Bệnh tiểu đường và dứa: Nên và không nên làm gì?

Dứa là loại trái cây thơm ngon và bổ dưỡng, tuy nhiên dứa lại có hàm lượng đường khá cao, do đó ăn dứa khi bị tiểu đường phải tuân theo một số lưu ý nhằm đảm bảo lượng đường huyết không tăng cao đột ngột sau khi ăn.

1.Người bệnh tiểu đường ăn dứa được không?

Ở người bệnh tiểu đường, việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là vô cùng quan trọng, giúp người bệnh sống khỏe mạnh và ngăn ngừa các biến chứng. Để kiểm soát tốt đường huyết, các bác sĩ khuyên người bệnh tiểu đường:

  • Có một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng
  • Kiểm soát các thực phẩm ăn vào, đặc biệt là lượng carbohydrate trong thực phẩm
  • Có chế độ luyện tập thể lực phù hợp và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Người bệnh tiểu đường ăn dứa được không? Dứa là một loại trái cây thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Dứa chứa nhiều vitamin A, vitamin C, chất xơ, chất chống oxy hóa và các khoáng chất như canxi, magie, photpho, kali... rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, do chứa carbohydrate và cả đường tự nhiên nên người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn dứa quá nhiều. Số lượng dứa ăn vào phải phù hợp, cân đối với phần còn lại của chế độ ăn và liệu trình điều trị.

Carbohydrate
Dứa có chứa carbohydrate và cả đường tự nhiên vì vậy người mắc bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều dứa

Có 3 phương pháp có thể giúp cân bằng chế độ ăn uống ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 là:

  • Phương pháp tính lượng carbohydrate
  • Phương pháp đĩa thức ăn (the plate method)
  • Phương pháp dựa vào chỉ số đường huyết (GI)

2.Ăn dứa khi bị tiểu đường như thế nào là phù hợp?

Hãy cùng tìm hiểu cách ăn dứa khi bị tiểu đường cho an toàn theo từng phương pháp:

2.1. Phương pháp tính lượng carbohydrate

Để cụ thể việc điều trị đái tháo đường, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể của người bệnh, đề ra mức đường huyết mục tiêu và lượng carbohydrate người bệnh sử dụng mỗi ngày để đạt được mức đường huyết mục tiêu đó.

Lượng carbohydrate trung bình thường được bác sĩ lựa chọn cho người bệnh tiểu đường là 45-60 gam carbohydrate cho mỗi bữa ăn chính và 15-20g carbohydrate cho mỗi bữa ăn nhẹ. Tuy nhiên con số này có thể dao động tùy thuộc mức đường huyết mục tiêu. Người bị tiểu đường ăn được hoa quả gì? Người bệnh tiểu đường có thể ăn các loại thực phẩm mình thích nhưng phải đảm bảo tổng lượng carbohydrate nằm trong phạm vi quy định. Như vậy, nếu dứa là một trái cây có hàm lượng carbohydrate cao thì người bệnh phải cắt giảm các thực phẩm chứa carbohydrate khác như bánh mì, khoai tây,...

Bảng dưới đây cho thấy lượng carbohydrate trong các khẩu phần dứa khác nhau:

bảng cho thấy lượng carbohydrate trong các khẩu phần dứa khác nhau

Người ăn dứa khi bị tiểu đường cần lưu ý rằng, trong 7,4 gam carbohydrate của một lát dứa mỏng, có tới 5.5 gam là đường tự nhiên. Một lát dứa 85 gam chứa đến 8.3 gam đường tự nhiên. Đây là loại đường có cấu trúc đơn giản, cơ thể sẽ tiêu hóa, hấp thu nhanh hơn các loại carbohydrate khác, do đó có thể làm tăng nhanh đường huyết sau ăn.

Các loại dứa đóng hộp, siro dứa đậm đặc, nước ép dứa còn có lượng carbohydrate cao hơn. Do đó, người bệnh tiểu đường cần kiểm tra thông tin trên nhãn sản phẩm trước khi sử dụng.

2.2. Phương pháp đĩa thức ăn

Người bệnh tiểu đường có thể quản lý chế độ ăn uống bằng cách cân bằng các loại thực phẩm trên đĩa thức ăn. Với một đĩa ăn có đường kính khoảng 23 cm (9 inch), người bệnh tiểu đường có thể sắp xếp các loại thức ăn như sau:

  • Một nửa đĩa là các loại rau không chứa tinh bột như bông cải xanh, salad, cà rốt,...
  • 1⁄4 đĩa là các loại protein như thịt, đậu phụ, trứng,...
  • 1⁄4 đĩa là các thực phẩm giàu tinh bột như ngũ cốc nguyên hạt, mì ống, khoai tây

Bên cạnh đĩa thức ăn, Hiệp hội đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) đề nghị thêm một miếng trái cây cỡ vừa hoặc một cốc trái cây và sữa ít béo.

2.3. Phương pháp theo dõi chỉ số đường huyết

Nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết GI cao
Nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết GI cao

Chỉ số đường huyết (GI- glycemic index) là thước đo đánh giá khả năng làm tăng đường huyết nhanh hay chậm sau khi ăn các thực phẩm. Chỉ số GI gồm 100 điểm, trong đó, glucose có 100 điểm, nước 0 điểm. Chỉ số GI phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Hàm lượng đường, tinh bột, chất xơ của thực phẩm
  • Độ chín của thực phẩm, phương pháp nấu ăn

Thực phẩm có chỉ số GI càng cao thì càng không có lợi cho sức khỏe người bệnh tiểu đường. Trong bảng điểm GI quốc tế, GI của dứa dao động từ 51-73 tùy thuộc vào chủng loại. Tuy nhiên, dứa Malaysia có GI cá biệt lên đến 82. Ngoài ra, dứa nguyên trái sẽ có GI thấp hơn nước ép dứa. Dứa chín sẽ có GI cao hơn dứa chưa chín hẳn. GI của dứa cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các thực phẩm khác có trong cùng bữa ăn.

3.Lưu ý để ăn dứa khi bị tiểu đường một cách an toàn

Khi bị tiểu đường, bạn có thể đưa dứa vào thực đơn như một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Bạn nên chọn dứa tươi hoặc dứa đóng hộp không thêm đường, tránh sử dụng các thực phẩm có lượng đường cao như siro dứa hoặc nước ép dứa.

nước ép dứa
Nước ép dứa là thực phẩm có lượng đường cao khi bị tiểu đường không nên sử dụng

Nếu bạn mới đưa dứa vào chế độ ăn, hãy thường xuyên kiểm tra lượng đường huyết trong máu. Nếu thấy dứa làm tăng đáng kể đến lượng đường trong cơ thể, bạn hãy ăn một khẩu phần dứa nhỏ hơn hoặc cắt giảm các thức ăn chứa carbohydrate khác.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi muốn thay đổi chế độ ăn, đặc biệt khi muốn thêm các loại trái cây có hàm lượng carbohydrate cao vào bữa ăn của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan