Cách chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường

Rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị tổn thương bàn chân và móng chân với các biểu hiện như: biến dạng, loét, thậm chí là hoại tử các ngón chân,... Nếu không có cách điều trị và chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường đúng cách thì nguy cơ tàn phế, cắt cụt chi xảy ra rất cao.

1. Tại sao tiểu đường lại gây loét bàn chân?

Do sự tổn thương các dây thần kinh, bệnh tiểu đường có thể gây viêm loét bàn chân và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Các nguyên nhân dẫn đến biến chứng loét bàn chân ở người bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Biến chứng tổn thương thần kinh ngoại biên có thể xảy ra ở bất kỳ người bệnh đái tháo đường nào. Biến chứng này làm giảm khả năng cảm nhận cảm giác ở bàn chân như đau, nóng, lạnh. Do đó, người bệnh không thể cảm nhận được bàn chân của mình đã bị tổn thương. Tình trạng này để lâu sẽ gây nhiễm trùng chân khiến việc điều trị trở nên khó khăn và tốn kém hơn.
  • Loét bàn chân tiểu đường thường gặp ở đầu các xương bàn chân, ngón chân cái, gót chân hay các vết chai ở chân, giữa các ngón chân.
  • Bệnh nhân tiểu đường có thể bị tổn thương mạch máu dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, làm tắc mạch máu lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Trong đó, lượng máu cung cấp đến bàn chân cũng bị hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến các vết thương ở bàn chân lâu lành.
  • Tình trạng nhiễm trùng bàn chân tiểu đường ở người bệnh luôn cao hơn người bình thường. Nguyên nhân là các loại vi khuẩn dễ xâm nhập và phát triển khi lượng đường trong máu tăng cao. Lưu lượng máu đến bàn chân giảm khiến các vết thương lâu lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Chai chân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường dù đang ở giai đoạn nào. Đây là một nguyên nhân dẫn đến viêm loét bàn chân.

XEM THÊM: Bệnh lý bàn chân ở người bệnh đái tháo đường

nhiễm trùng bàn chân tiểu đường
Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường là tình trạng diễn ra phổ biến

2. Cách chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường

Người bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa được biến chứng cho đôi chân của mình nếu được chăm sóc và kiểm tra thường xuyên. Dưới đây là một số biện pháp được các chuyên gia khuyến cáo nhằm giúp người bệnh bảo vệ đôi chân, móng chân người bị tiểu đường và tránh nhiễm trùng bàn chân tiểu đường:

2.1. Rửa và làm khô bàn chân hàng ngày

Người bệnh lựa chọn loại xà phòng phù hợp và rửa chân sạch sẽ bằng nước ấm. Bạn không nên dùng khăn lau, chà xát vào bàn chân để lau khô mà nên vỗ nhẹ cho da khô một cách tự nhiên. Sau đó, thoa kem dưỡng da lên chân để tránh tình trạng nứt nẻ.

2.2. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày

Như đã đề cập ở trên, biến chứng của bệnh tiểu đường khiến bạn không cảm nhận được cảm giác ở bàn chân. Do đó, nếu có bất cứ vết xước, chảy máu nào bạn cũng sẽ khó nhận biết biết. Việc kiểm tra toàn diện bàn chân mỗi ngày sẽ giúp bạn phát hiện sớm những tổn thương ở chân (nếu có).

2.3. Kiểm tra da khô, nứt nẻ

Bàn chân có thể xuất hiện các vết phồng rộp, vết cắt, vết xước hoặc vết loét. Bệnh nhân tiểu đường cần lưu ý thường xuyên kiểm tra và đánh giá mức độ của các vết thương này.

2.4. Chăm sóc móng chân

Các chuyên gia khuyến cáo bạn chỉ nên cắt móng chân sau khi tắm. Bởi khi đó, móng chân sẽ mềm và dễ cắt. Cắt móng chân thẳng theo chiều ngang, sau đó dùng dũa móng tay làm mịn. Tránh cắt vào các góc của ngón chân hoặc cắt vào da.

2.5. Thận trọng khi tập thể dục

Bạn tuyệt đối không tập thể dục khi có những vết thương hở ở bàn chân. Nếu bàn chân bình thường, bạn vẫn có thể chạy bộ và tập thể dục với một đôi giày thoải mái.

XEM THÊM: Cách chăm sóc bàn chân người bệnh tiểu đường

móng chân người bị tiểu đường
Người bệnh tiểu đường không nên tập thể dục khi có những vết thương hở ở bàn chân

2.6. Bảo vệ đôi chân bằng giày và tất

Bạn có thể tăng nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương ở chân hoặc bị thương khi đi chân trần. Do đó, bạn không nên đi chân đất. Hãy luôn bảo vệ đôi chân của mình bằng giày, dép đế cứng hoặc các loại giày dép tương tự. Mang giày / ủng sẽ giúp bảo vệ chân bạn khỏi các điều kiện thời tiết như lạnh và ẩm.

Bên cạnh đó, bạn cũng chú ý không đi giày có gót cao và mũi nhọn, bởi nó có thể khiến tình trạng tổn thương bàn chân và ngón chân nghiêm trọng hơn. Đồng thời, người bệnh cần thay tất hàng ngày, tránh đi tất chật.

2.7. Lựa chọn giày tốt

Những người bị bệnh tiểu đường nên đi giày có các yếu tố sau đây:

  • Các ngón chân và gót chân khép kín;
  • Đế ngoài làm bằng vật liệu cứng;
  • Mũi da không có đường may bên trong;
  • Bên trong giày mềm mại, không có vùng thô ráp

2.8. Không tự ý điều trị các vết thương ở chân

Các vết cắt, vết sưng, vết loét và vết bỏng có thể nhỏ nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, người bệnh tiểu đường tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà mà nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Cuối cùng khi xuất hiện các triệu chứng như: nứt giữa các ngón chân, móng chân mọc ngược, vết chai chân, khớp giữa của các ngón chân bị cong vĩnh viễn xuống dưới... thì người bệnh tiểu đường cũng nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, hạn chế những biến chứng nguy hiểm bệnh tiểu đường gây ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan