Các cách khắc phục suy giảm trí nhớ

Xã hội phát triển ngày nay đang có rất nhiều người, không chỉ là người già mà ngay cả ở người trẻ tuổi cũng thường than phiền về trí nhớ giảm sút đáng báo động của mình. Trong trường hợp này chúng ta cần phải tìm cách khắc phục suy giảm trí nhớ, nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống đạt được là tối ưu.

1. Trí nhớ của con người được hình thành như thế nào?

Trước khi chúng ta có được thứ gọi là trí nhớ thì “nó” phải trải qua một quá trình hình thành tuần tự nhau. Khi chúng ta nhìn, nghe hoặc cảm nhận thấy một sự vật hoặc một hiện tượng nào đó, bộ não sẽ ghi nhớ những điều này và tự sắp xếp lại. Khi chúng ta lặp đi lặp lại những điều này, não bộ sẽ tự động chuyển những dữ liệu đã được sắp xếp đó từ trí nhớ tạm thời thành trí nhớ dài hạn.

Theo đó, người ta chia trí nhớ thành 3 loại:

  • Trí nhớ tức thì: ví dụ khi ta nghe một điều gì đó và lặp lại được chính xác;
  • Trí nhớ gần - trí nhớ tạm thời: ví dụ khi ta nghe một ai đó kể một sự kiện vừa xảy ra gần đây sau đó chúng ta có thể kể lại đúng như câu chuyện đã được kể;
  • Trí nhớ dài hạn: ví dụ những kỷ niệm đẹp từ thời thơ ấu...

Nếu không may có một sự va đập vào bộ não gây ảnh hưởng đến 2 cực thái dương hoặc thùy trán ở phía trước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trí nhớ của chúng ta.

2. Chứng suy giảm trí nhớ là gì?

Để hình thành trí nhớ cần qua 3 quá trình:

  • Ghi nhận thông tin;
  • Lưu trữ thông tin;
  • Tìm kiếm - truy xuất thông tin.

Trí nhớ suy giảm có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn của 3 tiến trình kể trên. Theo các nghiên cứu y học cho thấy trí nhớ dài hạn của con người có liên quan đến chức năng của Acetylcholin, trong khi đó trí nhớ ngắn hạn (gồm trí nhớ tức thì và trí nhớ gần) có liên quan đến vùng trán của vỏ não, đây là vùng tập trung các thụ thể Dopaminergic. Như vậy những loại thuốc gây ức chế acetylcholine sẽ có khả năng gây suy giảm trí nhớ dài hạn trong khi đó các loại tổn thương vùng trán sẽ dẫn đến tình trạng mất trí nhớ ngắn hạn.

Ngoài ra theo thời gian, não bộ của chúng ta sẽ phải trải qua quá trình lão hóa dẫn đến hiện tượng “quên”, làm mất dần tính khôi hài trong giao tiếp, tốc độ suy nghĩ chậm dần, quên sự việc mới xảy ra mặc dù vẫn nhớ sự việc đã rất lâu trong quá khứ. Ngoài ra trí nhớ suy giảm còn do các nguyên nhân tâm thần kết hợp với rối loạn thần kinh thực vật, mất ngủ, ăn không ngon, hay lo âu.

3. Suy giảm trí nhớ có thể chữa khỏi không?

Chứng suy giảm trí nhớ ở giai đoạn sớm có thể cải thiện được hoặc ít nhất có thể làm quá trình tiến triển bệnh chậm lại, giúp bệnh nhân có được cuộc sống tốt hơn. Do đó khi nhận thấy biểu hiện suy giảm trí nhớ, bạn nên đi khám ngay để được xác định đúng tình trạng bất thường, mức độ, tìm ra các yếu tố gây bệnh và kết hợp điều trị. Ngoài tình trạng suy giảm trí nhớ do tuổi tác là quy luật không tránh khỏi, hiện có rất nhiều loại thuốc được chỉ định để điều trị trí nhớ suy giảm do sa sút trí tuệ, trí nhớ suy giảm sau tai biến mạch máu não, trí nhớ suy giảm do các bệnh trầm cảm và stress... thậm chí có thể hỗ trợ luôn chứng quên thông thường ở người lớn tuổi.

4. Cách nào khắc phục suy giảm trí nhớ

  • Ngủ đủ giấc, ngủ ngon: Giấc ngủ có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với thần kinh và trí nhớ của con người. Đối với hệ thần kinh, giấc ngủ giúp phục hồi phần năng lượng bị tiêu hao, thải bớt các chất độc tích tụ. Tình trạng suy giảm trí nhớ sẽ được cải thiện đáng kể khi bệnh nhân được ngủ trong một phòng ngủ êm ái, nhiệt độ duy trì ở mức nhiệt độ 28-29 độ, thoáng khí - đủ oxy. Ngoài ra, bệnh nhân cần giữ cơ thể thật sạch sẽ trước khi đi ngủ, không nên sử dụng rượu, bia hay chất kích thích trước giờ đi ngủ. Nếu gián đoạn chu kỳ ngủ tự nhiên có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, làm gián đoạn quá trình não sử dụng để tạo ra trí nhớ;
  • Đọc sách/báo, chơi trò chơi ô chữ: Một phương pháp thường được áp dụng đó là “yếu cái gì thì tập cái đó”. Vì vậy cách hữu hiệu nhất cho người bị suy giảm trí nhớ là tập cho trí nhớ thông qua việc bắt não bộ tư duy, giúp kích hoạt các tế bào thần kinh còn sót lại, huy động các hormon thần kinh tham gia chu trình hình thành trí nhớ. Tập luyện cho trí nhớ được thực hiện bằng cách đọc sách, báo hay chơi ô chữ theo kế hoạch, lưu ý không nên làm nhiều việc cùng một lúc sẽ khiến tế bào thần kinh bị kiệt quệ;
  • Vận động vừa đủ lượng khiến cơ thể bị tiêu hao năng lượng đáng kể, mang lại giấc ngủ ngon, tăng lưu thông máu lên não dẫn đến tăng khả năng nuôi dưỡng cho não bộ, tăng số vòng tuần hoàn qua não, tăng thải độc cho thần kinh. Tập luyện với các bộ môn như: đi bộ nhanh, chạy bộ, đi bộ đường dài, bơi lội, khiêu vũ, thiền định... Thói quen thiền định có thể mang lại những thay đổi lâu dài trong não, làm tăng độ dẻo dai của não, giữ cho não khỏe mạnh;
  • Xây dựng mối quan hệ hài hòa với mọi người xung quanh giúp giải phóng các hormon có hại cho trí nhớ, tăng tiết các hormone tạo cảm giác yêu đời;
  • Giảm tiêu thụ đường: Đường có thể gây giảm trí nhớ. Uống quá nhiều đồ uống có đường gồm cả nước ép trái cây có thể làm giảm tổng thể tích não, đây được xem là dấu hiệu ban đầu của bệnh Alzheimer;
  • Tránh chế độ ăn nhiều calo: Giảm lượng calo nạp vào có thể giúp bảo vệ não do chế độ ăn nhiều calo sẽ làm giảm trí nhớ và dẫn đến béo phì.
  • Ăn sô-cô-la đen cũng có thể cải thiện trí nhớ do sô-cô-la đen có chứa flavonoid cacao, đây là các hợp chất giúp tăng cường chức năng cho não. Mặt khác không nên thêm nhiều đường vào chế độ ăn uống vậy chúng ta nên chọn loại sô-cô-la có hàm lượng ca cao ít nhất 72%, tránh sô cô la có thêm đường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan