Sự nguy hiểm của viêm động mạch nút

Bệnh viêm động mạch nút gây tổn thương từng đoạn mạch máu, chủ yếu ở các động mạch nhỏ và trung bình. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh có thể gây biến chứng suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...

1. Viêm động mạch nút là gì?

Viêm động mạch nút còn gọi là viêm đa động mạch PAN (Polyarteritis nodosa) hay viêm nút động mạch là tình trạng viêm hoại tử các mạch máu nhỏ, điển hình là các động mạch có kích cỡ nhỏ và trung bình. Bệnh gây ra các triệu chứng tùy thuộc vào vị trí mạch máu bị tổn thương. Thương tổn có thể gặp ở hầu hết các cơ quan nhưng thường gặp nhất là ở da, gan, thận, tim, ống tiêu hóa, thần kinh (hệ thần kinh trung ương và ngoại biên), cơ bắp và tinh hoàn.

Viêm động mạch nút là bệnh hiếm gặp, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ cao hơn ở người 50 - 60 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh nam/nữ là 2,5/1.

2. Nguyên nhân gây viêm động mạch nút

Hiện nay, nguyên nhân gây viêm nút động mạch vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Đột biến gen CECR1;
  • Nhiễm virus HBV (gặp ở 30% trường hợp mắc bệnh), HCV, Varicella-zoster virus, parvovirus B-19,...;
  • Nhiễm trùng: Lao, Klebsiella, Pseudomonas, Toxoplasma gondii,...;
  • Dùng thuốc: Minocycline, Levamisole, Thiabendazole, vắc-xin viêm gan B,...

3. Triệu chứng của viêm đa động mạch nút

su-nguy-hiem-cua-viem-dong-mach-nut-1
Sốt có thẻ là triệu chứng của viêm đa động mạch nút

Viêm đa động mạch (PAN) có triệu chứng đa dạng, tổn thương ở nhiều cơ quan. Trong đó, các cơ quan thường chịu nhiều tổn thương là da, thần kinh ngoại biên, thận, khớp,...

3.1 Triệu chứng toàn thân

  • Sốt;
  • Người xanh xao, mệt mỏi;
  • Chán ăn, sụt cân.

3.2 Triệu chứng ở da

Các triệu chứng trên da khá phổ biến, gặp ở khoảng 40% bệnh nhân bị viêm nút động mạch. Những biểu hiện đặc trưng gồm:

  • Nổi cục, chủ yếu ở chi dưới, có tổn thương tương tự như hồng ban nút nhưng cục nhỏ hơn;
  • Loét: Thường xảy ra trên các cục, khi lành không để lại teo da;
  • Mạng lưới livedoid: Là những mảng xanh tím dạng lưới trên da, thường phân bố quanh thùy mỡ, có biểu hiện rõ hơn khi gặp lạnh, xuất huyết;
  • Nếu bị viêm nút động mạch cấp tính có thể xuất hiện các triệu chứng như mảng viêm lớn, phù nề;
  • Hội chứng Raynaud, thiếu máu đầu chi, đặc biệt ở ngón chân, gây hoại tử;
  • Các tổn thương da thường gây đau, chủ yếu gặp ở chi dưới.

3.3 Triệu chứng trên các cơ quan khác

  • Đau khớp, đau cơ, nhất là các cơ cẳng chân;
  • Thần kinh trung ương: Nhồi máu, xuất huyết não. Có thể biểu hiện muộn (2-3 năm sau khi bị viêm mạch);
  • Thần kinh ngoại biên: Viêm dây thần kinh ngoại biên không đối xứng;
  • Tiêu hóa: Triệu chứng không điển hình gồm đau bụng, nôn, xuất huyết tiêu hóa, viêm gan, viêm túi mật, nhồi máu mạc treo, thủng ruột, viêm tụy,...;
  • Thận: Suy giảm chức năng thận, tăng huyết áp;
  • Tổn thương tinh hoàn - buồng trứng: Viêm mào tinh hoàn 1 bên;
  • Tim mạch: Đau ngực, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim, loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim;
  • Biểu hiện khác: Nhìn mờ, biểu hiện nhồi máu/vỡ phình mạch ở các cơ quan khác.

4. Điều trị viêm đa động mạch (PAN)

4.1 Dùng thuốc

  • Corticosteroids: Liều cao prednisone hoặc solumedrol theo chỉ định của bác sĩ. Sau 1 tháng có thể giảm liều prednisone nếu tình trạng bệnh nhân và tốc độ lắng máu cải thiện. Giảm dần liều prednisone trong 12 tháng sau đó cho tới khi ngưng hẳn. Trường hợp cần phối hợp prednisone với cyclophosphamide, nếu có thể nên giảm liều corticoid nhanh hơn để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Cần kiểm tra huyết đồ và chức năng thận của bệnh nhân thường xuyên khi dùng cyclophosphamide uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Liều lượng thuốc cần được điều chỉnh phù hợp với từng trường hợp. Lưu ý: Các độc tính tiềm tàng của cyclophosphamide có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, bệnh máu ác tính, viêm bàng quang xuất huyết, xơ bàng quang, suy tuyến sinh dục, ức chế tủy xương. Cyclophosphamide thường không được khuyên dùng ở bệnh nhân viêm động mạch nút có liên quan đến viêm gan B vì việc phối hợp steroids với cyclophosphamide có thể làm tăng nhân bản virus;
  • Thuốc ức chế yếu tố gây hoại tử khối u: Là các kháng thể đơn dòng như adalimumab (Humira), certolizumab pegol (Cimzia), infliximab (Remicade) và golimumab (Simponi);
  • Điều trị bổ trợ: Những trường hợp dùng cyclophosphamide tiêm tĩnh mạch nên dùng đồng thời mercaptoethane sulfonate (MESNA);
  • Bệnh nhân nội trú cần điều trị ổn định tình trạng ban đầu và việc điều trị phụ thuộc vào độ lan tỏa của bệnh cũng như cơ quan bị tổn thương.
su-nguy-hiem-cua-viem-dong-mach-nut-2
Điều trị viêm đa động mạch bằng thuốc

4.2 Điều trị ngoại khoa

Phương pháp phẫu thuật có thể được sử dụng để điều trị các biến chứng tiêu hóa của viêm đa động mạch nút, bao gồm thiếu máu ruột, viêm ruột thừa và viêm túi mật. Với các túi phình động mạch ở não, có thể chỉ định gây thuyên tắc bằng microcoil. Chăm sóc hậu phẫu cũng đóng vai trò quan trọng đối với những bệnh nhân viêm nút động mạch có kèm biến chứng nhồi máu ruột.

4.3 Chăm sóc lâu dài cho bệnh nhân

  • Theo dõi huyết đồ, tổng phân tích nước tiểu, bilan chức năng thận và gan;
  • Theo dõi sát các biến chứng nhiễm trùng;
  • Sớm phát hiện các bệnh ung thư xuất hiện chậm, đặc biệt ở bệnh nhân điều trị cyclophosphamide;
  • Duy trì chế độ ăn ít muối nếu bệnh nhân bị tăng huyết áp.

5. Sự nguy hiểm của viêm động mạch nút

Bệnh có thể chỉ khu trú ở một cơ quan đơn độc hay diễn tiến cấp đến suy đa phủ tạng. Các biến chứng của viêm đa động mạch nút gồm suy thận, huyết khối ở các mạch máu liên quan, hoại tử mô và cơ quan, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm đơn dây thần kinh đa ổ, bệnh lý thần kinh ngoại biên, thủng tạng rỗng (ruột).

Nếu không được điều trị, viêm động mạch nút có tiên lượng kém. Ước tính, tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhân chỉ khoảng 13%. Nếu được điều trị bằng steroid và thuốc gây độc tế bào, tỷ lệ sống của bệnh nhân trên 5 năm có thể lên tới 75 – 80%. Khả năng sống của bệnh nhân được cải thiện hơn với những trường hợp viêm đa nút động mạch có liên quan đến viêm gan B do việc đưa vào sử dụng các phác đồ điều trị kháng virus. Tiên lượng kém hơn ở những bệnh nhân viêm đa nút động mạch có tiểu đạm, suy thận, tổn thương ở ống tiêu hóa, tổn thương ở thần kinh trung ương hoặc mắc bệnh cơ tim.

Viêm động mạch nút là bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng khó lường và tiên lượng khá xấu. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo, bệnh nhân nên đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan