Các xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

Người bị thiếu máu thiếu sắt thường có những biểu hiện như mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, khó tập trung, da tái xanh... Tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống. Vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán và phát hiện sớm.

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp hemoglobin trong tế bào hồng cầu và vận chuyển oxy trong máu đi khắp tế bào mô. Khi tế bào hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng, có 90 - 95% lượng sắt được sử dụng và còn lại sẽ bài tiết ra ngoài. Thông qua ăn uống, cơ thể lấy lại lượng sắt đã mất.

1. Tổng quan về bệnh thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng cơ thể không có đủ lượng sắt để phục vụ quá trình tổng hợp hemoglobin hay tạo tế bào hồng cầu. Khi lượng hemoglobin quá ít hoặc tế bào hồng cầu nhỏ, nhược sắc sẽ làm giảm khả năng đưa oxy đến các tế bào mô trong cơ thể.

Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt và được phân thành các nhóm chính sau:

  • Không đáp ứng đủ nhu cầu sắt của cơ thể: Ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng hoặc người già, bệnh nhân nằm lâu, hôn mê, ăn uống kém...;
  • Cơ thể tăng nhu cầu sử dụng sắt: Tình trạng này thường gặp ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh, trẻ em gái ở tuổi dậy thì hoặc phụ nữ đang mang thai và cho bú;
  • Cơ thể giảm khả năng hấp thu sắt: Một số bệnh lý ở hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, phẫu thuật dạ dày, ruột hoặc rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu kéo dài;
  • Mất máu: Mất máu cấp tính và mãn tính là nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu thiếu sắt, thường gặp ở phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, u xơ tử cung, xuất huyết tiêu hóa;
  • Nguyên nhân khác: Đột biến gen gây rối loạn quá trình chuyển hóa sắt.

Người bị thiếu máu thiếu sắt thường có những biểu hiện như mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, khó tập trung, da tái xanh, tóc hoặc móng dễ gãy, khó thở, đau tức ở ngực (nhất là khi lao động nặng và gắng sức), tim đập nhanh. Tình trạng này nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và cuộc sống. Phụ nữ đang mang thai bị thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi. Vì vậy, bệnh cần được chẩn đoán và phát hiện sớm.

Hoa mắt, chóng mặt sau khi ngủ dậy có sao không?
Thiếu máu thiếu sắt khiến người bệnh gặp tình trạng chóng mặt, hoa mắt

2. Các xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt được chỉ định

Xét nghiệm máu là công cụ cơ bản để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt, bao gồm các xét nghiệm sau:

2.1. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ

Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi hay xét nghiệm công thức máu toàn bộ là một xét nghiệm đơn giản và cơ bản, cho phép xác định các thành phần có trong máu, làm cơ sở để tìm kiếm nguyên nhân gây thiếu máu. Thiếu máu thiếu sắt sẽ có kết quả xét nghiệm như sau:

  • Huyết sắc tố - Hemoglobin (HGB): Giảm;
  • Số lượng hồng cầu (RBC): Giảm;
  • Dung tích hồng cầu, hematocrit (CBC): Giảm;
  • Thể tích trung bình hồng cầu (MCV): Giảm;
  • Nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu (MCH): Giảm;
  • Tiêu bản máu ngoại vi: Hồng cầu nhỏ và nhược sắc;
  • Tỷ lệ hồng cầu lưới giảm tùy vào mức độ thiếu máu.

Ở giai đoạn đầu của thiếu máu thiếu sắt, giá trị MCV và MCH bình thường nhưng có thể giảm xuống thấp, nghĩa là tế bào hồng cầu nhỏ hơn và mang ít Hemoglobin hơn.

2.2 Xét nghiệm đánh giá thiếu sắt

Xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu sắt rất quan trọng và có nhiều loại xét nghiệm, bao gồm:

  • Sắt huyết thanh: Giá trị bình thường ở nam giới nằm trong khoảng 75 -150 μg/dL (tương đương 13 - 27 μmol/L) và ở nữ giới là 60 - 140 μg/dL (tương đương 11 - 25 μmol/L). Chỉ số này đo lượng sắt lưu chuyển trong máu và có thể phụ thuộc vào chế độ ăn, dùng thuốc uống bổ sung. Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt hoặc một số bệnh mãn tính khi sắt huyết thanh giảm. Hội chứng quá tải sắt hoặc tan máu làm sắt huyết thanh tăng.
  • Khả năng gắn sắt toàn bộ (Transferrin hoặc TIBC): Giá trị bình thường nằm trong khoảng 250 - 450 μg/dL (tương đương 45 - 81 μmol/L). Chỉ số này đo lường khả năng vận chuyển sắt của protein trong máu đến các tế bào hồng cầu hoặc cơ quan dự trữ.
  • Độ bão hòa Transferrin (TSAT): Chỉ số này được tính bằng cách lấy lượng sắt huyết thanh chia cho khả năng gắn sắt toàn bộ (TIBC).
  • Ferritin huyết thanh: Giá trị bình thường nằm trong khoảng 30 - 300 ng/mL (trung bình ở nam giới là 88 ng/ml và nữ giới là 49 ng/ml. Ferritin huyết thanh <12 ng/mL là chỉ số đặc hiệu cho thấy tình trạng thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên, cần lưu ý giá trị này có thể tăng lên đến 100 ng/mL trong các trường hợp như viêm gan, u đường tiêu hoá, u lympho Hodgkin và các khối,... nhưng vẫn có thể thiếu sắt.

Khi sắt huyết thanh, độ bão hòa Transferrin (TSAT), Ferritin thấp hơn giá trị bình thường và khả năng gắn sắt toàn bộ (TIBC) cao hơn cho phép chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt. Trong đó, TSAT và Ferritin là 2 xét nghiệm hữu ích nhất.

Ngoài các phương pháp nêu trên, xét nghiệm tủy xương cũng được sử dụng và đây là tiêu chí đặc trưng đối với sự giảm sản xuất hồng cầu do thiếu sắt.

Khám xét nghiệm ferritin khi mang thai cho biết điều gì?
Ferritin huyết thanh là một trong các xét nghiệm thiếu máu thiếu sắt

3. Làm gì khi bị thiếu máu thiếu sắt?

Thiếu máu thiếu sắt cần hạn chế truyền máu, trừ trường hợp bị thiếu máu nặng và phải truyền mất bù. Để điều trị tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định dùng một số chế phẩm bổ sung sắt ở dạng uống. Thời gian dùng trong khoảng 6 - 12 tháng và cần bổ sung đồng thời vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt.

Uống thuốc bổ sung sắt dạng viên cần dùng trước khi ăn để tăng khả năng hấp thu, có thể dùng trong lúc ăn nếu bị kích ứng dạ dày. Đối với việc bổ sung sắt bằng đường tĩnh mạch nên được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa để đảm bảo.

Thiếu máu do thiếu sắt cần được chẩn đoán xác định và điều trị dựa trên nguyên nhân để hạn chế thiếu sắt tái phát. Để phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt, cần chú ý đến chế độ ăn giàu sắt kết hợp với bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C nhằm tăng khả năng hấp thu sắt. Đặc biệt là phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt trong thai kỳ. Sau khi ăn không nên uống cà phê hoặc trà, vì sẽ giảm khả năng hấp thu sắt của cơ thể.

Khi thấy có biểu hiện nghi ngờ thiếu máu thiếu sắt, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán xác định nguyên và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: