Bị ê buốt răng uống thuốc gì?

Ê buốt răng khiến bạn cảm thấy khó chịu, đau nhức khi răng tiếp xúc với các kích thích nóng, lạnh, chua, ngọt hoặc đánh răng. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Vậy cách chữa tê buốt răng như thế nào?

1. Ê buốt răng là gì và nguyên nhân gây nên tình trạng ê buốt răng?

Ê buốt răng hay còn gọi là răng nhạy cảm, đây là bệnh răng miệng khá phổ biến hiện nay. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng ê buốt răng, cụ thể như sau:

  • Chải răng không đúng cách, chải răng quá mạnh, thời gian quá lâu làm mài mòn răng, dùng kem đánh răng có độ mài mòn cao.
  • Tụt lợi do tuổi tác và do các bệnh nha chu khác
  • Sử dụng các thực phẩm có tính axit cao là nguyên nhân gây mòn men răng và lộ ngà răng.
  • Do răng bị mẻ hoặc gãy làm lộ ngà răng.
  • Tẩy trắng răng, lấy cao răng, đeo niềng, trám răng cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng ê buốt răng tạm thời trong quá trình điều trị.

2. Răng ê buốt phải làm sao và ê buốt răng uống thuốc gì?

Cho đến hiện nay theo các bác sĩ nha khoa, không có thuốc đặc trị chữa ê buốt răng theo đường uống. Vì vậy khi bị tình trạng ê buốt răng, nha sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc giúp giảm đau buốt cho bạn, như sau:

2.1. Gel fluor

Sử dụng gel fluor để chống ê buốt là sản phẩm thuốc bôi trực tiếp lên những vùng răng bị ê buốt, có tác dụng giúp làm giảm ê buốt răng tạm thời. Bạn cần sử dụng đúng liều lượng và chỉ định của nha sĩ, sử dụng các sản phẩm có chất lượng tốt, nhãn mác rõ ràng để tránh nguy hiểm đến sức khỏe. Một số loại thuốc bôi chống ê buốt răng được sử dụng phổ biến hiện nay như: Sensikin gel, GC Tooth mousse, Enamel Pro Varnish, Emoform gel, ...

2.2. Thuốc giảm đau

Trong những trường hợp ê buốt răng nghiêm trọng nha sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng một số loại thuốc giúp làm giảm tình trạng tê buốt răng như:

  • Thuốc giảm đau paracetamol: Là thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến hiện nay, paracetamol giúp làm dịu các cơn ê buốt răng một cách nhanh chóng
  • Nhóm thuốc kháng sinh và aspirin: có tác dụng giảm đau nhức nhanh chóng hơn paracetamol, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra các bệnh về răng miệng.

2.3. Tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất

Một trong những lý do gây nên tình trạng răng nhạy cảm, dễ bị tê buốt cũng như dễ chảy máu chân răng hơn đó là do sự thiếu hụt các loại vitamin và khoáng chất. Do đó, bạn nên tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất như:

  • Canxi: Đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ men răng, hỗ trợ tái tạo và hàn gắn men răng giúp cho răng của bạn chắc khỏe hơn. Vì vậy, cần bổ sung đầy đủ canxi cho cơ thể để ngăn ngừa tình trạng men răng bị mài mòn dẫn đến tình trạng ê buốt răng.
  • Vitamin C: thiếu vitamin C là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm lợi và chảy máu chân răng. Bên cạnh đó vitamin C cũng có tác dụng trong việc giúp tạo nên các collagen cần thiết cho quá trình tái tạo răng, giúp giữ cho răng chắc khỏe. Các thực phẩm có chứa nhiều vitamin C như: cam, quýt, bưởi, ổi, ...
  • Vitamin A: Không chỉ tốt cho mắt, vitamin A còn là yếu tố quan trọng trong việc hình thành các mô liên kết giúp nướu răng khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng tụt lợi dẫn đến ê buốt răng. Đây cũng là chất giúp duy trì lượng nước bọt trong khoang miệng ở trong tình trạng ổn định giúp ngăn ngừa hôi miệng.
  • Vitamin D: Canxi và vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc giúp răng chắc khỏe. Vitamin D giúp cho cơ thể tăng hấp thu canxi, giúp bảo vệ nướu và ngăn ngừa tình trạng viêm lợi.
  • Vitamin B: Có nhiều loại vitamin B như: vitamin B1, vitamin B6, vitamin B12, .... Vitamin B có tác dụng bảo vệ răng miệng toàn diện, giảm viêm lưỡi, hỗ trợ bảo vệ răng nướu, giúp răng chắc khỏe và ngăn không cho những vết loét ở trong khoang miệng lây lan ra.
  • Điều trị phục hình răng, tái tạo lại những chỗ bị mất men răng.

3. Giải pháp để ngăn ngừa tình trạng ê buốt răng

Để ngăn ngừa tình trạng ê buốt răng bạn có thể áp dụng các giải pháp sau đây:

  • Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm thay vì dùng bàn chải lông cứng. Nhiều người thường có xu hướng lựa chọn bàn chải đánh răng lông cứng vì nghĩ rằng việc sử dụng bàn chải đánh răng lông cứng sẽ làm sạch răng tốt hơn. Tuy nhiên, việc đánh răng bằng bàn chải lông cứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ mài mòn răng và tụt nướu.
  • Không chải răng ngay sau khi ăn xong. Bạn hãy chờ ít nhất 30 phút sau khi ăn hoặc uống để đánh răng vì ngay sau khi ăn xong độ PH trong khoang miệng sẽ giảm xuống, đặc biệt nếu bạn đã ăn hoặc uống những thức ăn có chứa nhiều acid trước đó như nước chanh hoặc soda, việc đánh răng lúc này sẽ khiến cho răng của bạn dễ bị bào mòn hơn. Trong khi chờ đợi hãy uống nước hoặc nhai kẹo cao su không đường để làm thơm hơi thở.
  • Sử dụng kỹ thuật đúng, thích hợp để chải răng. Bạn muốn biết liệu mình có chải răng quá mạnh không. hãy kiểm tra bàn chải đánh răng của bạn. Nếu lông bàn chải bị bẹp và sờn trong vài tuần rất có thể bạn đang sử dụng quá nhiều áp lực. Giải pháp ở đây là bạn nên điều chỉnh lực chải mỗi lần đánh răng và đánh răng theo đúng kỹ thuật chuyển động tròn, làm sạch răng ở mọi ngóc ngách.
  • Thay bàn chải đánh răng theo định kỳ ít nhất 3 tháng/lần hoặc khi lông bàn chải có dấu hiệu xơ, mòn, bị toe ra hai bên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan