Bệnh do Adenovirus có vắc xin không?

Số ca mắc Adenovirus đang ngày càng tăng đột biến và có thể gặp ở mọi đối tượng. Vì vậy, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa lây nhiễm virus adeno. Trong đó, không ít người thắc mắc rằng bệnh do Adenovirus có vắc xin không và phương pháp điều trị là gì?

1. Adenovirus gây bệnh gì?

Virus adeno được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1953, thuộc họ Adenoviridae và được phân thành 2 nhóm chính là nhóm gây bệnh ở chim và gây bệnh ở động vật có vú. Trong nhóm virus gây bệnh cho động vật có vú, kể cả người thì các nhà nghiên cứu đã phân lập được 47 tuýp.

Nguồn lây truyền Adenovirus là người mang virus trong suốt thời kỳ mắc bệnh. Virus Adeno có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp, qua niêm mạc do bơi lội hoặc sử dụng nước rửa nhiễm virus, qua tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của người nhiễm Adenovirus. Khi xâm nhập vào cơ thể, Adenovirus thường gây viêm đường hô hấp trên và dưới, viêm kết mạc, bệnh ở đường tiêu hóa, viêm não màng não, viêm bàng quang, ...

Bất cứ ai đều có thể bị nhiễm virus adeno, đặc biệt là trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính. Bệnh do Adenovirus xảy ra quanh năm và đặc biệt tập trung vào thời điểm giao mùa. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin adenovirus. Vì vậy, cần chủ động bảo vệ sức khỏe (tăng cường miễn dịch, vệ sinh sạch sẽ, tránh tiếp xúc nguồn lây, ...) để bảo vệ bản thân và những người xung quanh.

2. Các dấu hiệu nhận biết khi nhiễm Adenovirus

Adenovirus có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và bùng phát thành dịch. Các triệu chứng khi nhiễm virus thường dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác. Điều này khiến bệnh khó phát hiện, không được điều trị kịp thời và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, suy đa tạng, ...

Một số dấu hiệu giúp nhận biết nhiễm Adenovirus:

  • Dấu hiệu chung của nhiễm virus gây bệnh đường hô hấp: Ho, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu, khó thở, thở khò khè, thở rít, thở gấp,...
  • Ngoài hệ hô hấp, virus adeno có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như sốt, viêm họng cấp, viêm họng kết mạc, viêm phổi, viêm kết mạc mắt, viêm dạ dày ruột, viêm bàng quang, viêm gan, ...

3. Chẩn đoán nhiễm Adenovirus bằng cách nào?

Nếu đơn thuần dựa vào các triệu chứng lâm sàng sẽ khó khăn để chẩn đoán chính xác liệu có bị nhiễm Adenovirus hay không. Vì vậy, khi có những triệu chứng bất thường, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa cần, người bệnh đến các cơ sở uy tín để được chẩn đoán và hướng dẫn phương pháp điều trị virus Adeno. Các phương pháp chẩn đoán nhiễm Adenovirus hiện nay bao gồm:

  • Test nhanh: Sử dụng mẫu bệnh phẩm là phân. Đây là phương pháp dễ thực hiện và cho kết quả nhanh sau 60 phút.
  • Test Realtime PCR: Sử dụng mẫu bệnh phẩm là dịch tỵ hầu. Thời gian nhận kết quả sau 3 – 4 ngày.

4. Phương pháp điều trị

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và vắc xin Adenovirus. Tuy nhiên, bệnh do Adenovirus thường tự ổn định sau 7 – 10 ngày. Điều trị người nhiễm bệnh do Adenovirus bao gồm điều trị triệu chứng và hỗ trợ, bao gồm: Hạ sốt khi có sốt cao, bổ sung dinh dưỡng, nghỉ ngơi, bù nước và điện giải, nhỏ nước muối sinh lý hằng ngày nếu có viêm mũi họng, vệ sinh mũi họng thường xuyên, nghỉ ngơi, dùng kháng sinh nếu có bội nhiễm viêm phổi, thở oxy hoặc thở máy khi cần thiết, ...

5. Bệnh do Adenovirus có vắc xin không và cách phòng bệnh như thế nào?

Adenovirus có nhiều tuýp khác nhau và không có miễn dịch chéo giữa các tuýp, vì vậy một người có thể bị nhiễm nhiều lần. Adenovirus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng, trong đó các đối tượng có nguy cơ cao là trẻ em, người cao tuổi, mắc bệnh mãn tính. Tại Việt Nam chưa có vắc xin Adenovirus, vì vậy việc phòng bệnh bằng các biện pháp khác là hết sức quan trọng, bao gồm:

  • Tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch: Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các thực phẩm tăng cường sức đề kháng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
  • Giữ ấm cơ thể và đường hô hấp, vệ sinh mũi họng hằng ngày với nước muối sinh lý, ...
  • Tránh tiếp xúc với người nhiễm Adenovirus, không tụ tập hoặc đến nơi tập trung đông người, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp.
  • Đeo khẩu trang đúng cách, vệ sinh tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.
  • Vệ sinh các nhân sạch sẽ, tắm rửa thường xuyên, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người nhiễm Adenovirus (khăn lau mặt, khăn tắm, bát, cốc, ...)
  • Sử dụng nước sạch, đặc biệt là mùa mưa cần sử dụng nước sạch đã được khử trùng.

Tóm lại, Adenovirus có nhiều tuýp khác nhau và không có miễn dịch chéo giữa các tuýp, vì vậy một người có thể bị nhiễm nhiều lần. Tại Việt Nam chưa có vắc xin Adenovirus, vì vậy mỗi người nên chủ động phòng tránh bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

44 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan