Bục gốc ruột thừa sau mổ: Xử lý ra sao?

Bài viết do Bác sĩ chuyên khoa II Phan Phi Tuấn, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc thực hiện. Bác sĩ Phan Phi Tuấn có thế mạnh về chẩn đoán và điều trị các bệnh về ngoại tiêu hóa và các bệnh về tiết niệu; phẫu thuật nội soi sản phụ khoa như u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung...

Bục gốc ruột thừa là một trong các biến chứng sớm sau mổ nội soi ruột thừa. Tuy tỉ lệ mắc chỉ khoảng 0.5% nhưng bục gốc ruột thừa khá nguy hiểm và thường bị chẩn đoán nhầm thành nhiễm trùng. Vậy xử lý trường hợp này như thế nào?

1. Nguyên nhân bục gốc ruột thừa

95.5 % các trường hợp bục gốc ruột thừa sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa liên quan tới tình trạng của ruột thừa và manh tràng lúc mổ, tính phức tạp của phẫu thuật và tình trạng tắc nghẽn đoạn xa của ruột. Khoảng 0,26% ca xảy ra khi dùng kẹp titan (với điều kiện là gốc ruột thừa không quá to hay hoại tử).

Khâu hình túi và vùi gốc ruột thừa cũng được coi là nguyên nhân của biến chứng bục gốc ruột thừa, vì những lý do sau:

  • Tổn thương manh tràng trong khi khâu
  • Kim xuyên qua thành ruột gây xì rò
  • Khâu vào mạch máu gây tổn thương cục bộ
  • Tạo dính sau phẫu thuật gây tắc ruột và gây ra rò manh tràng

Tuy nhiên, chưa có thống kê nào so sánh tỷ lệ bục gốc ruột thừa sau mổ nội soi cắt ruột thừa có hay không có khâu túi, vùi gốc ruột thừa. Nhưng hầu hết trường hợp bục gốc ruột thừa, kỹ thuật khâu vùi gốc ruột thừa đã không thực hiện.

Một nghiên cứu cho thấy, khi gốc ruột thừa có dấu hiệu hoại tử, kẹp clip gốc ruột thừa có khả năng gây bục mỏm ruột thừa hơn các phương pháp khác. Một trường hợp bục mỏm ruột thừa do phần còn lại của gốc ruột thừa dài hơn 5mm cũng được báo cáo. Người ta cho rằng khi để gốc ruột thừa dài hơn 5mm sẽ dẫn đến thiếu máu cục bộ, viêm và áp xe gốc ruột thừa sau đó bục mỏm ruột thừa. Nguyên nhân thông thường là do không xác định chính xác gốc ruột thừa do một lý do nào đó.

2. Bục gốc ruột thừa xảy ra khi nào?

Thông thường tình trạng bục gốc ruột thừa xảy ra nhiều nhất vào ngày 3-4 sau mổ nhưng cũng có trường hợp ngày 21 sau mổ.

3. Chẩn đoán bục gốc ruột thừa

Với biểu hiện chảy mủ hay dịch từ vết thương, cho dù đã dẫn lưu và thay băng nhiều lần, trong giai đoạn đầu bục gốc ruột thừa, một số trường hợp có thể bị nhầm lẫn với nhiễm trùng vết mổ.

Bệnh nhân bị bục gốc ruột thừa có cảm giác mệt mỏi và phục hồi chậm sau mổ. Ngoài ra, bệnh nhân có thể là sốt, nôn ói, đau bụng, viêm phúc mạc và nhiễm trùng huyết. Để chẩn đoán chính xác, có thể cho bệnh nhân uống chất chỉ thị màu là xanh methylene, nếu dịch từ dẫn lưu có chất chỉ thị màu thì là rò tiêu hóa. Bác sĩ kết hợp với thăm khám lâm sàng và có thể chụp CT đại tràng có cản quang sẽ thấy thuốc cản quang từ manh tràng rò ra ngoài. Có trường hợp cần phải chụp đường rò.

4. Điều trị bục gốc ruột thừa như thế nào?

Nếu không tắc nghẽn đoạn xa và có đường hầm rò ra ngoài thành bụng, không có viêm phúc mạc nặng, bục gốc ruột thừa có thể điều trị nội khoa như một trường hợp rò tiêu hóa. Nếu điều trị nội khoa thất bại, bệnh nhân cần được phẫu thuật.

Quá trình điều trị bục gốc ruột thừa bao gồm:

  • Điều trị nội khoa: Thường trong 4 – 6 tuần với dinh dưỡng đầy đủ, ít chất tạo xơ.
  • Hút chân không
  • Nội soi qua lỗ rò bơm keo sinh học
  • Dùng kháng thể đơn dòng trong bệnh Crohn
  • Phẫu thuật sau 4-6 tuần hay có biến chứng trong thời gian điều trị nội khoa

Khi có chỉ định phẫu thuật, tùy theo tình trạng tổn thương, bác sĩ có thể lựa chọn một trong các phương pháp sau:

  • Nội soi khâu gốc ruột thừa
  • Mổ mở khâu gốc ruột thừa
  • Khâu gốc ruột thừa, đưa hồi tràng ra da.
  • Cắt đại tràng phải nối ngay
  • Cắt đại tràng phải làm hậu môn nhân tạo.

Ngoài ra, một số ít ca bệnh, tùy theo trường phái, bác sĩ cũng có thể áp dụng cách sau:

  • Đặt dẫn lưu vào manh tràng, khâu áp lổ ruột thừa lên thành bụng, dẫn lưu manh tràng ra da. Đến khi dẫn lưu khô thì rút dẫn lưu. Tuy nhiên phương pháp này khiến tình trạng rò tiêu hóa kéo dài
  • Tiến hành như trên và đưa hồi tràng ra da.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan