Các biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật u tuyến yên

Phương pháp điều trị chính cho bệnh lý u tuyến yên là phẫu thuật. Vì đây là một cơ quan nội tiết có kích thước rất nhỏ và lại nằm sâu trong nhu mô não, những can thiệp trên vùng này luôn ẩn chứa các rủi ro nhất định.

1. U tuyến yên là gì?

Khối u tuyến yên là sự tăng trưởng bất thường của một khối u phát triển trong tuyến yên. Một số loại u tuyến yên dẫn đến sự tăng tiết hormone điều khiển các chức năng quan trọng của cơ thể. Ngược lại, một số loại u tuyến yên lại có thể khiến tuyến yên sản xuất lượng hormone ít đi.

Hầu hết các trường hợp, khối u tuyến yên là sự tăng trưởng không phải ung thư hay có bản chất là u lành tính. Các khối u này thường chỉ khu trú bên trong tuyến yên hoặc các mô xung quanh mà không lan sang các bộ phận khác trên cơ thể người bệnh.

Về điều trị, có nhiều lựa chọn khác nhau để điều trị khối u tuyến yên, bao gồm mổ tuyến yên loại bỏ khối u, dùng thuốc kiểm soát sự phát triển của u và điều chỉnh sự bài tiết hormone của tuyến yên bằng thuốc. Một số trường hợp phát hiện u tuyến yên là tình cờ, bệnh không gây ra triệu chứng gì và kế hoạch lúc này có thể được xem xét là theo dõi hơn là tích cực can thiệp.

2. Các loại phẫu thuật u tuyến yên

Phẫu thuật u tuyến yên có nhiều cách thức tiến hành khác nhau. Chỉ định và hiệu quả của từng phương pháp như thế nào là tùy thuộc vào loại khối u, vị trí chính xác, kích thước và những ảnh hưởng của nó trên các cấu trúc lân cận. Theo đó, có các loại phẫu thuật u tuyến yên sau đây:

2.1. Phẫu thuật u tuyến yên bằng nội soi qua xoang bướm

Đây là cách phổ biến nhất để loại bỏ khối u tuyến yên. Các dụng cụ can thiệp sẽ được đưa qua xoang bướm, là một khoảng trống trong hộp sọ phía sau đường mũi sau và nằm ngay bên dưới não. Thành sau của xoang bao phủ tuyến yên.

Để thực hiện phẫu thuật này, bác sĩ phẫu thuật thần kinh phải rạch một đường nhỏ dọc theo vách ngăn mũi, tức sụn giữa hai bên mũi, hoặc dưới môi trên, phía trên răng. Hướng đến tuyến yên, phẫu thuật viên sẽ mở các thành của xoang bướm bằng máy đục cầm tay nhỏ, máy khoan hoặc các dụng cụ khác tùy thuộc vào độ dày của xương và xoang. Toàn bộ sự vận hành các công cụ này được quan sát và điều khiển thông qua màn hình đặt bên ngoài cơ thể.

Một cách tiếp cận khác vào tuyến yên là sử dụng ống nội soi. Đây là một ống sợi quang mỏng với một camera nhỏ đặt ở đầu ống. Bằng cách này, vết mổ dưới môi trên hoặc dọc theo vách ngăn mũi là không cần thiết do ưu điểm của ống nội soi cho phép bác sĩ phẫu thuật nhìn qua vết mổ nhỏ được thực hiện ở phía sau của vách ngăn mũi. Từ đó, các dụng cụ sẽ được đưa qua mũi và mở xoang bướm để đến tuyến yên và bóc tách lấy khối u ra. Dù vậy, tính hiệu quả của kỹ thuật này sẽ tùy thuộc vào vị trí khối u và hình dạng của xoang bướm.

Nhìn chung, cách thức nội soi có nhiều ưu điểm. Nổi bật nhất là không có phần nào của não bị đụng chạm vào trong quá trình phẫu thuật. Vì vậy, khả năng gây tổn thương não là rất thấp hay thậm chí không xảy ra. Bên cạnh đó, phương pháp này ít có tác dụng phụ hơn và cũng không gây ra vết sẹo rõ ràng. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật qua nội soi có thể mất nhiều thời gian hơn và sẽ rất khó để loại bỏ khối u lớn.

2.2. Phẫu thuật u tuyến yên qua mở nắp sọ

Đối với các khối u tuyến yên lớn hơn hoặc phức tạp hơn, người bệnh chỉ có thể can thiệp bằng phẫu thuật mở sọ. Trong phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành thông qua một lỗ ở phía trước hộp sọ, lệch sang một bên. Tay nghề phẫu thuật viên phải làm việc cẩn thận bên dưới và giữa các thùy não để đến khối u.

Phẫu thuật trên vùng sọ mặt có nguy cơ chấn thương não và dễ gây ra các biến chứng khác cao hơn so với phẫu thuật nội soi đối với các tổn thương nhỏ. Tuy nhiên, cách này lại thực sự an toàn hơn đối với các khối u lớn và phức tạp. Lý do là vì bác sĩ phẫu thuật có thể nhìn thấy và tiếp cận khối u tốt hơn cũng như các dây thần kinh và mạch máu gần đó.

u tuyến yên
Phẫu thuật u tuyến yên qua mở nắp sọ an toàn hơn khi phẫu thuật các khối u lớn

3. Lập kế hoạch can thiệp phẫu thuật u tuyến yên

Dù là phẫu thuật u tuyến yên bằng nội soi qua xoang bướm hay qua mở nắp sọ, tất cả các trường hợp đều được bác sĩ lập kế hoạch can thiệp phẫu thuật bằng cách sử dụng các hướng dẫn thông qua mô phỏng bằng hình ảnh với chụp cộng hưởng từ hay chụp cắt lớp vi tính sọ não.

Nói một cách khác, muốn hiệu quả cuộc phẫu thuật đạt được tối ưu, phẫu thuật viên cần tìm hiểu càng nhiều thông tin về khối u thì càng tốt. Điều quan trọng là phải biết khối u lớn như thế nào và liệu nó có lan rộng ra ngoài tuyến yên để lên kế hoạch cho phương pháp phẫu thuật nào tốt nhất cũng như cách thức lấy trọn khối u ra ngoài như thế nào.

Thậm chí, trong một số ít trường hợp, cả hai loại phẫu thuật được sử dụng cùng một lúc vì mục tiêu cố gắng loại bỏ hoàn toàn các khối u tuyến yên lớn đã lan vào các mô lân cận.

Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, khối u tuyến yên càng nhỏ thì sẽ càng dễ điều trị bằng phẫu thuật. Đối với khối u càng lớn và càng xâm lấn, khả năng được chữa khỏi chỉ bằng phẫu thuật đơn thuần sẽ trở nên hạn chế. Đồng thời, biến chứng phẫu thuật tuyến yên trong thời gian can thiệp lẫn hậu phẫu cũng có xu hướng cao hơn đối với các khối u lớn và xâm lấn.

4. Các biến chứng có thể gặp khi phẫu thuật u tuyến yên

Phẫu thuật trên tuyến yên là một can thiệp có tính xâm lấn cao và đòi hỏi các bác sĩ phẫu thuật rất cẩn thận để cố gắng hạn chế bất kỳ vấn đề nào bất lợi xảy ra trong hoặc sau khi phẫu thuật. Các biến chứng phẫu thuật tuyến yên trong hoặc sau phẫu thuật như chảy máu, nhiễm trùng hoặc phản ứng với thuốc mê rất hiếm nhưng chúng vẫn có thể xảy ra.

Hầu hết những người đã phẫu thuật nội soi cắt u tuyến yên sẽ dễ bị đau đầu xoang và sung huyết trong vùng mũi xoang tối đa một hoặc hai tuần sau phẫu thuật.

Nếu phẫu thuật gây tổn thương cho các động mạch lớn, nhu mô não gần đó hoặc dây thần kinh gần tuyến yên, những can thiệp này có thể dẫn đến tổn thương não, đột quỵ hoặc biến chứng thị lực. Tuy nhiên, tỷ lệ xảy ra các biến chứng phẫu thuật tuyến yên kiểu này là khá hiếm.

Khi các bác sĩ sử dụng phương pháp nội soi để tiếp cận tuyến yên thông qua xoang bướm, một đường hầm nhân tạo được tạo ra tạm thời giữa xoang mũi, đường thở và nhu mô não. Chính vì thế, cho đến khi vết thương lành, người bệnh phải đối diện với nguy cơ rất dễ bị viêm màng não, viêm não hay nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nói chung. Lúc này, biểu hiện của tổn thương màng não là rò rỉ dịch não tủy ra khỏi mũi. Nguy cơ của biến cố này là phụ thuộc vào kích thước và loại khối u tuyến yên đã được can thiệp.

Hiện tượng đái tháo nhạt cũng là một trong những biến chứng phẫu thuật tuyến yên. Tuy nhiên, biến chứng này chỉ xảy ra ngay sau khi phẫu thuật và nó thường khu trú trong vòng một vài tuần sau đó sẽ cải thiện.

Biến chứng gây tổn thương phần nhu mô còn lại của tuyến yên sau can thiệp lấy u có thể dẫn đến các triệu chứng khác do thiếu hormone tuyến yên. Điều này sẽ hiếm gặp phải sau khi phẫu thuật đối với các khối u kích thước nhỏ nhưng nó có thể là khó tránh khỏi khi điều trị các u tuyến yên lớn hơn. Lúc này, nếu nồng độ hormone tuyến yên sụt thấp sau phẫu thuật, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc có bản chất là hormone tuyến yên tổng hợp nhân tạo để thay thế một số hormone nội sinh.

hôn mê
Một trong những biến chứng nguy hiểm khi phẫu thuật u tuyến yên là đột quỵ, hôn mê

Như vậy, người bệnh sẽ luôn được theo dõi chặt chẽ và các xét nghiệm máu cũng sẽ được kiểm tra thường xuyên khi cơ thể có khả năng điều chỉnh mức hormone tuyến yên về bình thường. Nếu tình trạng đái tháo nhạt không cải thiện lại gần như ban đầu, người bệnh có thể cần được chỉ định điều trị bằng thuốc xịt mũi với desmopressin. Bên cạnh đó, nếu mức vitamin hay các khoáng chất thay đổi, bệnh nhân có thể cần bổ sung sản phẩm tổng hợp tạm thời trong một thời gian ngắn. Ví dụ, nồng độ kali máu thường giảm nên người bệnh có thể cần bổ sung kali qua dung dịch đẳng trương truyền tĩnh mạch ngay sau khi phẫu thuật.

Như vậy, các biến chứng xảy ra thường rất hiếm sau phẫu thuật u tuyến yên. Tuy nhiên, khi xảy ra, các biến chứng này thường có mức độ nghiêm trọng. Bệnh nhân cần tham vấn với bác sĩ phẫu thuật về những gì bệnh nhân nên theo dõi trong thời gian hậu phẫu, cần tái khám sớm khi xảy ra bất thường để can thiệp kịp thời cũng như kế hoạch bổ sung hormone tuyến yên ngoại sinh về sau.

Cận cảnh điều trị ung thư tiền liệt tuyến bằng phẫu thuật nội soi robot

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02836221166 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hồ Chí Minh.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan