Các chất chống oxy hóa cho cơ thể

Các kích ứng oxy hóa trong cơ thể gây ra bởi các gốc tự do có thể liên quan với quá trình lão hóa, xơ vữa động mạch, giảm thị lực hay thậm chí là ung thư. Vậy vai trò của các chất chống oxy hóa là gì? Có nên sử dụng các thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa?

1. Quá trình oxy hóa trong cơ thể là gì?

Các tế bào của cơ thể tiếp xúc với oxy mỗi ngày. Mặc dù oxy rất quan trọng cho cơ thể nhưng nó cũng tham gia vào quá trình oxy hóa và hình thành các gốc tự do có hại cho sức khỏe. Các yếu tố môi trường như ánh nắng mặt trời, các nguồn ô nhiễm, thuốc lá, rượu bia,... cũng tham gia vào quá trình tạo ra gốc tự do.

Các gốc tự do theo thời gian có thể gây ra một chuỗi các phản ứng trong cơ thể, làm tổn thương DNA, các thành phần của tế bào,... Một số tế bào có thể hồi phục, số khác lại bị hư hỏng vĩnh viễn. Các nhà khoa học cho rằng các gốc tự do có thể tham gia vào quá trình lão hóa và có liên quan với các bệnh lý như ung thư, tim mạch, đái tháo đường.

Các chất oxy hóa trong cơ thể có thể được hình thành do hoạt động tập thể dục quá sức, tổn thương mô do viêm hay chấn thương, tình trạng thiếu máu cục bộ; hoặc do phơi nhiễm với các chất độc hại, ô nhiễm trong môi trường như: khói thuốc lá, bức xạ, dung môi công nghiệp, thuốc trừ sâu, điều trị hóa chất,...; hoặc do sử dụng thực phẩm chứa các thành phần gây hại như chất ngọt nhân tạo, chất béo chuyển hóa, một số loại phụ gia,... Các yếu tố này có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến sự giải phóng quá mức các ion sắt hay đồng tự do, hoạt hóa thực bào, gia tăng các enzyme tạo ra gốc tự do, làm gián đoạn chuỗi chuyền điện tử. Tình trạng này được gọi là kích ứng oxy hóa.

2. Chất chống oxy hóa có tác dụng gì?

Các chất chống oxy hóa trong cơ thể giúp ngăn chặn hoặc làm chậm tổn thương gây ra bởi các gốc tự do. Cơ thể sử dụng các chất chống oxy hóa để ổn định gốc tự do và tránh gây hại cho các tế bào khác. Bên cạnh chất chống oxy hóa nội sinh (do cơ thể sản xuất), còn có các nguồn chất chống oxy hóa ngoại sinh. Một số thực phẩm nguồn gốc thực vật được xem là những nguồn giàu chất chống oxy hóa.

Các chất chống oxy hóa thể hiện tác dụng thông qua việc trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, tăng cường sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể giảm tình trạng suy giảm thị lực do thoái hóa điểm vàng liên quan tuổi tác ở người già.

Tuy nhiên, nhìn chung vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng về lượng chất oxy hóa cần thiết để có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan.

3. Các chất chống oxy hóa cho cơ thể

Dưới đây là một số chất có tác dụng chống oxy hóa cho cơ thể:

  • Vitamin C: Bên cạnh khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, Vitamin C còn được xem là một trong những chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
  • Vitamin A (Retinol): Vitamin A là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể trước tia cực tím.
  • Vitamin E: Vitamin E hòa tan trong dầu, là chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ màng tế bào trước tác động của quá trình oxy hóa.
  • Vitamin D: Thường được biết đến với tác dụng bổ xương, Vitamin D còn là chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể chống lại các các tổn thương, viêm nhiễm, làm chậm quá trình lão hóa và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  • Vitamin B3 (Axid nicotinic): Vitamin B3 là một chất chống oxy hóa quan trọng đối với sức khỏe làn da, giúp giảm stress oxy hóa và phản ứng viêm trong tế bào.
  • Beta-carotene: Beta carotene cũng là một chất chống oxy hóa nhờ khả năng trung hòa các gốc tự do trong cơ thể.
  • Lycopene: Bên cạnh khả năng chống nhiễm trùng, Lycopene còn là một chất chống oxy hóa mạnh, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe và sắc đẹp.
  • Lutein, Zeaxanthin: Lutein và Zeaxanthin là những chất chống oxy hóa bảo vệ cơ thể trước các phân tử không ổn định.
  • Selen: Selen là vi chất có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Mangan: Mangan được cho là một trong những chất chống oxy hóa quan trọng đối với cơ thể.
  • Polyphenol: Polyphenol có khả năng trung hòa các gốc tự do và được xem như một chất chống oxy hóa.
  • Astaxanthin: Astaxanthin là một chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa các bệnh về da.
  • Resveratrol: Resveratrol là một chất chống oxy hóa có lợi đối với hệ tim mạch và làn da của cơ thể.
  • Flavonoid: Flavonoid có thể chống lại các gốc tự do gây stress oxy hóa.

4. Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa

Ngoài chất chống oxy hóa nội sinh, có thể bổ sung chất chống oxy hóa với loại các thực phẩm giàu vitamin A, C, E, Beta-carotene, Lutein, Lycopene, Selen,... Cách tốt nhất để bổ sung các chất chống oxy hóa là thực hiện chế độ ăn uống đa dạng với các loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,... bởi vì chất chống oxy hóa hầu hết được tìm thấy trong các loại thực phẩm.

Dưới đây là gợi ý một số nguồn thực phẩm giàu các chất chống oxy hóa:

  • Thực phẩm giàu Vitamin A: cà chua, cà rốt, bí ngô, gan động vật, các sản phẩm từ sữa,...
  • Thực phẩm giàu Vitamin C: cam, xoài, dâu tây, kiwi, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh, cải bruxen, súp lơ, cải xoăn,...
  • Thực phẩm giàu Vitamin E: hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt dẻ, đậu phộng, rau bina, cải xoăn, dầu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu ngô,...
  • Thực phẩm giàu Beta-carotene: trái cây và rau quả nhiều màu sắc như cà rốt, đu đủ, xoài, bí ngô, dưa lưới, bông cải xanh, đậu Hà Lan, khoai lang, rau bina, cải xoăn,...
  • Thực phẩm giàu Lutein: rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, ngô, đậu Hà Lan, đu đủ, cam,...
  • Thực phẩm giàu Lycopene: trái cây và rau màu hồng hoặc đỏ như bưởi hồng, dưa hấu, mơ, cà chua,...
  • Thực phẩm giàu Selen: ngũ cốc, các loại hạt, đậu, thịt bò, cá, thịt gà, trứng, phô mai, bánh mì,...
  • Thực phẩm giàu Polyphenol: trà xanh,...

5. Việc sử dụng các sản phẩm bổ sung chất chống oxy hóa

Nhiều người tự ý mua các sản phẩm bổ sung chất chống oxy hóa để ngăn ngừa bệnh tật và lão hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm này không đúng cách, đúng liều không những không mang lại hiệu quả mà có thể gây hại cho chính người dùng.

Một số phân tích đã chỉ ra rằng việc bổ sung chất chống oxy hóa không giảm nguy cơ mắc ung thư, cũng không giảm nguy cơ tử vong do ung thư, trong khi một số quảng cáo lại thổi đồn tác dụng của sản phẩm chống oxy hóa. Hay việc sử dụng các sản phẩm bổ sung Beta-caroten, Vitamin E, Vitamin A, Selen,... không đúng cách cũng có thể gây hại.

Tóm lại, các chất chống oxy hóa đóng vai trò nhất định đối với cơ thể. Nên ưu tiên bổ sung các chất chống oxy hóa từ thực phẩm. Trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm bổ sung chất chống oxy hóa nào, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn đầy đủ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

380 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan