Bị thiếu máu não uống thuốc gì?

Thiếu máu não là một tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân gây ra với mức độ khác nhau. Tùy từng trường hợp mà sử dụng các loại thuốc khác nhau.

1. Tổng quan về bệnh thiếu máu não

Thiếu máu não là tình trạng lưu lượng máu đến não giảm, khiến cho vùng não này không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, từ đó gây ra các triệu chứng như hoa mặt, chóng mặt, ù tai, đau đầu, lo âu, cáu gắt, khó ngủ, ngủ không ngon giấc...

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra thiếu máu não, trong đó phổ biến như:

  • Các bệnh lý nền khiển cho mạch máu cung cấp máu cho não bị thu hẹp như: Mỡ máu cao, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tiểu đường hay các bệnh về tim mạch...
  • Căng thẳng kéo dài.
  • Chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết.
  • Bị thiếu ngủ, mất ngủ: Đây vừa là triệu chứng và cũng là nguyên nhân gây bệnh. Càng thiếu ngủ thì các dấu hiệu càng biểu hiện rõ hơn và cũng tăng nguy cơ gây ra trầm cảm.
  • Bệnh lý cột sống cổ: Bệnh lý ở cột sống cổ có thể khiến cho mạch máu nuôi dưỡng não bị chèn ép, khiến máu không lên não đủ gây ra thiếu máu não.
  • Thừa cân béo phì.
  • Do lối sống lười vận động.

Thiếu máu não có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh như mệt mỏi, làm việc không tập trung, giảm trí nhớ hay cáu gắt. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu não có thể tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ trong tương lai nên cần được quan tâm.

2. Bị thiếu máu não uống thuốc gì?

Mắc bệnh thiếu máu não uống thuốc gì là điều mà rất nhiều người quan tâm. Dưới đây là một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tình trạng thiếu máu não:

2.1. Điều trị triệu chứng

Nhóm thuốc giúp tăng cường dinh dưỡng cho não như:

  • Cinnarizin: Thuốc này với tác dụng chẹn canxi chọn lọc, làm giảm hoạt tính của các chất gây co mạch góp phần làm giúp tăng lưu thông máu lên não.
  • Piracetam: Đây là loại thuốc giúp tăng cường chuyển hóa oxy và glucose trên não, giúp não hoạt động hiệu quả trong môi trường thiếu oxy. Phục hồi tổn thương, duy trì khả năng tổng hợp năng lượng ở não. Cải thiện các tình trạng suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung, hoa mắt, chóng mặt...
  • Ginkgo biloba: Có tác dụng điều hòa chuyển hóa ở não, hỗ trợ điều trị các triệu chứng như đau đầu, sa sút trí tuệ, trầm cảm, chán nản, lo âu...
  • Cerebrolysin: Giúp điều hòa chức năng của tế bào thần kinh, tăng cường máu lên não.

Nhóm thuốc hỗ trợ điều trị thiếu máu não:

  • Cung cấp đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B,C và sắt.

2.2. Điều trị nguyên nhân

Tùy thuộc từng nguyên nhân cụ thể mà có biện pháp điều trị khác nhau. Điều này, cần được thăm khám mới có thể xác định được nguyên nhân. Một số loại thuốc điều trị nguyên nhân như:

  • Thiếu máu não do nguyên nhân bệnh lý mạn tính: Cần kiểm soát tốt huyết áp, mức đường huyết, lượng mỡ trong máu. Ngoài ra, một số người có bệnh lý nền tim mạch hay nguy cơ hình thành huyết khối cần sử dụng thuốc chống đông máu, chống ngưng kết tiểu cầu...
  • Do bệnh lý tại cột sống: Bệnh lý tại cột sống có thể khó đảo ngược được. Một số loại thuốc có thể dùng như chống thoái hóa khớp, liệu pháp châm cứu, bấm huyệt giúp cải thiện triệu chứng và tăng cường lưu thông máu lên não.
  • Thiếu ngủ: Nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, thực hiện các biện pháp chăm sóc giấc ngủ, dùng các loại trà an thần. Nếu không cải thiện cần thăm khám và dùng các loại thuốc để cải thiện giấc ngủ.

Nói chung để biết việc thiếu máu não uống thuốc gì tốt nhất thì bạn cần xác định chính xác mình đang bị thiếu máu não hay không. Cần loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng tương tự để không dùng thuốc sai.

3. Các biện pháp phòng thiếu máu não

Điều trị thiếu máu não quan trọng nhưng việc phòng ngừa cũng rất quan trọng. Dưới đây là các biện pháp để bạn phòng và hỗ trợ điều trị thiếu máu não:

  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Một chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có tình trạng thiếu máu não. Nên tăng cường ăn nhiều rau xanh, hoa quả, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nguồn dưỡng chất có chứa omega 3, sắt, các loại vitamin như B,C và khoáng chất. Hạn chế ăn ăn các loại thức ăn như nội tạng động vật, các loại mỡ động vật, đồ ăn nhiều giàu mỡ. Không nên uống nước ngọt có gas, đồ uống có chứa chất kích thích như rượu bia.
  • Nếu có bệnh nền như tim mạch, huyết áp, tiểu đường: Cần uống thuốc theo đúng chỉ định để kiểm soát tốt huyết áp, chỉ số đường huyết...
  • Nên uống nhiều nước: Nước đặc biệt quan trọng đối với cơ thể. Bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày đảm bảo từ 1,5 đến 2 lít nước. Có thể uống nước lọc, nước hoa quả, trà thảo dược...
  • Xây dựng kế hoạch làm việc khoa học: Tránh làm việc quá căng thẳng, stress, thức khuya, đảm bảo thời gian ngủ đủ mỗi ngày. Tránh làm việc quá dài với điện thoại hay máy tính.
  • Tập các bài tập giúp cột sống cổ khỏe mạnh hơn, nên tập nhẹ nhàng, chậm. Tránh tập quá nhanh, xoay cổ nhanh hay vặn cổ quá mức gây tổn thương cổ.
  • Tự xoa bóp vùng cổ vai: Bạn có thể nằm thư giãn, dùng tay nhẹ nhàng xoa bóp cổ vai và vùng đầu một cách nhẹ nhàng trong 15 phút. Điều này giúp tăng lưu thông máu tới não và giúp bạn ngủ ngon hơn.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, nên chọn từ những bài tập nên vừa sức, rồi tăng dần để cơ thể thích nghi, tránh tập quá sức tạo áp lực cho cơ thể.
  • Người bị thiếu máu não cần tránh sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột, không nên tắm nước quá lạnh, khi ngủ nên tránh gió lùa. Mùa lạnh khi thức dậy vào buổi sáng cần nằm tĩnh dưỡng trên giường một lúc mới từ từ ngồi dậy, tránh ngồi dậy đột ngột gây thiếu máu não nghiêm trọng.
  • Thăm khám định kỳ: Việc dùng thuốc của bạn cần theo chỉ định, nên bạn cần thăm khám để đánh giá đáp ứng của thuốc. Tránh việc dùng các thuốc điều trị triệu chứng thiếu máu não liên tục, có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi cho bạn.

Bất kỳ loại thuốc nào đưa vào cơ thể đều có thể mang đến một số rủi ro nhất định ở một số người. Do đó mà bạn không nên tự ý dùng các thuốc điều trị thiếu máu não liên tục. Bạn cần được thăm khám và chẩn đoán chính xác mới dùng thuốc theo chỉ định. Nên áp dụng các biện pháp để giúp cải thiện thiếu máu não đều đặn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan