Ảnh hưởng của Caffeine đối với cơ thể bạn

Cà phê là một thức uống thường được biết đến với công dụng tạo ra sự tỉnh táo cho não bộ. Tuy nhiên, đây cũng là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương và gây ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách. Những thông tin sau đây có thể sẽ làm cho bạn phải suy nghĩ lại về việc uống cà phê để phát huy tác dụng và đảm bảo cho sức khỏe.

1. Cơ chế tác động của caffeine

Caffeine không tự cung cấp giá trị dinh dưỡng và cũng không có vị, vì vậy bạn có thể sẽ không biết được sự có mặt của caffeine trong thức ăn của mình. Thậm chí một số loại thuốc có thể chứa caffeine mà chúng ta không biết.

Caffeine có tốt cho sức khỏe? Caffeine là thành phần hầu như luôn luôn gây ra một số triệu chứng. Ở mức tối thiểu, chúng ta có thể cảm thấy tràn đầy năng lượng sau khi dùng chúng, nhưng theo thời gian, nếu có quá nhiều caffein thì có thể gây ra các triệu chứng nghiện. Nếu bạn khỏe mạnh thì việc tiêu thụ khoảng 400 miligam caffeine mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường và an toàn. Tuy nhiên bạn hãy nhớ rằng một tách cà phê kích thước tiêu chuẩn là 8 ounce. Vì vậy, việc chú ý đến kích cỡ của tách cà phê mà bạn uống rất quan trọng để bạn biết mình nên dừng lại lúc nào là phù hợp.

2. Hệ thống thần kinh trung ương

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, caffeine hoạt động như một chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Khi nói đến tác dụng của nó tới não, điều chúng ta nghĩ ngay tới là tạo ra sự tỉnh táo. Bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo hơn và bớt mệt mỏi hơn khi tiêu thụ caffeine, vì đây là thành phần phổ biến trong các loại thuốc điều trị chứng buồn ngủ, có thể là đau đầu và đau nửa đầu.

Không chỉ thế, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người uống cà phê thường xuyên có nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ thấp hơn, đồng thời giảm nguy cơ tự tử xuống 45%. Tuy nhiên thực tế những lợi ích này chỉ giới hạn ở những người uống cà phê có chỉ số octan cao và không phải là loại cà phê decaf. Một số người coi cà phê là một thức uống tốt cho sức khỏe, nhưng cũng giống như hầu hết các loại thực phẩm khác, khi cơ thể bạn tiêu thụ quá nhiều tác dụng caffeine sẽ không thực sự tốt cho sức khỏe.

Đau đầu là một trong những phản ứng đầu tiên mà bạn có thể nhận thấy khi dùng nhiều caffeine. Điều này chủ yếu liên quan đến hội chứng cai caffeine. Vì khi các mạch máu trong não đã quen với tác động của caffeine nhưng nếu bạn đột ngột ngừng tiêu thụ caffeine thì có thể gây ra đau đầu. Các triệu chứng khác của việc cai caffeine bao gồm xuất hiện cảm giác lo ngại, cáu gắt, buồn ngủ. Ở một số người, cắt liều lượng caffeine đột ngột có thể gây run. Mặc dù cực kỳ hiếm, nhưng sử dụng quá liều cafein cũng gây ra các triệu chứng như lú lẫn, ảo giác, nôn mửa và tử vong do co giật. Hiện tượng quá liều xảy ra khi tiêu thụ một lượng lớn caffeine vào cơ thể.

Đau đầu nhức mắt
Caffeine hoạt động như một chất kích thích hệ thần kinh trung ương có thể gây đau đầu cho người uống

3. Caffeine ảnh hưởng hệ thống tiêu hóa và bài tiết

Caffeine làm tăng lượng axit trong dạ dày và có thể gây ra chứng ợ nóng hoặc khó chịu ở dạ dày. Caffeine khi đi vào cơ thể thì được xử lý trong gan và thải ra ngoài qua nước tiểu. Đây là lý do tại sao bạn có thể phải đi tiểu nhiều hơn ngay sau khi dùng caffeine. Nếu bạn gặp các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như trào ngược axit hoặc loét hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết mình có thể sử dụng caffeine hay không.

4. Caffeine với hệ tuần hoàn và hô hấp

Caffeine được hấp thụ từ dạ dày và nó đạt đến mức cao nhất trong máu trong vòng một hoặc hai giờ sau khi tiêu thụ. Thực chất uống caffeine có thể làm tăng huyết áp trong một thời gian ngắn. Hiệu ứng này được cho là do sự gia tăng adrenaline hoặc sự tắc nghẽn tạm thời đối với các hormone làm mở rộng động mạch một cách tự nhiên. Hầu hết mọi người không bị ảnh hưởng lâu dài đến huyết áp, nhưng nếu bạn có nhịp tim không đều thì caffeine có thể khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Do đó, nếu bạn bị huyết áp cao hoặc các vấn đề liên quan đến tim thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem caffeine có an toàn để bạn tiêu thụ hay không, bởi khi cơ thể uống caffeine có thể gây ra nhịp tim nhanh hoặc không đều và khó thở. Trong một số trường hợp đặc biệt, sử dụng quá liều caffeine có thể dẫn đến tử vong do co giật hoặc nhịp tim không đều.

5. Caffeine ảnh hưởng tới xương và cơ

Caffeine được tiêu thụ với một lượng lớn có thể gây cản trở sự hấp thụ và chuyển hóa canxi. Điều này có thể góp phần gây ra tình trạng loãng xương. Việc tiêu thụ quá nhiều, caffeine có thể khiến cơ bắp bị co giật. Nếu đang cai caffeine, một triệu chứng có thể bao gồm đau nhức cơ.

loãng xương
Caffeine có thể gây loãng xương cho người sử dụng

6. Ảnh hưởng hệ thống sinh sản từ Caffeine

Trong những ảnh hưởng của caffeine tới hệ thống sinh sản, người ta nhận thấy rằng caffeine có di chuyển trong máu và đi vào nhau thai. Vì đây là một chất kích thích nên có thể khiến nhịp tim và sự trao đổi chất của thai nhi tăng lên. Nếu trong quá trình mang thai bà mẹ uống quá nhiều caffeine cũng có thể khiến thai nhi chậm phát triển và tăng nguy cơ sẩy thai. Trong hầu hết các trường hợp thì tiêu thụ một ít caffeine là an toàn trong thai kỳ. Mayo Clinic đã chia sẻ rằng, bạn nên hạn chế tiêu thụ caffeine từ 200 đến 300 mg mỗi ngày nếu bạn đang cố gắng mang thai. Có một số bằng chứng cho thấy tiêu thụ một lượng lớn caffeine có thể cản trở quá trình sản xuất và chuyển hóa estrogen cần thiết để thụ thai.

Caffeine tác dụng với sức khỏe là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên chúng ta cần chú ý chỉ nên tiêu thụ một lượng vừa đủ, việc uống quá nhiều luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nếu cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được tư vấn về việc dùng caffeine cũng như thiết lập một chế độ dinh dưỡng lành mạnh với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan