Các bước tiến hành kỹ thuật rút ống nội khí quản

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Xuân Ninh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đặt nội khí quản để giúp bệnh nhân thông khí là một kĩ thuật thường được áp dụng tại các khoa hồi sức cấp cứu. Khi không còn chỉ định thở máy thì người bệnh sẽ được bác sĩ cân nhắc việc rút ống nội khí quản.

1.Khi nào người bệnh được rút ống nội khí quản?

Chỉ định rút ống nội khí quản khi:

  • Người bệnh tự thở tốt và không còn tình trạng suy hô hấp.
  • Người bệnh hết chỉ định thở máy qua ống nội khí quản.
  • Người bệnh đã được mở khí quản.

2. Khi nào người bệnh chưa được rút ống nội khí quản?

  • Người bệnh ho khạc kém, không có khả năng bảo vệ đường thở.
  • Người bệnh chưa tự thở tốt, còn nguy cơ suy hô hấp.
Người bệnh đang được thở máy qua ống nội khí quản (Nguồn hình: https://www.healthline.com)
Người bệnh đang được thở máy qua ống nội khí quản (Nguồn hình: https://www.healthline.com)

3. Các bước tiến hành kĩ thuật rút ống nội khí quản

Khi bác sĩ đã quyết định rút ống nội khí quản cho người bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:

Bước 1: Thông báo:

  • Thông báo tình trạng của người bệnh cho thân nhân và người bệnh, giải thích các bước sẽ tiến hành, các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra.
  • Cho người bệnh nhịn ăn trước đó ít nhất 4 giờ.
  • Hút sạch đờm nhớt trong ống nội khí quản và vùng mũi, miệng, họng.

Bước 2: Bác sĩ và điều dưỡng sẽ chuẩn bị các dụng cụ cần thiết như: dây oxy, mask thở oxy, máy thở, máy hút đàm, ống hút đàm, bơm tiêm, găng tay,... Đặc biệt, bác sĩ cũng sẽ chuẩn bị các dụng cụ thiết bị giống như khi đặt nội khí quản vì người bệnh có nguy cơ sẽ bị suy hô hấp cấp và cần đặt lại ống nội khí quản.

Bước 3: Người bệnh được đặt ở tư thế nằm cao 45 - 90 độ

Bước 4. Điều dưỡng sẽ gắn máy theo dõi cho người bệnh. Bác sĩ sẽ đánh giá lại các thông số của người bệnh như: tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, SpO2 trước khi rút ống nội khí quản

Bước 5. Bác sỹ, điều dưỡng sẽ rửa tay với dung dịch sát khuẩn dưới vòi nước, mang mũ, khẩu trang, mang găng.

Bước 6. Điều dưỡng dùng ống hút đàm đã nối với máy hút để tiến hành hút đàm nhớt cho người bệnh.

Bước 7. Một điều dưỡng sẽ tháo dụng cụ cố định ống nội khí quản. Sau đó, điều dưỡng sẽ dùng 1 ống xylanh để xả hoàn toàn hơi có trong bóng chèn của ống nội khí quản.

Bước 8. Bác sĩ sẽ luồn ống hút đàm vào ống nội khí quản. Bác sĩ sẽ bảo người bệnh hít sâu vừa bịt van hút vừa từ từ rút ống nội khí quản ra.

Bước 9. Sau đó, người bệnh sẽ được một điều dưỡng hút lại dịch còn ứ trong vùng mũi họng.

Bước 10. Một điều dưỡng sẽ cho người bệnh thở oxy ngay sau khi ống nội khí quản được rút ra

ống nội khí quản
Hình ảnh ống nội khí quản

Bước 11. Người bệnh được phun thuốc khí dung nếu có chỉ định.

Bước 12: Nhân viên y tế sẽ vỗ rung lưng cho người bệnh nếu cần thiết, hướng dẫn lại cho người bệnh cách ho khạc khi có đàm và hút đàm trong họng miệng nếu người bệnh ho khạc kém.

Bước 13: Nhân viên y tế sẽ thu dọn dụng cụ, bác sỹ và điều dưỡng tháo găng, rửa tay.

Bước 14: Người bệnh được theo dõi sát tình trạng: tri giác, mạch, huyết áp, nhịp thở, SpO2, dấu hiệu khó thở, thở có tiếng rít, thở gắng sức, co kéo cơ hô hấp, sự ho khạc,.

Bước 15: Sau rút ống nội khí quản 6 giờ, bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng người bệnh để quyết định việc cho người bệnh ăn lại hay tiếp tục theo dõi.

Bước 16: Bác sĩ và điều dưỡng sẽ ghi nhận thời gian rút ống nội khí quản, tình trạng người bệnh vào hồ sơ bệnh án.

4. Các tai biến và cách xử trí khi rút ống nội khí quản?

Người bệnh sau khi rút ống nội khí quản có thể bị tình trạng khó thở. Có các nguyên nhân gây ra khó thở như: co thắt thanh quản- phế quản, phù nề thanh môn. Với tình trạng này, bác sĩ sẽ cho người bệnh thuốc giãn phế quản dạng khí dung, thuốc chống phù nề hoặc có thể cho thở máy không xâm nhập. Nếu tình trạng khó thở trầm trọng hay kéo dài, hay người bệnh có tình trạng mệt cơ hô hấp, bác sĩ sẽ cân nhắc vấn đề đặt lại ống nội khí quản.

Trào ngược dịch từ dạ dày vào đường hô hấp gây viêm phổi hít. Với biến chứng này thì bác sĩ sẽ cho dự phòng bằng cách cho người bệnh nhịn ăn trước và sau khi rút ống nội khí quản, đồng thời hút dịch dạ dày trước rút ống. Nếu trạng viêm phổi hít xảy ra, bác sĩ sẽ cân nhắc việc sử dụng thuốc cũng như các biện pháp can thiệp khác như thở oxy, đặt lại ống nội khí quản.

Gây mê nội khí quản
Một số trường hợp người bệnh có thể được đặt lại ống nội khí quản

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám, điều trị và phục hồi nhiều căn bệnh với các trang thiết bị Y tế hiện đại, các vật dụng kỹ thuật cũng được đầu tư đổi mới phù hợp với từng thủ thuật, ca phẫu thuật khác nhau nhằm hạn chế tối đa nhất các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt với đội ngũ Y Bác sĩ giàu chuyên môn, được đào tạo bài bản chuyên sâu sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Tài liệu tham khảo:

  1. Joseph Varon và cộng sự. Handbook of Critical and Intensive Care Medicine Third Edition (2016), Springer, p355-359.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

26.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan