Sốt xuất huyết: Mắc tối đa 4 lần trong đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm thông qua vết đốt của muỗi mang mầm bệnh. Bệnh ở thể nặng có thể gây ra biến chứng dẫn đến tử vong. Theo ước tính, mỗi năm trên thế giới có từ 50-100 triệu người mắc sốt xuất huyết dengue và có 3 tỷ người sống ở những nước có lưu hành sốt dengue.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết dengue là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây ra. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết, bệnh có thể tiến triển nặng gây tử vong.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sốt xuất huyết hiện nay được ghi nhận xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, ở cả thành thị và nông thôn, lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết gồm có Aedes aegypti và Aedes albopictus trong đó Aedes aegypti là vector chủ yếu gây bệnh.

Muỗi Aedes aegypti thường sống trong nhà, gần người, trú đậu ở nơi có ánh sáng yếu, những nơi bám đậu ưa thích là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, ít khi đậu trên tường. Muỗi Aedes aegypti trưởng thành có khả năng bay xung quanh khoảng 50 mét, nhưng cũng có thể bay xa tối đa 200 - 300 mét.

Muỗi cái Aedes aegypti trưởng thành bắt đầu hành trình hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần. Thời gian từ khi hút máu tới khi đẻ trứng thay đổi từ 2-5 ngày. Muỗi hoạt động hút máu chủ yếu vào ban ngày, có 2 thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn), thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm với mức độ thấp hơn.

Sau khi hút phải máu người có chứa virus dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus được nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi đã bị nhiễm virus và có thể truyền virus dengue cho những người khác mỗi khi đốt.

Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ muỗi vằn
Muỗi vằn Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết

2. Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết dengue

Sốt xuất huyết dengue có triệu chứng giống với cúm, thường kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.

Người bệnh sốt cao (40°C/ 104°F) và thường kèm theo ít nhất là hai trong những triệu chứng sau:

  • Đau đầu.
  • Nhức sau hốc mắt.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Đau mỏi cơ, xương hay khớp.
  • Phát ban.

Khi tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng, giai đoạn biến chứng nặng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát. Nhiệt độ cơ thể giảm nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, cần phải đặc biệt theo dõi những dấu hiệu cảnh báo sau, vì bệnh có thể tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng:

  • Đau bụng cấp.
  • Nôn dai dẳng.
  • Chảy máu chân răng.
  • Nôn ra máu.
  • Thở gấp.
  • Mệt mỏi/ bứt rứt.

Khi nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết dengue chuyển nặng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì:

  • Thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc và/hoặc ứ dịch, kèm hoặc không kèm theo suy hô hấp.
  • Xuất huyết nặng.
  • Suy tạng nặng.
Sốt xuất huyết
Sốt cao, đau đầu là triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết

3. Sốt xuất huyết có thể mắc tối đa 4 lần trong đời

Virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4; một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các tuýp virus khác nhau. Khi một người đã hồi phục sau khi nhiễm một chủng virus dengue sẽ miễn dịch suốt đời với chủng đó. Tuy nhiên, họ vẫn hoàn toàn có thể bị nhiễm các chủng virus khác. Những lần mắc bệnh sau sẽ thường nặng hơn do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo. Hiện nay tại Việt Nam đã có sự xuất hiện của cả 4 tuýp virus, khi có thay đổi, sự lưu hành của tuýp virus dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu cộng đồng chưa có miễn dịch với tuýp virus này.

Khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết dengue nặng cần phải lập tức đi khám bác sĩ và nhập viện để điều trị bệnh. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì tỷ lệ tử vong ca bệnh là dưới 1%. Tuy nhiên, nhìn chung bệnh nhân phải trải qua những triệu chứng rất khó chịu.

Hiện nay, vẫn chưa có vaccine hay thuốc đặc trị cho sốt xuất huyết dengue, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám, theo dõi, nghỉ ngơi và uống nhiều nước, có thể uống thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp. Điều đặc biệt không được uống aspirin hay ibuprofen vì những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan