Bệnh teo đường mật bẩm sinh và nguyên nhân

Bài viết được viết bởi TS Trần Trung Kiên, Viện nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ gen Vinmec

Teo đường mật bẩm sinh khiến chức năng gan bị suy giảm và tiến tới xơ gan. Đây là một bệnh phức hợp với nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Các quan sát cho thấy tần suất xuất hiện bệnh tăng cao ở các vùng và chủng tộc như ở Đông Nam Á và khu vực Nam Đảo Thái Bình Dương.

Teo đường mật bẩm sinh (TĐMBS) là một bệnh xuất hiện trong giai đoạn sớm ở trẻ sơ sinh với hiện tượng ống dẫn mật trong gan hay ngoài gan bị sẹo hoặc bị tắc. TĐMBS lần đầu tiên được bác sĩ John Thomson miêu tả vào năm 1892 (Thomson, 1892). Axit mật được sinh ra ở gan và được ống dẫn mật vận chuyển đến túi mật để lưu trữ và tới ruột non giúp tiêu hoá thức ăn. Do vậy, khi ống dẫn mật bị tắc, dịch mật không thể chảy vào ruột non dẫn tới hiện tượng gan bị ứ mật. Hậu quả là chức năng gan bị suy giảm và tiến tới xơ gan. Đây là một bệnh viêm và xơ có tiến triển ở các nhánh dẫn mật và là một trong những bệnh có khả năng đe dọa tới tính mạng và gây ra các biến chứng cao nhất ở trẻ nhỏ.

Theo các nghiên cứu thì tỉ lệ trẻ mắc TĐMBS có sự biến động lớn giữa các quần thể khác nhau trên thế giới. Trong đó tần suất xuất hiện bệnh ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương là phổ biến hơn cả. Tần suất xuất hiện bệnh ở Đài Loan là 1/5000 trẻ sinh ra. Trong khi đó, Bắc Mỹ và Tây Âu có tần suất thấp hơn, chỉ từ 1/14.000 đến 1/20.000 trẻ sinh ra. Hiện nay, chưa có nghiên cứu về tần suất xuất hiện bệnh TĐMBS trên quần thể người Việt, tỉ lệ xuất hiện bệnh được cho rằng khoảng 1/2400 trẻ được sinh ra, tương đương với các nước trong khu vực Thái Bình Dương. Mặc dù bệnh được phát hiện từ lâu, được nghiên cứu và điều trị nhiều, nguyên nhân và cơ chế gây bệnh TĐMBS vẫn còn chưa được xác định rõ ràng. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ nhiễm vi rút, hiện tượng tự miễn dẫn tới việc phá huỷ đường dẫn mật hoặc bất thường về gen hoặc do yếu tố gen-môi trường (Mezina & Karpen, 2015).

xơ hóa gan
Teo đường mật bẩm sinh khiến chức năng gan bị suy giảm

Về khía cạnh di truyền, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các yếu tố gen có mối tương quan mật thiết với biểu hiện lâm sàng của bệnh. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bệnh TĐMBS không tuân theo cơ chế di truyền theo kiểu Menden do thiếu sự biểu hiện bệnh theo gia đình và không biểu hiện cùng lúc ở trẻ sinh đôi cùng trứng (Fallon et al., 2013). Tuy nhiên, y văn trên thế giới có ghi nhận một số trường hợp bệnh có quan hệ gia đình. Điều này gợi ý tới cơ chế di truyền theo thể lặn ở nhiễm sắc thể thường hoặc là sự kết hợp yếu tố gen lẫn các yếu tố khác (Ando et al., 1996; Gunasekaran et al., 1992; Lachaux et al., 1988; Smith et al., 1991).

Gần đây, một số nghiên cứu ứng dụng công nghệ giải trình tự hệ gen đã tìm thấy một số đột biến ở gen ABCB4 trên bệnh nhân TĐMBS (Mezina et al., 2014). Một nghiên cứu trên 20 bệnh nhân TĐMBS ở Thái Lan, phát hiện 13 biến dị trong 9 gen liên quan tới biểu hiện bệnh TĐMBS bao gồm các gen: JAG1, MYO5B, ABCC2, ABCB11, UG1A1, MLL2, RFX6, ERCC4 and KCNH1 (Sangkhathat et al., 2018). Một nghiên cứu ở trẻ em Mỹ và Canada tìm thấy 15 gen trong 12 bệnh nhân bao gồm các gen CFC1, HNF1B, ZIC3, ACVR2B, BCOR, DNAH11, HSPG2, HYDIN, IFT172, LRP2, PKD1, RPGR, SHROOM3, TBX5, ZFPM2 (Berauer et al., 2017). Ngoài ra, nghiên cứu mối tương quan hệ gen và biểu hiện bệnh trên chủng tộc người Hán, Trung Quốc phát hiện ra mối tương quan chặt chẽ giữa bệnh và một số biến dị ở gen ADD3 trên vị trí 10q24.2 (Cheng et al., 2013). Một nghiên cứu khác trên 171 bệnh nhân và 1630 mẫu đối chứng trên quần thể người châu Âu cho thấy mối tương quan mật thiết giữa biến dị rs7099604 trên gen ADD3 (Tsai et al., 2014). Thêm vào đó, mối tương quan giữa biến dị rs17095355 trên gen XPNPEP1 ở vị trí 10q24 với bệnh TĐMBS cũng được phát hiện (Garcia-Barcelo et al., 2010).

Giải trình tự gen thế hệ mới
Yếu tố gen có mối tương quan mật thiết với biểu hiện lâm sàng của bệnh

Tóm lại, TĐMBS là một bệnh phức hợp với nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Các quan sát cho thấy tần suất xuất hiện bệnh tăng cao ở các vùng và chủng tộc như ở Đông Nam Á và khu vực Nam Đảo Thái Bình Dương. Mặc dù đã có những bằng chứng về sự tham gia của gen trong biểu hiện bệnh, tuy nhiên yếu tố tương tác giữa di truyền và môi trường có thể là đóng một vai trò nhất định. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới, hi vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều phát hiện mới và sâu hơn về nguyên nhân gây bệnh TĐMBS ở trẻ em.

Để điều trị bệnh hiệu quả, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín.Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

546 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan