Cách chữa sâu răng cho người lớn

Sâu răng có thể xảy ở bất kỳ lứa tuổi nào, vì vậy người lớn cũng hoàn toàn có thể bị sâu răng nếu không chăm sóc răng miệng đúng cách. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng của người mắc phải nhưng sâu răng lại đem đến rất nhiều phiền toái, khiến người bị sâu răng ăn không ngon, đau đớn kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

1. Sâu răng là gì ? Nguyên nhân bị sâu răng

Sâu răng là sự tổn thương men răng hoặc bề mặt răng xảy ra do những vi khuẩn trong miệng tạo ra axit và tấn công men răng. Sâu răng tạo ra những lỗ hổng trên răng, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ mất răng. Sâu răng nếu không được điều trị sẽ gây đau nhức, nhiễm trùng, áp xe răng thậm chí là mất răng.

Quá trình hình thành sâu răng bắt nguồn từ những mảng bám hay cao răng chứa đầy vi khuẩn gây hại, chúng bám trên bề mặt răng. Khi bạn sử dụng đồ uống và thực phẩm chứa nhiều đường thì chính những vi khuẩn này sẽ tiêu hóa và sản sinh ra axit. Axit bám trên bề mặt răng sẽ từ từ phá vỡ lớp men răng, đây là lớp nằm ngoài cùng có vai trò bảo vệ răng. Từ những vi tổn thương này trên bề mặt răng theo thời gian sẽ hình thành sâu răng khi có sự xuất hiện các lỗ hổng trên men răng. Sâu răng ban đầu hình thành ở lớp men răng và theo thời gian nó sẽ xâm nhập xuống sâu hơn vào cấu trúc ở dưới của răng, đến ngà răng, thậm chí sâu răng có thể tiến sâu vào đến tận tủy răng trong trường hợp xấu nhất.

Khác với các mô hoặc cơ quan khác, men răng không hề có khả năng tự chữa lành do chúng không chứa tế bào sống. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, men răng không thể tự chữa lành hoặc tự phục hồi sau sâu răng hoặc khi có bất kỳ tổn tổn thương nào khác. Đó là lý do tại sao khi bạn bị sâu răng thì không thể chữa triệt để trong một thời gian ngắn được và ngay cả khi cố gắng để làm sạch vùng sâu răng hết sức thì bạn vẫn cần đến nha sĩ để điều trị sâu răng.

Có phải ai cũng có thể bị sâu răng như nhau hay không ? Sau đây là một số yếu tố sẽ làm cho bạn có nguy cơ bị sâu răng cao hơn người bình thường:

  • Không có đủ lượng florua
  • Khô miệng hoặc không tiết đủ nước bọt. Điều này có thể là bẩm sinh, do bệnh lý hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc mà bạn dùng.
  • Trẻ sơ sinh hoặc trẻ bú bình, vì các bé hay được cho bú bình hoặc uống nước trái cây trước khi đi ngủ.
  • Người lớn tuổi: Ở người lớn tuổi hay có tình trạng mòn răng hoặc bị tụt nướu làm lộ chân răng ra ngoài, từ đó tăng nguy cơ sâu răng trên bề mặt chân răng.

2. Các triệu chứng khi bị sâu răng

Ở giai đoạn đầu sâu răng, bạn khó có thể nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào. Đây là lý do vì sao sâu răng thường tiến triển và ít người được chăm sóc răng sớm. Vì sâu răng không thể tự khỏi nên sẽ tiếp tục phát triển và tình trạng sâu răng trở nên tồi tệ hơn thì sẽ gây ra những triệu chứng nghiêm trọng.

  • Đầu tiên, bạn có thể cảm thấy đau nhức răng và tình trạng này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
  • Răng của bạn cũng sẽ dần trở nên nhạy cảm hơn, đặc biệt là với đồ ngọt hoặc đồ nóng, lạnh
  • Trên bề mặt răng có những vết màu trắng hoặc nâu đen
  • Lỗ trống trên răng ngày càng rộng và sâu hơn
  • Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, áp xe răng khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng.
  • Áp xe răng sẽ làm bạn vô cùng đau đớn, sưng mặt, sốt, từ đó dẫn đến các tình trạng sức khỏe tồi tệ khác như mất ngủ, ăn không được, suy nhược.
  • Nếu vẫn không được xử trí kịp thời thì từ áp xe răng sẽ dẫn đến nhiễm trùng xương hàm hoặc các vùng khác trong cơ thể.

3. Những cách điều trị sâu răng cho người lớn

Có nhiều biện pháp để chữa sâu răng, điều này sẽ tùy thuộc vào mức độ sâu răng, độ nặng của những biến chứng và mong muốn của người bệnh. Một số cách chữa răng mà bạn có thể được bác sĩ tư vấn khi bị sâu răng là:

  • Điều trị bằng florua: Phương pháp này sẽ được áp dụng khi sâu răng giai đoạn sớm, florua được cung cấp sẽ giúp men răng tự phục hồi.
  • Trám răng: Khi sâu răng mới hình thành, lỗ sâu còn nhỏ và miếng trám còn đảm bảo tác dụng tốt, bạn sẽ được nha sĩ loại bỏ mô răng bị sâu và phục hồi răng lỗ khuyết bằng cách sử dụng vật liệu trám chuyên dụng.
  • Nhổ răng: Trong những trường hợp nghiêm trọng và chiếc răng sâu đã được bác sĩ đánh giá là không thể hồi phục thì bạn sẽ cần phải nhổ bỏ răng. Sau khi nhổ bỏ, bạn có thể thay thế chiếc răng đã mất bằng cách làm cầu răng hoặc cấy ghép implant. Nếu không lấp đầy những khoảng trống này, các răng bên cạnh có thể di chuyển và làm thay đổi khớp cắn của bạn.
  • Chữa tủy răng: Khi tình trạng sâu răng của bạn trở nên nặng nề, áp xe răng hoặc nhiễm trùng lan đến tủy răng, bạn sẽ cần lấy tủy răng. Nha sĩ sẽ lần lượt loại bỏ phần tủy răng bị sâu, làm sạch bên trong răng, chân răng trước khi trám hoặc bọc sứ để bảo vệ chiếc răng này.

4. Phòng ngừa sâu răng bằng cách nào?

Một thực tế là vi khuẩn trong miệng sẽ sử dụng đường để tiêu hóa và gây sâu răng. Vì vậy, hạn chế lượng đường có trong đồ uống và thực phẩm bạn ăn hàng ngày chính là cách đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để phòng ngừa sâu răng. Đồ uống vị ngọt, đồ ăn vặt nhiều đường, kẹo ngọt là những thứ bạn nên tránh xa để bảo vệ những chiếc răng của mình.

Tiếp theo, một thói quen vệ sinh răng miệng khoa học, đúng cách là điều bạn cần làm hàng ngày để giảm thiểu nguy cơ sâu răng. Đánh răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng, đặc biệt là những loại có chứa chất fluoride và dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng hàng ngày cũng như giúp lấp đầy những lỗ sâu li ti là những tổn thương ban đầu của sâu răng.

Cuối cùng, khi đã áp dụng đầy đủ những lời khuyên trên thì bạn nên đến gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra răng miệng. Bằng cách này, hàm răng của bạn sẽ được thăm khám đầy đủ, vệ sinh một cách chuyên nghiệp, những mảng bám và cao răng là yếu tố nguy cơ của sâu răng sẽ bị loại bỏ. Bên cạnh đó, khi được nha sĩ chăm sóc, bạn sẽ được loại bỏ những vết ố vàng trên răng cũng như nhận những lời khuyên bổ ích trong việc chăm sóc răng miệng để có một nụ cười trắng sáng.

Tóm lại, có nhiều cách chữa sâu răng cho người lớn từ đơn giản đến phức tạp tùy thuộc vào tình trạng tổn thương của răng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất cần làm là áp dụng những thói quen có lợi để bảo vệ và hạn chế nguy cơ sâu răng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

72.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan