Bóp bóng Ambu là gì?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu.

Bóp bóng ambu là một dụng cụ hỗ trợ hô hấp tiện lợi và mang lại hiệu quả cao, đây là một phương tiện cấp cứu cơ bản, được trang bị ở tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế.

Nếu bóp bóng đúng cách, đưa được lượng khí cần thiết vào phổi thì người bệnh sẽ hồi phục tốt, hoặc ít ra cũng còn thời gian vận chuyển đến trung tâm hồi sức có máy thở để tiếp tục hồi sức. Ngược lại, nếu không nắm được kỹ thuật bóp bóng Ambu thì dù cấp cứu kịp thời nhưng không đưa khí vào phổi người bệnh mà để lọt ra ngoài (do hở mặt nạ) hoặc khí vào dạ dày quá nhiều thì tình trạng người bệnh sẽ xấu dần và tử vong. Vì vậy, sử dụng thành thạo bóng Ambu và bóp bóng đúng cách là yêu cầu cơ bản đối với mỗi người làm công tác y tế ở tất cả các tuyến. Bóng Ambu nên để gần người bệnh và phải được bảo quản tốt, sửa chữa kịp thời những hư hỏng để luôn luôn sẵn sàng cho việc sử dụng.

1. Bóp bóng Ambu là gì?

Bóp bóng ambu là một kỹ thuật bóp bóng qua mặt nạ, giúp tạo nhịp thở cho người bệnh, cung cấp oxy cho não và các cơ quan trong cơ thể.

Bóp bóng ambu thường được thực hiện phối hợp với các kỹ thuật hồi sinh tim phổi khác, được chỉ định trong các trường hợp:

  • Người bệnh ngừng hô hấp, tuần hoàn do điện giật, ngộ độc thuốc ngủ, ngộ độc thuốc phiện, ngạt nước,...
  • Trẻ sơ sinh bị ngạt do ngạt nước ối, đẻ khó,...
  • Suy hô hấp cấp nguy kịch, liệt hô hấp do các nguyên nhân khác nhau
  • Các trường hợp suy hô hấp nặng không đáp ứng với thở máy không xâm nhập, cần đặt nội khí quản

Ngưng hô hấp, tuần hoàn là những tình trạng hết sức nặng nề, nếu cấp cứu chậm trễ người bệnh sẽ bị tổn thương não không hồi phục và dẫn đến tử vong.

Gây mê nội khí quản
Bóp bóng ambu được chỉ định khi bệnh nhân suy hô hấp nặng

2. Ưu điểm của bóp bóng ambu

Ưu điểm của bóp bóng ambu là thiết bị rất đơn giản, gọn nhẹ, có thể để trong các vali cấp cứu ngoại viện dùng để cấp cứu người bệnh tại chỗ.

Nếu kỹ thuật bóp bóng ambu được thực hiện đúng, cung cấp đủ lượng khí cần thiết vào phổi sẽ giúp người bệnh phục hồi tốt, hoặc sẽ có đủ thời gian để vận chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế có máy thở để tiếp tục hồi sức.

Một bộ ambu bóp bóng gồm có các thành phần:

  • Bóng ambu: 1 chiếc
  • Mặt nạ có kích thước phù hợp với mặt người bệnh
  • Dây dẫn oxy từ hệ thống oxy tới bóng ambu
bóp bóng ambu
Bộ bóp bóng ambu gồm có 3 thành phần

3. Kỹ thuật bóp bóng ambu

Bóp bóng ambu được thực hiện ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp nặng, thở ngáp, ngừng thở. Điều dưỡng nhanh chóng tiến hành kiểm tra tình trạng bóng và mặt nạ, nối bóng ambu và mặt nạ, nối dây dẫn oxy từ hệ thống oxy tới bóng ambu, điều chỉnh oxy 8-10 lít.

Người bệnh được đặt ở tư thế nằm ngửa, cổ ngửa tối đa để giúp đường thở thẳng, có thể kê gối mỏng dưới vai để giúp cổ ngửa.

Cách bóp bóng ambu được thực hiện như sau:

  • Móc họng người bệnh lấy dị vật nếu có, lau sạch miệng và mũi người bệnh.
  • Áp sát mặt nạ vào miệng và mũi người bệnh. Mặt nạ có hình tam giác, đỉnh mặt nạ úp vào mũi và đáy sẽ úp vào miệng.
  • Bàn tay trái của người cấp cứu: 2 ngón tay 1,2 đè chặt mặt nạ từ phía đỉnh hướng xuống đáy với lực vừa phải, đủ kín để không khí không thoát ra hai bên má. 3 ngón tay 3,4,5 móc vào góc hàm người bệnh, giúp cố định mặt nạ và giúp đẩy hàm dưới ra phía trước. Sự phối hợp nhịp nhàng 5 ngón tay trái của người cấp cứu giúp giữ chặt mặt nạ đúng vị trí để khi bóp không bị di lệch, vừa giúp giữ đường thở người bệnh thông thoáng.
  • Tay phải người cấp cứu thực hiện bóp bóng 12-14 lần/phút với người lớn và 25-30 lần/phút với trẻ em. Bóp bóng đều đặn, khi bóp quan sát đáp ứng của người bệnh qua lâm sàng, SpO2 qua máy theo dõi. Phối hợp bóng bóng ambu với ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng tuần hoàn.
  • Bóp bóng đến khi người bệnh tỉnh lại hoặc thở lại, đồng tử co. Bóp bóng ambu kết thúc, điều dưỡng tháo mặt nạ ra khỏi mặt người bệnh.
kỹ thuật bóp bóng ambu
Kỹ thuật bóp bóng ambu

Các tai biến thường gặp khi bóp bóng ambu là tràn khí màng phổi và chướng bụng do hơi vào dạ dày. Bác sĩ sẽ thăm khám, tùy theo mức độ tràn khí sẽ có phương pháp xử lý thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan