Hoàng cầm có tác dụng gì trong chữa bệnh

Hoàng cầm là 1 vị thuốc có nhiều công dụng trong điều trị bệnh cũng như tốt cho sức khỏe. Chúng thường được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc để chữa sốt ho, nhức đầu, ung nhọt, điều kinh, kiết lỵ... để hiểu rõ hơn về loại thảo dược này cũng như hoàng cầm có tác dụng gì trong chữa bệnh, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Tìm hiểu cây hoàng cầm

Hoàng cầm là loại cây thân thảo sống nhiều năm, ưa sáng, sống ở khu vực ẩm, mát. Cây có chiều cao trung bình thường rơi vào khoảng từ 20 – 50cm. Phần rễ cây của thảo dược này phình to thành hình chùy, mặt bên ngoài có màu vàng sẫm và khi bẻ ra bên trong sẽ thấy màu sáng hơn.

Thân cây hoàng cầm mọc đứng, phân nhánh, hình vuông, nhẵn, thân ngoài thường có lông tơ ngắn. Lá mọc đối, có cuống rất ngắn hoặc đôi khi không có. Phiến lá hình mạc hẹp, mép nguyên, đầu hơi tù, chiều dài lá khoảng 1,5 – 4cm, rộng khoảng từ 3 – 10mm. Mặt trên của lá có màu xanh sẫm còn mặt phía dưới có màu xanh nhạt.

Hoa của cây hoàng cầm nở có màu lam tím, mọc ở ngay đầu cành.

Rễ cây hoàng cầm là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh.

2. Thành phần có trong rễ hoàng cầm

Trong rễ cây hoàng cầm có chứa các thành phần:

  • Flavonoid, baicalein, scutclarin.
  • Có nhiều tanin nhóm pyrocatechic và nhựa.
  • Trong củ hoàng cầm tìm thấy 31 chất thuộc nhóm flavon và flavanone: Đây là những hoạt chất có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn, tăng sức đề kháng rất tốt.
  • Các chất wogonin và skulcapflavon II

3. Hoàng cầm có tác dụng gì trong chữa bệnh?

Theo Đông y:

Hoàng cầm là một trong các vị thuốc cơ bản trong Đông y, loại thảo dược này có nhiều công dụng trong điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Hoàng cầm có vị đắng, tính lạnh, quy vào 5 kinh bao gồm: tâm, phế, can, đởm và đại trường.

Sử dụng hoàng cầm có tác dụng : Thanh nhiệt, táo thấp, cầm máu, an thai, an thần, mất ngủ, viêm cơ tim, thấp khớp cấp, hạ sốt, làm giảm các triệu chứng do viêm phổi.

Điều trị các bệnh lý như: Sốt cao kéo dài, cảm mạo, phế nhiệt, ho, lỵ, tiểu gắt, ung nhọt, nôn ra máu, chảy máu cam, tiêu chảy ra máu, băng huyết, vàng da.

Theo nghiên cứu hiện đại ngày nay, hoàng cầm có tác dụng:

Kháng khuẩn tốt: các hoạt chất có trong hoàng cầm có tác dụng ức chế nhiều nhóm khuẩn như: Trực khuẩn bạch hầu, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, não mô viêm. Một số nghiên cứu khác cũng phát hiện ra trong các thành phần của hoàng cầm có khả năng chống lại trực khuẩn lao của thảo dược.

Điều hòa thân nhiệt: Rễ hoàng cầm có tác dụng hạ thân nhiệt hiệu quả khi bị sốt cao.

Điều hòa huyết áp: Nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng được áp dụng trên động vật như thỏ, chó và mèo được gây mê đều thấy có tác dụng ổn định huyết áp khi ở dạng nước, cồn chiết hay dịch truyền từ hoàng cầm.

Lợi tiểu: Tác dụng này được thử nghiệm lâm sàng trên động vật và người bình thường khi uống nước được sắc từ hoàng cầm

Chuyển hóa lipid cho cơ thể: Sắc hoàng cầm lấy nước uống kết hợp đại hoàng và hoàng liên có thể làm hạ lipid tốt cho người đang trong chế độ ăn kiêng.

Tăng cường chức năng mật: Nghiên cứu được thử nghiệm trên chó và thỏ tìm ra được công dụng của hoàng cầm giúp tăng cường chức năng mật khi cho chúng sử dụng cồn hoặc uống nước sắc từ cây thuốc hoàng cầm.

Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Chất Baicalin có trong hoàng cầm có tác dụng giảm di chuyển và phản xạ thử nghiệm trên chuột.

Ngoài ra hoàng cầm còn có các công dụng khác như:

  • Ức chế sự tăng độ thấm của mạch
  • Ức chế hoạt tính cholesterol acetyltransferase, sự sản sinh cholesteryl ester
Hoàng cầm
Hoàng cầm có tác dụng thanh nhiệt, táo thấp, cầm máu, an thai, an thần, mất ngủ,....

4. Một số bài thuốc có hoàng cầm

Thông thường liều dùng hoàng cầm mỗi ngày từ 6–15g, sử dụng rễ hoàng cầm dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng rượu hoàng cầm (công thức: bột hoàng cầm 20g, cồn 70 độ đủ 100ml) để chữa nhức đầu, mất ngủ, an thần. Ngày uống từ 2-3 lần, mỗi lần uống từ 20-30 giọt.

1 số bài thuốc sử dụng hoàng cầm kết hợp với các thảo dược khác trong điều trị:

  • Chữa đau bụng, kiết lỵ:

12g hoàng cầm; 8g cam thảo, 8g thược dược, 3 trái đại táo. Đem tất cả nguyên liệu trên cho vào ấm, đổ vào ấm khoảng 1 lít nước, đun nhỏ lửa trong khoảng từ 20 – 25 phút rồi tắt bếp. Chia thuốc sắc uống 3 lần mỗi ngày.

  • Chữa phong nhiệt có đờm:

Kết hợp hoàng cầm với bạch chỉ với tỷ lệ lượng như nhau. Đem hỗn hợp hoàng cầm và bạch chỉ phơi khô, tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng lấy 8g bột thuốc pha uống chung với trà ấm.

  • Chữa chảy máu cam, nôn ra máu:

40g hoàng cầm, bỏ ruột đen, tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng lấy 12g sắc cùng 1 chén nước, đun ấm thì tắt bếp. Uống mỗi ngày 1 lần vào buổi trưa khi còn ấm.

  • Chữa nóng gan gây vàng da, mờ mắt:

120g đạm đậu vị, 40g hoàng cầm. Đem hỗn hợp sắc với nước để uống hàng ngày thay nước lọc. Sử dụng thuốc để uống khi còn ấm.

  • Chữa băng huyết sau sinh:

Sử dụng hoàng cầm kết hợp mạch môn với tỷ lệ bằng nhau, đem sắc với nước uống thay nước lọc hằng ngày.

  • Chữa hỏa độc:

Lấy một lượng tùy ý hoàng cầm đem tán bột sau đó trộn đều với nước. Sử dụng hỗn hợp này trực tiếp lên vị trí cần điều trị.

  • Điều trị động thai:

12g hoàng cầm, 12g bạch truật, 12g thược dược, đương quy 8 g và xuyên khung 4g. Các dược liệu đem rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào ấm sắc lấy nước cốt uống mỗi ngày 1 thang.

  • Chữa giật mình, khóc đêm ở trẻ nhỏ:

0,4g hoàng cầm và 0,4g nhân sâm; đem hỗn hợp tán thành bột mịn. Mỗi lần cho trẻ sử dụng chung với nước sắc trúc diệp, sử dụng liền trong 1 tháng.

  • Bài thuốc giúp thanh nhiệt, giải độc:

Lấy bạch truật và hoàng cầm tỷ lệ như nhau. Đem các dược liệu đi sao vàng, tán thành bột mịn, trộn với nước cơm. Nặn hỗn hợp này thành viên to khoảng bằng hạt đậu xanh, mỗi lần sử dụng, lấy 50 viên với nước sôi ấm.

  • Điều trị phong tán hàn:

Sử dụng hoàng cầm, độc hoạt, khương hoạt, bạch chỉ, đương quy, xuyên khung, phục linh mỗi vị 8g, ngưu tất, thục địa, bạch truật, đảng sâm mỗi vị 12g, 6g kim thảo, 0,8g bạch thược. Đem sắc cùng 750ml nước đến khi trong ấm còn phân nửa thì tắt bếp. Sử dụng nước sắc uống liên tục trong 1 tháng, mỗi ngày 1 thang.

  • Chứng co rút vùng thắt lưng:

4g hoàng cầm, 6g kim ngân hoa, 6g bạch thược; 3g hoàng niên, thêm 2g cam thảo, 2 con ngô công và 2 con toàn yết. Đem hỗn hợp sắc cùng với nước, lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.

  • Điều trị chống co giật hiệu quả:

10g hoàng cầm, 10g hiên ma, 10g chi tử, 14g câu đằng, 14g xuyên ngưu tất, 14g ích mẫu thảo mỗi thứ, 16g dạ đằng giao, 16g bạch linh , 25g tang ký sinh. Đem tất cả dược liệu sắc cùng 800ml nước tới khi ấm còn khoảng 350ml thì tắt bếp. Sử dụng mỗi ngày 1 thang.

  • Bài thuốc điều trị cảm mạo, cứng đau vai gáy:

Hoàng cầm, bạch chỉ, khương hoạt mỗi thứ 6g; sài hồ 4g; cát căn 10g; thêm 2g cam thảo, 2 quả đại táo và 3 lát gừng tươi. Tiến hành sử dụng trực tiếp các loại thảo dược tren.

  • Bài thuốc chữa viêm gan virus thể cấp:

Nguyên liệu có chi tử, hoàng liên, hoàng cầm hoàng bá mỗi vị 12; đại hoàng, nhân sâm mỗi vị 8g. Đem hỗn hợp trên sắc cùng 600ml nước tới khi trong ấm còn khoảng 300ml thì tắt bếp. Chia đều làm 3 phần và sử dụng thuốc luôn trong ngày.

  • Chữa đau bụng do nhiệt lỵ, mót rặn:

Nguyên liệu gồm thược dược, hoàng cầm mỗi vị 12g; 4g hoàng liên; hậu phác, quảng trần bì mỗi thứ 6g; thêm 3,2g mộc hương. Đem hỗn hợp trên sắc uống mỗi ngày.

Hoàng cầm 16g; mạch nha, mai mực mỗi vị 20g; cam thảo 6g; 2g ngô thù du, 12g sơn chi, 12g đại táo. Đem toàn bộ nguyên liệu vào sắc cùng 1 lít nước đến khi nước cạn thành 350ml rồi uống trong 3 lần mỗi ngày.

  • Bài thuốc điều trị rối loạn tiền mãn kinh:

Sử dụng 8g điều cầm tâm ngâm cùng nước giấm gạo trong 1 tuần sau đó để khô rồi tẩm tiếp. Thực hiện đều đặn như vậy trong 7 lần rồi tán dược liệu thành bột mịn. Nặn hồ với giấm thành viên to bằng hạt noog đồng lớn. Mỗi lần sử dụng 70 viên khi đói; dùng cùng rượu nóng ngày 2 lần để tăng hiệu quả.

Trễ kinh kèm đau bụng âm ỉ
Một số bài thuốc có chứa hoàng cầm có tác dụng chữa đau bụng, kiết lỵ hiệu quả

5. Lưu ý khi sử dụng hoàng cầm

  • Hiện nay chưa tìm ra độc dược trong hoàng cầm có thể gây hại tới cho sức khỏe, tuy nhiên trước khi sử dụng hoàng cầm để uống cần lưu ý 1 số quy tắc dưới đây để tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn:
  • Những người tỳ vị hư hàn nhưng không có thấp nhiệt, thực thỏa, phụ nữ mang thai không nên sử dụng.
  • Không sử dụng hoàng cầm với một số đối tượng: phế có hư nhiệt, bị tiêu chảy do hàn hoặc do hạ tiêu có hàn.
  • Không kết hợp hoàng cầm với các thảo dược khác sơn thù du, mẫu đơn, đơn sa, long cốt, hành sống.
  • Liều lượng: Thông thường mỗi người chỉ nên sử dụng từ 12g – 20g hoàng cầm mỗi ngày. Tốt nhất nên hỏi ý kiến của thầy thuốc, không tự ý sử dụng để uống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

35.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan