Bị ngủ ngáy chữa thế nào cho hết?

Thỉnh thoảng mọi người thường ngủ ngáy và đó không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, ngủ ngáy vào ban đêm, có thể làm gián đoạn chất lượng giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi vào ban ngày và tăng các vấn đề về sức khỏe. Có nhiều giải pháp hiệu quả có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, cho một giấc ngủ yên tĩnh hơn, sâu hơn. Vậy chữa ngủ ngáy như thế nào cho hết?

1. Ngủ ngáy là gì?

1.1. Định nghĩa ngáy ngủ

Ngủ ngáy xảy ra khi không khí được hít vào trong lúc ngủ tác động khiến các mô liên kết trong cổ họng rung lên và gây ra những âm thanh khó chịu. Ngáy ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ của chính bản thân người ngáy cũng như những người ngủ cùng. Ngay cả khi những âm thanh này không gây ra phiền phức quá lớn thì ngáy khi ngủ thì chúng cũng có thể là dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe mà người đó mắc phải, bao gồm:

  • Ngừng thở do tắc nghẽn đường hô hấp khi ngủ
  • Mắc bệnh béo phì
  • Mắc các bệnh liên quan đến miệng, mũi hoặc cổ họng
  • Mất ngủ kéo dài
  • Trong một số trường hợp ngáy khi ngủ có thể được gây ra do gặp phải những gián đoạn trong lúc ngủ hoặc do uống quá nhiều rượu gần lúc đi ngủ

Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên toàn thế giới đã cho thấy có khoảng gần một nửa số người tham gia vào các nghiên cứu này có thói quen ngáy khi ngủ.

1.2. Triệu chứng

Ngáy ngủ thường liên quan đến một loại rối loạn giấc ngủ được gọi là ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Không phải tất cả những người ngủ ngáy đều mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ này nhưng nếu ngáy ngủ kèm theo một số triệu chứng sau đây đó có thể là dấu hiệu cảnh báo về OSA:

  • Xuất hiện nguy cơ ngừng thở khi ngủ
  • Luôn có cảm giác buồn ngủ, thường xuyên ngủ ngày
  • Khó khăn trong tập trung
  • Suy giảm trí nhớ hoặc sa sút trí tuệ
  • Đau đầu và đau họng vào buổi sáng sau khi thức dậy
  • Giấc ngủ chập chờn
  • Thở hổn hển hoặc khó thở vào ban đêm
  • Tăng huyết áp
  • Đau ngực vào ban đêm
Ngủ ngáy kèm đau thắt ngực vào ban đêm là triệu chứng của OSA
Ngủ ngáy kèm đau thắt ngực vào ban đêm là triệu chứng của OSA

Thông thường tiếng ngáy của người mắc hội chứng OSA rất to, có thể làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Ngoài ra ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường được đặc trưng bởi khoảng im lặng của những cơn ngừng thở. Sự giảm hoặc tạm dừng nhịp thở này đánh thức người bệnh khiến họ tỉnh dậy trong trạng thái thở hổn hển hoặc liên tục khịt mũi.

1.3. Nguyên nhân và một số yếu tố nguy cơ của ngáy ngủ

Ngáy ngủ có thể được gây ra bởi một số nguyên nhân liên quan đến giải phẫu khoang miệng, xoang, cảm lạnh, bệnh béo phì và rượu. Khi cơ thể rơi vào trạng thái ngủ sâu, các cơ trên vòm miệng, lưỡi và cổ họng ở trạng thái thư giãn.

Các mô trong cổ họng có thể thư giãn đến mức chặn một phần đường thở và tạo nên các âm thanh như tiếng rít hoặc tiếng khò khè. Đường thở càng bị thu hẹp thì luồng khí càng mạnh. Điều này làm tăng rung động, khiến tiếng ngáy càng trở lên to hơn. Nguyên nhân cụ thể của chứng ngủ ngáy bao gồm:

  • Giải phẫu miệng: Những người có vòm miệng thấp, dày và mềm dễ thu hẹp đường thở lúc ngủ hơn những người có vòm miệng cao. Bên cạnh đó, những người thừa cân có thể có thêm các mô mỡ phía sau cổ họng làm hẹp đường thở
  • Uống nhiều rượu trước khi đi ngủ: Uống quá nhiều rượu trước khi đi ngủ cũng là nguyên nhân của ngủ ngáy. Rượu có khả năng làm giãn cơ vòm họng và giảm khả năng chống lại sự tắc nghẽn đường thở tự nhiên của cơ thể
  • Vấn đề về mũi: Nghẹt mũi mạn tính hoặc vách ngăn mũi bị lệch cũng có thể góp phần tạo lên chứng ngáy ngủ
  • Tình trạng thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến tình trạng cổ họng thư giãn quá mức qua đó gây lên hội chứng ngáy ngủ
  • Tư thế ngủ: Ngáy nhiều và to nhất là khi cơ thể trong trạng thái nằm ngửa do tác động của trọng lực lên cổ họng làm hẹp đường thở

Một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ ngáy ngủ bao gồm:

  • Giới tính: Đàn ông được chứng minh dễ ngáy ngủ hơn so với phụ nữ
  • Thừa cân béo phì: Những người thừa cân béo phì có nhiều khả năng mắc hội chứng ngáy ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn hơn những người bình thường khác
  • Đường thở hẹp: Một số người có thể có vòm miệng dài hoặc amidan lớn làm hẹp đường thở gây ra ngáy
Béo phì
Béo phì là nguyên nhân dẫn đến ngáy khi ngủ

2. Cách khắc phục ngủ ngáy

Đa số trường hợp ngáy ngủ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, tuy nhiên lại khiến người khác khó chịu cũng như chính bản thân người ngáy cảm thấy thiếu tự tin trong sinh hoạt tập thể. Chứng ngáy ngủ hoàn toàn có thể được kiểm soát tốt bằng một số biện pháp như:

  • Giảm cân: Một trong những nguyên nhân gây nên hội chứng ngáy ngủ là thừa cân béo phì. Giảm cân giúp giảm lượng mỡ trong phần cổ họng qua đó giảm tình trạng bít tắc đường hô hấp khi ngủ. Một trong những cách giảm cân tại nhà hiệu quả nhất là thực hiện một chế độ ăn lành mạnh và thường xuyên tập thể dục.
  • Thay đổi tư thế nằm khi ngủ: Nằm ngửa khi ngủ khiến trọng lực tác động lên cổ họng gây ra bít tắc đường thở do đó ngủ nghiêng có thể là biện pháp tốt giúp tăng lưu thông khí trong khi ngủ, hạn chế hội chứng ngủ ngáy.
  • Gối đầu cao hơn: Gối đầu cao hơn khoảng 5-10 cm giúp giữ đường thở luôn thông suốt, hạn chế tình trạng ngáy ngủ.
  • Sử dụng kẹp mũi chống ngáy: Kẹp mũi chống ngáy có cấu tạo phù hợp với việc làm tăng không gian trong mũi khiến hơi thở lưu thông dễ dàng, giảm sức cản của luồng không khí đi vào và đi ra
  • Điều trị tình trạng dị ứng mũi mãn tính: Dị ứng hay những viêm nhiễm mạn tính đường hô hấp khiến người bệnh đôi khi phải thở bằng miệng khi ngủ, điều này làm tăng nguy cơ ngáy ngủ do đó khi điều trị dứt điểm những tình trạng này người bệnh có thể dừng ngáy ngủ.
  • Hạn chế uống rượu trước khi ngủ: Rượu làm giãn các cơ cổ họng dẫn đến ngáy do đó không sử dụng rượu trong ít nhất 2 tiếng trước khi đi ngủ.
  • Tránh sử dụng thuốc an thần: Trong trường hợp bắt buộc sử dụng thuốc an thần trước khi đi ngủ, cần trao đổi với bác sĩ loại thuốc phù hợp nhằm tránh mắc phải hội chứng ngủ ngáy.
  • Ngừng hút thuốc: Hút thuốc là thói quen không lành mạnh, ảnh hưởng xấu tới nhiều hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả việc làm tăng nguy cơ ngáy khi ngủ.
  • Ngủ đủ giấc: Cố gắng duy trì thời gian ngủ mỗi ngày từ 7 đến 8 giờ
  • Sử dụng mặt nạ khí áp: Trong trường hợp người bệnh mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng cách đeo mặt nạ khí áp giữ cho đường thở luôn thông suốt, tránh tình trạng ngáy hoặc ngừng thở.
Giảm cân giúp làm giảm đáng kể tình trạng ngủ ngáy
Giảm cân giúp làm giảm đáng kể tình trạng ngủ ngáy

  • Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể được tiêm sợi polyester làm cứng vòm miệng qua đó hạn chế ngáy ngủ.
  • Ngoài ra hiện này nhiều phương pháp mới cũng đang được áp dụng để giảm tình trạng ngáy ngủ như phẫu thuật thắt chặt mô cổ họng hoặc sử dụng sóng vô tuyến cường độ thấp để thu nhỏ môi trên vòm miệng.... Tuy nhiên các phương pháp này được thực hiện tương đối phức tạp, do đó với những người ngáy ngủ nhưng chưa đến mức mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, các phương pháp trên thường không được chỉ định.

Ngủ ngáy là hội chứng phổ biến đối với tất cả mọi người. Ngáy có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bản thân cũng như những người xung quanh. Tuy nhiên bên cạnh việc gây phiền nhiễu, ngáy cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như béo phì hay viêm nhiễm đường hô hấp. Có rất nhiều cách giúp bạn khắc phục tình trạng ngáy ngủ đơn giản như thay đổi tư thế nằm, hạn chế uống rượu bia trước khi ngủ và bỏ thuốc lá.... Với những người mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, việc điều trị thường khó khăn hơn và cần tuân thủ theo chỉ dẫn của các bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, mayoclinic.org, webmd.com, nhs.uk

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan