Tác hại với sức khỏe khi ở trong nhà quá nhiều

Ở trong nhà có thể đem lại cảm giác an toàn, ấm cúng. Nhưng sau đó, những cảm giác hưng phấn này có thể bắt đầu bị thay thế bằng tình trạng căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều, thậm chí còn có khả năng là những suy nghĩ tiêu cực. Dưới đây là những tác hại khi ở trong nhà quá nhiều.

1. Căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều

Đa số mọi người sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu hoặc chán nản sau vài ngày ở nhà. Ở trong nhà liên tục, mọi người sẽ mất quyền tiếp cận với thế giới tự nhiên và có nghĩa là những hành động, trải nghiệm cảm xúc đều giống hệt nhau ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, bản thân sẽ cảm thấy trì trệ, suy sụp.

Ngay cả khi ở trong nhà hoàn toàn, việc cảm thấy nắng hoặc gió bên ngoài cửa sổ hoặc nghe tiếng chim hót, tiếng lá cây ở ngoài trời cũng là một biện pháp cải thiện tâm trạng, xoa dịu căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều. Một nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với môi trường tự nhiên giúp tăng cường sức sống lên tới 40% trong khi dành toàn thời gian ở trong nhà có tác dụng ngược lại.

2. Tăng khả năng hút thuốc và uống rượu

Nguy cơ tập và hình thành thói quen hút thuốc và uống rượu sẽ dễ xảy ra, đặc biệt đối với lứa tuổi là thanh thiếu niên.

Hơn nữa, không ít người trong số này cho thấy đã mắc phải các vấn đề tâm lý như lo lắng và trầm cảm. Về lâu dài, một bộ phận người dân ở trong nhà kéo dài sẽ cho thấy tình trạng sức khỏe tổng thể kém và có nguy cơ mắc bệnh mãn tính trong suốt cuộc đời.

3. Dành nhiều thời gian hơn cho thiết bị điện tử một cách vô bổ

Thời gian vô tận trong nhà có nghĩa là mỗi người sẽ có khuynh hướng dành nhiều giờ hơn để sử dụng điện thoại, các thiết bị công nghệ để chơi điện tử hay tham gia mạng xã hội. Tất nhiên, việc nhắn tin và trò chuyện trên mạng ban đầu sẽ giúp bản thân cảm thấy gắn kết hơn khi không thể ở bên cạnh những người khác. Tuy vậy, khi dành quá nhiều thời gian để xem hay quá dễ dàng để biết tin tức của nhau, mọi người sẽ vô tình trở nên xa cách hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy khi sử dụng thiết bị điện tử quá mức có thể dẫn đến bão hòa và kích thích quá mức, góp phần gây ra nhiều rối loạn sức khỏe tâm thần, bao gồm căng thẳng và trầm cảm. Hơn nữa, khi một người dành thời gian cho điện thoại thì sẽ thường làm mất thời gian cho các hoạt động khác có thể cải thiện sức khỏe tâm thần - như tập thể dục, tập trung vào công việc hoặc trường học hoặc các tương tác xã hội hỗ trợ có ý nghĩa.

căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều
Đa số người bị căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều

4. Rối loạn chu kỳ thức ngủ là tác hại khi ở trong nhà quá nhiều

Môi trường xung quanh đóng vai trò khá quan trọng trong việc hình thành nhịp sinh học giấc ngủ của một người. Chính vì thế, tác hại khi ở trong nhà quá nhiều, hay chỉ riêng trầm cảm và căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều, có thể làm mất ngủ. Vì vậy, nếu ở trong nhà liên tục một thời gian dài sẽ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng của mọi người vào ban ngày mà mọi người sẽ thấy mình trằn trọc và thao thức vào ban đêm.

Và đó không phải là yếu tố duy nhất. Ngay cả khi cảm thấy ổn về mặt cảm xúc, việc thiếu thời gian ở ngoài trời có thể làm rối loạn chu kỳ sinh học thức và ngủ. Theo một nghiên cứu, ánh sáng tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể duy trì nhịp điệu thức - ngủ bình thường. Do đó, việc thiếu tiếp xúc với môi trường bên ngoài có thể khiến chúng bị ảnh hưởng và khiến cơ thể khó ngủ ngon hơn.

5. Giảm hấp thu mức vitamin D

Cơ thể có thể tạo ra một lượng vitamin D nhất định, tham gia vào quá trình hình thành và xây dựng, củng cố bộ xương từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mỗi ngày. Vì vậy, tùy thuộc vào chế độ ăn uống, tác hại khi ở trong nhà quá nhiều còn có thể gây thiếu chất dinh dưỡng. Điều đó đặc biệt đúng đối với người lớn tuổi và những người có làn da sẫm màu, những người không thể sản xuất vitamin D từ ánh sáng mặt trời một cách hiệu quả.

Không rõ từ thời điểm nào việc thiếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ ảnh hưởng đến mức vitamin D, chỉ cần dành 10 đến 30 phút dưới ánh nắng mặt trời hầu hết các ngày trong tuần là đủ để duy trì mức độ thích hợp. Ngược lại, khi ít thời gian ngoài trời hơn có thể tạo ra sự thiếu hụt vitamin D, gây mất mật độ xương và tăng nguy cơ loãng xương. Hơn nữa, nồng độ D thấp cũng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe mãn tính như tiểu đường và huyết áp cao.

6. Thay đổi cảm giác ngon miệng

Nhịp sinh học hằng ngày cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Do ít vận động, mọi người có thể cảm thấy chậm đói hơn bình thường hoặc có thể chán ăn.

Bên cạnh đó, một số khác lại có xu hướng nghiện đồ ăn vặt trong khi bỏ bữa ăn chính. Giữ lối sống này trong một thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về cân nặng.

Để chống lại tình trạng căng thẳng trong ăn uống khi phải ở trong nhà nhiều, hãy nhớ duy trì thói quen dinh dưỡng đúng cách, duy trì thói quen hoạt động, làm việc, tập luyện thể chất và nghỉ ngơi điều độ dù phải ở trong nhà. Điều này có thể làm tăng mức nhu cầu năng lượng, phòng tránh dư cân, béo phì.

7. Hệ thống miễn dịch có thể bị suy giảm

Cô đơn và căng thẳng tâm lý vì ở trong nhà nhiều là hai cảm giác có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại khi một người không ra khỏi nhà trong thời gian dài. Cả hai đều có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi trùng hơn.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự cô đơn và chứng viêm, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính về lâu dài.

Tác hại khi ở trong nhà quá nhiều
Tác hại khi ở trong nhà quá nhiều còn có thể gây thiếu chất dinh dưỡng

8. Ô nhiễm môi trường không khí tù đọng trong nhà

Khi ở trong nhà toàn thời gian, nhất là khi không gian trong nhà hoàn toàn kín, chỉ lấy không khí từ máy điều hòa thì nếu máy không lọc sạch, khiến không khí bên trong tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Mặc dù có thể dễ dàng thuyết phục bản thân rằng máy điều hòa không khí đang lọc không khí thông qua các bộ lọc chuyên dụng, nhưng không khí ô nhiễm là hoàn toàn không thể ngửi hoặc nhìn thấy mà chỉ là ảo ảnh được tạo ra bởi không khí lạnh trong nhà.

Hơn nữa, máy điều hòa không khí chỉ có thể giữ lại các chất ô nhiễm lớn, chứ không phải các vi sinh vật nhỏ, chẳng hạn như bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông thú cưng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh và ho và viêm xoang mãn tính.

Tóm lại, mặc dù hạn chế tụ tập ngoài cộng đồng, tăng thời gian ở trong nhà là một cách quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, điều đó không có nghĩa là mọi người thực sự cần phải ở trong nhà nhiều ngày hoặc nhiều tuần liên tục. Vì tác hại khi ở trong nhà quá nhiều rất đáng lo ngại, mọi người có thể và nên cố gắng ra khỏi nhà thường xuyên một cách an toàn, tuân thủ các quy định phòng dịch, vì lợi ích của cả tinh thần và thể chất của bản thân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: livestrong.com, walkinlab.com, indiatimes.com, jcmh.org, caregiver.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan