Bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì?

Có nhiều tác nhân gây viêm kết mạc, khiến kết mạc bị ngứa, đỏ, chảy nước mắt, ảnh hưởng xấu tới thị lực,... Vậy viêm kết mạc nhỏ thuốc gì để nhanh khỏi và không gây tổn thương thị lực?

1. Sơ lược về bệnh viêm kết mạc

Kết mạc là 1 lớp màng mỏng, trong và bóng, che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu cũng như mặt trong của mí mắt. Nhiệm vụ của kết mạc là bảo vệ, bôi trơn nhãn cầu mắt, để mắt hoạt động tốt hơn. Khi kết mạc bị viêm do nhiều tác nhân gây ra thì gọi là viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Viêm kết mạc thường do các nguyên nhân như virus, vi khuẩn hoặc dị ứng (bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo,...). Triệu chứng của viêm kết mạc mắt thường là: Kết mạc mắt đỏ, ngứa mắt, đau mắt, chảy nước mắt, hay bị chói mắt, giảm thị lực, phù mi mắt, mắt tiết dịch màu vàng xanh,...

Viêm kết mạc mắt là bệnh thường gặp, điều trị không quá khó khăn nhưng dễ tái phát và lan rộng. Người bệnh nên tự có biện pháp bảo vệ, cách ly để tránh lây bệnh sang những người xung quanh. Việc dùng thuốc là cần thiết để làm giảm triệu chứng, đẩy lùi các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, cần dùng thuốc viêm kết mạc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh biến chứng gây hại cho mắt.

2. Viêm kết mạc nhỏ thuốc gì tốt nhất?

Để điều trị bệnh viêm kết mạc, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc tiêm hoặc thuốc uống. Thuốc nhỏ mắt là dung dịch vô trùng, có tác dụng điều trị các bệnh lý về mắt. Tùy nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc nhỏ mắt phù hợp.

Sau đây là các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm kết mạc mắt:

  • Thuốc kháng sinh: Có hiệu quả trong trường hợp người bệnh bị viêm kết mạc do vi khuẩn. Các loại kháng sinh phổ rộng thường được sử dụng là: Ofloxacin, neomycin, tobramycin, polymyxin B, sulfacetamid,... Các thuốc kháng sinh nhỏ mắt đều có hiệu quả khá nhanh nhưng không nên sử dụng trong thời gian quá 1 tuần;
  • Thuốc kháng viêm: Là đáp án cho câu hỏi viêm kết mạc nhỏ thuốc gì? Thuốc kháng viêm được chỉ định sử dụng trong những trường hợp viêm kết mạc mắt gây triệu chứng sưng, đỏ mắt do viêm. Các thuốc kháng viêm hiệu quả thường là: Corticosteroid (prednisolon, dexamethasone, fluoromethane) hoặc kháng viêm NSAID (indomethacin, diclofenac),... Các bác sĩ không khuyến khích sử dụng kéo dài thuốc kháng viêm dạng viên do dễ gây các tác dụng phụ như cao huyết áp hoặc viêm loét dạ dày - tá tràng. Thuốc nhỏ mắt có chứa corticosteroid cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,...;
  • Thuốc kháng histamin H1: Được chỉ định cho trường hợp viêm kết mạc dị ứng. Thành phần của thuốc thường có chứa các dược chất như clorpheniramin, antazoline, diphenhydramin,... Người bệnh viêm kết mạc nhưng bị tăng nhãn áp hoặc viêm tuyến tiền liệt không nên dùng thuốc này;
  • Thuốc nhỏ mắt kết hợp: Được chỉ định sử dụng trong điều trị viêm kết mạc nhờ thành phần kết hợp nhiều nhóm thuốc như kháng sinh, kháng viêm, corticosteroid,...;
  • Thuốc nhỏ mắt kháng kích ứng: Với nguyên nhân gây viêm kết mạc là do kích ứng thì thuốc nhỏ mắt nhân tạo có chứa các chất bôi trơn sẽ có hiệu quả tốt. Thành phần của các thuốc nhỏ mắt dạng này thường bao gồm Polyvidone, Glycerin, Polyvinyl alcohol,... giúp ngăn ngừa khô mắt hoặc tetrahydrozoline, naphazoline với tác dụng chống sung huyết mắt.

Các thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Châm chích, rát mắt, phát ban, ngứa mắt, mờ mắt tạm thời, đau và đỏ mắt, sưng mắt, gặp các vấn đề về thị lực, buồn ngủ, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, ói mửa, mệt mỏi, bồn chồn, lú lẫn, khó đi tiểu,... Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc.

3. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân bị viêm kết mạc mắt

Ngoài câu hỏi bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì, việc chăm sóc bệnh nhân như thế nào cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Một số lưu ý bệnh nhân và người nhà cần ghi nhớ là:

  • Khi bị viêm kết mạc, người bệnh nên vệ sinh mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Bệnh nhân có thể mua nước muối sinh lý cho mắt ở các hiệu thuốc, nên sử dụng nhiều lần để làm sạch mắt và giảm kích ứng mắt;
  • Chườm mát, chườm ấm lên mắt hoặc sử dụng nước mắt nhân tạo khi bị viêm kết mạc có thể làm giảm triệu chứng, mang lại cảm giác dễ chịu cho bệnh nhân;
  • Không nên đeo kính áp tròng cho tới khi hết nhiễm trùng. Sau khi đeo kính áp tròng lại, hãy khử trùng và vệ sinh kính thật kỹ lưỡng;
  • Rửa tay sạch sẽ, thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng, đặc biệt là trước khi chạm tay vào mắt để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm;
  • Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, khăn giấy, khăn tắm, kính mắt, thuốc nhỏ mắt, vỏ gối, đồ trang điểm mắt,... chung với người khác;
  • Không dụi tay bẩn lên mắt hoặc mang kính bảo vệ mắt, nhất là khi ra ngoài hay các công việc có thể gây hại tới mắt;
  • Tránh chạm đầu lọ thuốc nhỏ mắt vào mắt hoặc mi mắt khi nhỏ thuốc để tránh vi khuẩn xâm nhập vào gây bẩn lọ thuốc;
  • Loại bỏ các tác nhân dị ứng gây viêm kết mạc mắt như bụi bẩn, lông chó mèo, phấn hoa,...;
  • Sử dụng nước rửa mặt đảm bảo vệ sinh.

Trên đây là thông tin giải đáp cho câu hỏi viêm kết mạc nhỏ thuốc gì của bệnh nhân để có lựa chọn phù hợp trong việc điều trị bệnh. Tuy vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị mà cần sử dụng thuốc dưới sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan