Bệnh tan máu tự miễn: Chẩn đoán, điều trị

Hậu quả của sự rối loạn hệ miễn dịch là sự hình thành các kháng thể bất thường chống lại kháng nguyên có trên hồng cầu. Rối loạn này gây ra bệnh tan máu tự miễn và đây cũng là một bệnh tự miễn.

1. Nguyên nhân của bệnh tan máu tự miễn

1.1 Miễn dịch đồng loại

Bệnh tan máu tự miễn do kháng thể miễn dịch đồng loại, thường gặp trong một số các trường hợp sau:

  • Bất đồng nhóm máu hệ Rh ở trẻ sơ sinh do người mẹ mang nhóm máu có Rh- trong khi con mang nhóm máu có Rh+, hoặc theo hệ ABO mẹ có nhóm máu O còn con có nhóm máu A.
  • Do truyền nhóm máu “O nguy hiểm”, do anti A hoặc anti B hiệu giá cao bất thường.
  • Do truyền nhầm nhóm máu hệ ABO không phù hợp.
  • Do sự thành lập kháng thể miễn dịch bất thường trong trường hợp, truyền máu không đồng nhóm máu phụ, không đồng hệ thống kháng nguyên bạch cầu, không đồng nhóm máu hệ tiểu cầu và không đồng nhóm máu hệ Rh.

1.2 Miễn dịch khác loại

Bệnh tan máu tự miễn hay thiếu máu tán huyết tự miễn là hậu quả của sự kích thích do một kháng nguyên động vật hay thực vật mà cấu trúc hoá học rất giống kháng nguyên của nhóm hồng cầu, xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Tình trạng tăng miễn dịch bằng cách tiêm một thứ thuốc có mang kháng nguyên như: các vắc-xin có chứa kháng độc tố (chống bạch hầu, uốn ván...) vì trong các thành phần này có kháng nguyên A và B.
  • Dùng một số thuốc điều trị bào chế từ động vật (tinh chất dạ dày, gan, thành phần kháng hemophilie của lợn...).
  • Gây miễn dịch ở những người tình nguyện với chất Witebiky để điều chế huyết thanh mẫu.

1.3 Mất chức năng ức chế bình thường của lympho T

Cơ chế tan máu tự miễn co thể xảy ra là khi tế bào lympho T mất đi chức năng ức chế bình thường. Khi tế bào lympho T do một nguyên nhân nào đó đã không dung nạp được nữa thì lúc này, tế bào lympho B sẽ tự do sinh sản ra kháng thể bất thường và được thể hiện thông qua một số trường hợp sau:

  • Cơ chế phản ứng chéo: Khi bị nhiễm liên cầu khuẩn (Streptococcus) sẽ gây nên kháng thể chống tim, chống thận vì Streptococcus có kháng nguyên chung với thận và tim. Lympho T đặc hiệu cho kháng nguyên Streptococcus thay chỗ của kháng nguyên tim, thận và do đó lympho B không bị cản trở nữa sẽ sản xuất ra kháng thể tự sinh.
  • Cơ chế kháng nguyên bị che lấp: Trong quá trình phát triển bào thai có một số tổ chức không có huyết quản nên không tiếp xúc với các clon lympho tương ứng, do đó chúng “không bị cấm”. Nếu vì một sự chấn thương mà tổ chức không có huyết quản đó đi vào tuần hoàn sẽ có phản ứng đặc hiệu chống lại, thí dụ tinh thể mắt, tinh hoàn...
  • Vai trò của virus: Cơ chế kháng nguyên riêng của virus có thể hiện trên màng tế bào bị nhiễm và gây tổn thương lympho bằng cách virus sát nhập vào genom tế bào làm mất chức năng bình thường của lympho T và chuyển thành ác tính .Vì vậy thiếu máu tán huyết tự miễn cũng có gặp trong một số bệnh ác tính.
Bệnh tan máu tự miễn
Cơ chế tan máu tự miễn co thể xảy ra là khi tế bào lympho T mất đi chức năng ức chế bình thường

2. Chẩn đoán bệnh thiếu máu tán huyết tự miễn

Để chẩn đoán bệnh tan máu tự miễn hay thiếu máu tán huyết tự miễn, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm máu và nước tiểu. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

2.1 Xét nghiệm máu toàn phần

Kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy các chỉ số của các thành phần có trong máu, bao gồm:

  • Hemoglobin là một loại protein giúp mang oxy đi khắp nơi trong cơ thể.
  • Hematocrit cho biết những tế bào hồng chiếm bao nhiêu thể tích máu.

Nếu cả hai chỉ số này đều thấp thì có thể là dấu hiệu của thiếu máu.

2.2 Xét nghiệm Coombs

Những kháng thể gây ảnh hưởng đến tế bào hồng cầu sẽ được tìm thấy thông qua xét nghiệm Coombs.

2.3 Xét nghiệm hồng cầu lưới

Hồng cầu lưới là những tế bào hồng cầu chưa trưởng thành hoàn toàn. Số lượng hồng cầu lưới có trong cơ thể phản ánh việc liệu tủy xương có đang tạo ra lượng tế bào hồng cầu bình thường hay không.

Lượng hồng cầu có thể tăng cao hơn nếu nồng độ hemoglobin thấp do chảy máu hoặc bị phá hủy. Do đó, cơ thể tăng sản xuất hồng cầu có khả năng là dấu hiệu cho thấy bệnh thiếu máu.

2.4 Xét nghiệm bilirubin

Mắt và da có màu vàng nguyên nhân có thể đến từ việc tế bào máu chết đi, hemoglobin được chuyển vào máu và lần lượt phân huỷ thành bilirubin. Nồng độ bilirubin trong máu cao có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, tổn thương gan hoặc một bệnh lý nào khác.

2.5 Xét nghiệm Haptoglobin

Gan tạo ra một loại protein có tên là Haptoglobin. Trong cơ thể, chúng liên kết với một loại hemoglobin cụ thể trong máu. Thông qua lượng haptoglobin trong máu sẽ biết được các tế bào hồng cầu đang bị phá hủy nhanh đến mức nào.

2.6 Xét nghiệm Agglutinin “lạnh”

Loại tan máu tự miễn liên quan đến agglutinin “lạnh” khá hiếm gặp, các triệu chứng thường trở nên nặng hơn khi cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ thấp (khoảng từ 0 - 10 độ C).

Agglutinin là kháng thể khiến cho các tế bào hồng cầu kết tụ lại với nhau. Các kháng thể “lạnh” hoạt động trong nhiệt độ lạnh, ngược lại kháng thể “ấm” sẽ hoạt động trong nhiệt độ cơ thể bình thường. Kháng thể “ấm” có thể xuất hiện khi:

  • Mắc phải một số bệnh nhiễm trùng như viêm phổi do mycoplasma.
  • Sử dụng vài loại thuốc, bao gồm cả penicillin.
Lấy máu xét nghiệm
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm máu

3. Bệnh tan máu tự miễn có chữa được không?

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tan máu tự miễn cho bệnh nhân phụ thuộc vào một số yếu tố. Nếu tình trạng thiếu máu nhẹ thì thường sẽ tự hồi phục mà không cần điều trị. Khoảng 70 - 80% người bệnh không cần điều trị hay các can thiệp tối thiểu.

Tuy nhiên, một số người sẽ cần dùng thuốc, phẫu thuật hoặc truyền máu.

  • Điều trị sử dụng Corticoid:

Liều dùng đầu tiên là 1-2 mg/kg/ngày. Cơ thể đáp ứng tốt với thuốc là khi huyết sắc tố > 80G/L thì thì giảm liều dần (30% liều/tuần). Trường hợp bệnh nhân mắc tan máu tự miễn nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ có thể kê Corticoid liều cao.

Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng đáp ứng thuốc của mỗi bệnh nhân để kê liều duy trì nhằm đạt được sự cân bằng giữa hiệu quả và tác dụng phụ của thuốc. Khi huyết sắc tố của bệnh nhân trở về bình thường thì có thể duy trì sử dụng thuốc với liều khoảng 4mg/ngày, nếu trong vòng 1 năm bệnh không tái phát thì có thể ngưng thuốc.

  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khác trong trường hợp bệnh không có đáp ứng với thuốc điều trị Corticoid như: Azathioprine (Immurel), Cyclophosphamid, Cyclosporin A, Vincristin, Mycophenolate mofetil.
  • Sử dụng Gamma globulin trong trường hợp cấp cứu, cơn tan máu rầm rộ, đáp ứng kém với truyền máu và Corticoid.
  • Cắt lách: Chỉ định này được đưa ra trong trường hợp điều trị bằng Corticoid và các thuốc ức chế miễn dịch thất bại trong 3 - 6 tháng, hoặc phụ thuộc liều cao corticoid. Không có bệnh lý nội khoa khác. Người bệnh tự nguyện.
  • Sử dụng Rituximab: Đây là kháng thể đơn dòng chống CD20 của tế bào B lympho, làm giảm sản xuất kháng thể chống hồng cầu. Chỉ định khi các phương pháp điều trị ức chế miễn dịch và cắt lách không có hiệu quả.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ khác:

  • Truyền máu
  • Trao đổi huyết tương: Giúp loại bỏ tối đa lượng kháng thể lưu hành trong máu, làm giảm mức độ tan máu trên lâm sàng.
  • Điều trị và dự phòng các biến chứng của thuốc và bệnh.
  • Một số biện pháp điều trị khác như: Cắt tuyến ức, thuốc ức chế chuyển hóa Purine (Cladribin) có tác dụng trên một số các trường hợp diễn biến dai dẳng.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan