bao gồm khó thở, buồn nôn, nổi mề đay hoặc chóng mặt.
  • Không làm trầy xước hoặc cào gãi khu vực vết đốt. Điều này sẽ làm tình trạng ngứa và sưng trầm trọng hơn, đồng thời làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Dùng thuốc kháng histamine như diphenhydramine hoặc thuốc không gây buồn ngủ như loratadine sẽ giúp giảm ngứa và sưng.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen để giảm đau do ong đốt khi cần thiết.
  • Thoa kem chứa hydrocortisone hoặc kem dưỡng da calamine lên vết đốt có thể giúp giảm mẩn đỏ, giảm đau, ngứa và sưng.

Đặc biệt nếu trước đây bạn từng bị phản ứng nghiêm trọng khi bị ong đốt, sử dụng thuốc kháng histamin hoặc epinephrine càng sớm càng tốt và đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Mặc dù hầu hết mọi người không gặp phải phản ứng nghiêm trọng khi bị ong đốt, nhưng nên theo dõi bất kỳ ai bị ong đốt phòng trường hợp phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

3. Phòng ngừa bị ong đốt

Tai nạn ong đốt là thường gặp, tuy nhiên bạn không nên lơ là, bởi có thể xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng và dẫn đến sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài những hiểu biết về các biện pháp sơ cứu, cách làm giảm đau khi bị ong đốt và cấp cứu nạn nhân, bạn cũng nên có biện pháp phòng tránh, cụ thể:

  • Không đến gần khu vực có nhiều ong sinh sống.
  • Không được động vào tổ ong, đặc biệt cần chú ý dặn dò trẻ em.
  • Không nên đi vào khu vực có nhiều cây cối vào buổi tối vì khó phát hiện ra tổ ong. Nếu vô tình đụng phải tổ ong ở ban đêm có thể khiến bạn khó thoát khỏi sự tấn công của bầy ong, đồng thời việc sơ cứu cũng khó khăn hơn.
  • Mặc kín đồ bảo hộ khi lấy tổ ong, không được để lộ phần da ra ngoài khi lấy tổ ong.
  • Nếu nhận thấy đàn ong có thể gây nguy hiểm và muốn đuổi chúng đi, nên sử dụng khói hoặc lửa thay vì chọc vào tổ ong.
  • Chọn trang phục che chắn kỹ tay chân, đội mũ có màng che mặt, đi giày kín để tránh bị ong tấn công.

Vết đốt của ong có thể gây đau tuy nhiên sự khó chịu này thường chỉ là tạm thời. Nếu bị ong đốt, hãy cố gắng giữ bình tĩnh và nhanh chóng loại bỏ ngòi kim, làm sạch vết thương bằng xà phòng, và chườm lạnh để giảm sưng. Bạn có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn để làm dịu cơn đau do ong đốt. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với ong đốt có thể xảy ra, đến ngay cơ sở y tế nếu xuất hiện khó thở, nổi mề đay hoặc các triệu chứng sốc phản vệ khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan