Xoa dịu cơn đau bụng: Sự kết nối giữa não và ruột

Đôi khi bạn có thể bị đau bụng không phải do ăn uống, mà đau bụng do tâm lý căng thẳng gây ra. Vậy tại sao giữa đau bụng và căng thẳng lại có mối quan hệ với nhau, cách khắc phục là gì?

1. Các vấn đề dạ dày và mối quan hệ giữa não và ruột

Các nhà nghiên cứu đã xác định được giữa não và ruột có một mối liên hệ mạnh mẽ. Cũng giống như não, ruột có đầy đủ các dây thần kinh. Trục não ruột có chung nhiều mối liên hệ thần kinh, bằng chứng là ruột chứa đựng số lượng lớn dây thần kinh có kết nối truyền dẫn với hệ thần kinh nằm bên ngoài não bộ.

Một vấn đề căng thẳng thần kinh đơn lẻ hay kéo dài theo thời gian có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Khi lo lắng, cơ thể tiết ra một số hormone và hóa chất xâm nhập vào đường tiêu hóa, cản trở quá trình tiêu hóa và có thể gây đau bụng. Chúng cũng ảnh hưởng một cách tiêu cực đến hệ vi sinh vật đường ruột và làm giảm sản xuất kháng thể. Cuối cùng dẫn đến kết quả cơ thể mất cân bằng hóa học và gây ra một số bệnh về đường tiêu hóa.

Các triệu chứng và tình trạng đường ruột có liên quan đến căng thẳng gồm có: khó tiêu, co thắt dạ dày, tiêu chảy, táo bón, ăn không ngon miệng, hay đói, buồn nôn, hội chứng ruột kích thích, loét dạ dày tá tràng.

Khi gặp phải một trong những vấn đề nêu trên, bản thân tình trạng đó cũng có thể là nguyên nhân gây ra lo lắng, căng thẳng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ví dụ, bị tiêu chảy khiến chúng ta sợ ra ngoài và đi đến một nơi nào đó không phải là nhà, hay bị khó tiêu, đau bụng có thể khiến chúng ta e ngại việc ăn uống ở ngoài,... Tất cả những nỗi sợ hãi, lo lắng này đều có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội của mỗi người.

đau bụng
Đau bụng là dấu hiệu cảnh báo bệnh về đường tiêu hóa.

2. Xoa dịu đau bụng bằng cách giảm căng thẳng, lo lắng

Căng thẳng là một vấn đề hoàn toàn bình thường trong cuộc sống và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tin tốt là chúng ta có thể kiểm soát căng thẳng để giảm tác động của căng thẳng lên dạ dày, thậm chí có thể xoa dịu cơn đau bụng. Dưới đây là 6 lời khuyên giúp giảm căng thẳng và những vấn đề liên quan đến dạ dày:

  • Nghỉ giải lao và hít thở: Sau vài giờ làm việc, hãy nghỉ giải lao và hít thở sâu bằng mũi và từ từ trong không gian yên tĩnh khoảng 1 phút. Thực hiện đúng cách có thể mang lại kết quả đáng ngạc nhiên.
  • Biết cách từ chối: Trong công việc cũng như cuộc sống, biết giới hạn của bản thân ở đâu và khi nào đạt đến giới hạn đó để từ chối nhận thêm trách nhiệm là cách giúp kiểm soát căng thẳng, tránh tác động lên dạ dày như đau tức bụng. Cố gắng làm mọi việc cùng một lúc để làm hài lòng tất cả mọi người có thể vượt quá giới hạn của bản thân và dẫn đến căng thẳng.
  • Tập thể dục, tập yoga: Các hoạt động thể chất luôn là cách tuyệt vời để giảm căng thẳng, dù bạn chỉ tập khoảng 15 phút mỗi ngày. Khi tập, cơ thể sẽ giải phóng endorphin, hóa chất này tương tác với các thụ thể trong não và kích hoạt cơ thể tạo ra những cảm giác tích cực.
  • Tập trung vào những vấn đề có thể kiểm soát: Căng thẳng thường đến từ những vấn đề mà chúng ta không thể kiểm soát được. Vì vậy, hãy tập trung vào những vấn đề mà chúng ta có thể kiểm soát được bằng cách lựa chọn cách phản ứng với vấn đề, bao gồm cả vấn đề liên quan đến dạ dày. Chấp nhận cơn đau bụng hay những vấn đề về dạ dày có thể giúp làm giảm tình trạng lo lắng, căng thẳng và hạn chế các triệu chứng do chúng gây ra. Ngược lại, càng lo lắng cho những vấn đề dạ dày, triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Nghe các chương trình về thư giãn, giảm căng thẳng: Hãy dành vài phút mỗi ngày để lắng nghe các bài tập hướng dẫn thư giãn, giảm căng thẳng. Hiệu quả của bài tập này có thể kéo dài hàng giờ sau khi nghe.
  • Tìm kiếm nhà trị liệu về lo âu: Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của một nhà trị liệu, chuyên gia tâm lý về lo âu để giúp bạn đối phó với những tình trạng lo lắng kéo dài và phức tạp.

Để giúp kiểm soát căng thẳng và làm giảm tác động của căng thẳng lên dạ dày hay những cơn đau bụng đột ngột, hãy cố gắng thực hiện những lời khuyên này một cách chính xác và biến chúng thành việc làm ưu tiên mỗi ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kết quả sẽ không xuất hiện ngay lập tức, hay nói cách khác là việc thực hiện những lời khuyên này không khiến các triệu chứng về dạ dày biến mất ngay lập tức. Chấp nhận tình trạng dạ dày bị khó chịu là rất quan trọng giúp bạn kiểm soát căng thẳng.

Cuối cùng, hãy kiểm tra chế độ ăn uống của bạn có loại thực phẩm nào gây kích thích dạ dày không. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và thử các phương pháp điều trị được bác sĩ khuyến nghị. Nhiều tình trạng rối loạn dạ dày như đau tức bụng không thể được giải quyết bằng việc giảm căng thẳng. Khi giải quyết các vấn đề liên quan đến ruột, có thể phải giải quyết nhiều khía cạnh khác bao gồm sinh học, tâm lý và xã hội.

Do có sự kết nối giữa nào và ruột nên bạn có thể bị đau bụng hay gặp phải các vấn đề ở dạ dày khi căng thẳng hoặc lo lắng. Vì vậy, kiểm soát căng thẳng và lo âu là biện pháp giảm tác động lên dạ dày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: adaa.org

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan