Dấu hiệu cơ thể thiếu chất kali

Kali là một trong những khoáng chất quan trọng nhất của cơ thể. Nó giúp điều chỉnh cân bằng dịch, quá trình co cơ và các tín hiệu thần kinh. Do vậy, quan trọng là nhận biết được những dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang trong tình trạng thiếu kali để giúp bạn kịp thời bổ sung nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.

1.Vai trò của kali đối với cơ thể là gì?

Kali đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của hệ tim mạch, thần kinh và cả cơ bắp. Kali có vai trò đối với hoạt động của tế bào và cả mức độ điện học. Trong cơ thể, kali có thể được tìm thấy ở hồng cầu, các cơ và xương. Các vai trò quan trọng của kali bao gồm:

1.1 Điều hòa cân bằng dịch

Kali có vai trò trong việc điều chỉnh cân bằng chất lỏng của cơ thể. Cơ thể có khoảng 60% là nước, trong đó 40% lượng nước này được tìm thấy bên trong tế bào (chất lỏng nội bào), phần còn lại được tìm thấy bên ngoài tế bào trong các khu vực như máu, dịch tủy sống và giữa các tế bào (chất lỏng này được gọi là chất lỏng ngoại bào). Lượng nước trong nội bào và ngoại bào bị ảnh hưởng bởi nồng độ chất điện giải, đặc biệt là kali và natri. Kali là chất điện giải chính trong nội bào và có vai trò quyết định lượng nước bên trong tế bào. Ăn một chế độ ăn giàu kali và bổ sung đủ nước có thể giúp duy trì sự cân bằng dịch cho cơ thể.

1.2 Tham gia vào quá trình co cơ

Hệ thống thần kinh giúp điều chỉnh sự co cơ. Khi nồng độ kali trong máu bị thay đổi có thể ảnh hưởng đến các tín hiệu thần kinh và làm suy yếu các cơn co thắt cơ. Nồng độ kali trong máu dù cao hay thấp đều có thể ảnh hưởng đến các xung thần kinh bằng cách thay đổi điện áp của các tế bào thần kinh. Kali cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, vì sự di chuyển của nó vào và ra khỏi tế bào giúp duy trì nhịp tim đều đặn. Khi nhịp tim bị rối loạn, nó không thể bơm máu lên não, các cơ quan và cơ một cách hiệu quả. Trong một số trường hợp, tình trạng rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều do hạ kali máu có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

1.3 Vai trò trong điều hòa huyết áp

Huyết áp là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Chế độ ăn giàu kali có thể giúp làm hạ huyết áp thông qua loại bỏ lượng natri dư thừa trong cơ thể. Một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ cho thấy khi bổ sung kali có thể giúp làm giãn các mạch máu và giãn các cơ trơn. Một số nghiên cứu khác cũng chứng minh rằng chế độ ăn có nhiều kali có thể làm hạ huyết áp, thậm chí ăn nhiều kali còn có thể giúp giảm liều các thuốc điều trị tăng huyết áp ở những bệnh nhân tăng huyết áp do “tăng nhạy cảm natri”. Một vài nghiên cứu khác còn cho thấy bổ sung thêm kali trong khẩu phần ăn có thể làm giảm biến chứng của bệnh tăng huyết áp nhưng điều này cần được chứng minh bởi các nghiên cứu có quy mô lớn hơn.

cơ thể thiếu chất kali
Kali đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động của hệ tim mạch, thần kinh và cả cơ bắp

1.4 Kali có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi đột quỵ

Chế độ ăn giàu kali có thể giúp chúng ta ngăn ngừa đột quỵ. Trong một phân tích bao gồm 33 nghiên cứu với gần 128700 người tham gia, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng những người ăn nhiều kali có nguy cơ đột quỵ thấp hơn 24% so với những người ăn ít kali. Ngoài ra, một phân tích khác bao gồm 11 nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng những người ăn nhiều kali có nguy cơ đột quỵ giảm tới 21% so với những người ăn ít kali. Đồng thời, họ cũng phát hiện ra rằng chế độ ăn giàu kali có khả năng liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.

1.5 Sản xuất enzyme

Một số enzyme cần phải sử dụng kali để sản xuất và duy trì hoạt động. Ví dụ như quá trình sử dụng adenosine triphosphate trong tạo năng lượng cần cả 2 khoáng chất là kali và natri. Kali cũng có vai trò kích hoạt enzyme pyruvate kinase, một enzym quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate.

1.6 Duy trì sức khỏe của xương

Loãng xương là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi và phụ nữ mãn kinh, đặc trưng bởi xương xốp và rỗng. Loãng xương thường liên quan đến hàm lượng canxi thấp. Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn giàu kali có thể giúp phòng ngừa loãng xương thông qua giảm lượng canxi cơ thể bị mất qua nước tiểu. Trong một nghiên cứu ở 62 phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi 45–55, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn nhiều kali có tổng khối lượng xương lớn hơn. Trong một nghiên cứu khác với 994 phụ nữ tiền mãn kinh khỏe mạnh, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người ăn nhiều kali sẽ có nhiều xương hơn ở lưng dưới và vùng hông.

2. Nguyên nhân nào dẫn tới thiếu hụt kali?

2.1. Dùng thuốc lợi tiểu

Các thuốc lợi tiểu như nhóm furosemid có thể gây giảm kali máu. Khi dùng lợi tiểu, các bác sĩ thường làm các xét nghiệm sinh hóa máu để theo dõi nồng độ kali trong máu và tư vấn chế độ ăn giàu kali hoặc kê thêm các thuốc bổ sung kali nếu cần thiết.

2.2. Bệnh thận

Bệnh nhân suy thận có thể làm giảm đào thải kali và làm tăng nồng độ kali trong máu. Tuy nhiên, một số bệnh lý khác về thận có khả năng làm giảm kali máu như bệnh cường aldosteron. Bệnh này sẽ làm cơ thể tăng sản xuất aldosteron, một loại hormone có vai trò giữ natri, nước và tăng bài tiết kali. Do đó, kết quả là nồng độ kali trong máu sẽ giảm. Ngoài ra, bệnh nhân có hội chứng Fanconi cũng thường có nồng độ kali thấp.

2.3. Sử dụng thuốc kháng sinh

Một số loại kháng sinh có thể làm giảm kali như gentamicin, amphotericin B và carbenicillin. Nếu bạn dễ bị hạ kali máu khi dùng kháng sinh thì nên ăn chế độ giàu kali. Đối với một số trường hợp bác sĩ sẽ có thể kê thêm các thuốc bổ sung kali.

cơ thể thiếu chất kali
Sử dụng thuốc kháng sinh có thể dẫn tới thiếu hụt kali

2.4. Rối loạn tiêu hóa

Những bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài hoặc tiêu chảy nặng có thể làm mất kali máu và nhiều chất điện giải khác. Những bệnh nhân bị nôn nhiều cũng có thể dẫn tới tình trạng tương tự. Hạ kali máu ở các bệnh nhân nôn ói hay tiêu chảy nặng có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm như rối loạn nhịp tim.

2.5 Ra mồ hôi quá nhiều

Cơ thể có thể bị ra mồ hôi quá nhiều sau khi tập luyện thể thao quá sức, làm việc dưới trời nắng nóng kéo dài, khi bị sốt cao. Các tình trạng trên có thể làm mất điện giải qua mồ hôi và gây giảm kali máu. Trong trường hợp đó bạn có thể bổ sung thêm kali qua thức uống giàu điện giải hoặc các viên thuốc bổ sung.

3. Thiếu kali sẽ thế nào?

Thiếu kali có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ thiếu hụt. Các dấu hiệu thiếu kali điển hình bao gồm:

  • Đánh trống ngực: Hiện tượng đánh trống ngực có thể chỉ thoáng qua nên nhiều người thường ít quan tâm và khi phát hiệu thì bệnh đã ở giai đoạn nặng hơn. Do đó, khi có tình trạng đánh trống ngực bất thường, bạn cần đi thăm khám để sớm phát hiện ra bệnh.
  • Mệt mỏi: Mệt mỏi là một trong những biểu hiện thường gặp nhất khi cơ thể thiếu chất kali. Tuy nhiên, mệt mỏi cũng xảy ra trong nhiều bệnh lý khác hay đơn giản là do có thể làm việc quá sức. Do đó, nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi bất thường, hãy đến bệnh viện khám để kịp thời phát hiện nguyên nhân.
  • Choáng váng hoặc ngất: nếu lượng kali trong cơ thể quá thấp sẽ làm dẫn tới nhược cơ tim, làm chậm nhịp tim và khiến bạn cảm thấy choáng hoặc thậm chí là ngất.
  • Tăng huyết áp: Kali có tác dụng làm giãn mạch và giúp hạ huyết áp. Khi có thể thiếu hụt kali, bệnh nhân rất dễ gặp phải tình trạng tăng huyết áp.
  • Yếu cơ, nhược cơ: Kali có vai trò quan trọng đối với sức khỏe cơ bắp. Do vậy dấu hiệu khi thiếu kali là thường bị chuột rút, co cứng cơ và đau mỏi cơ bất thường.
  • Tê và đau buốt: Kali có vai trò trong quan trọng đối với các tín hiệu thần kinh. Do vậy khi cơ thể bị thiếu hụt kali bạn sẽ có cảm giác bị tê và đau buốt như kim châm tại một số vị trí trên cơ thể.
  • Cảm giác ngứa ran: Khi bị thiếu kali, cảm giác tê ngứa là một trong những dấu hiệu của bệnh. Đây chỉ là biểu hiện thoáng qua, khó nhận biết nên thường bị bỏ qua. Nếu bạn bỗng nhiên cảm thấy tê ngứa ở tay và chân, cùng với một trong các triệu chứng đã nêu ở trên thì nên đến bệnh viện để kiểm tra lượng kali. Lưu ý là cảm giác tê ngứa còn là biểu hiện do bổ sung quá nhiều kali. Vì vậy, việc kiểm tra nồng độ kali máu là khá quan trọng để giúp chẩn đoán và phân biệt nguyên nhân gây bệnh.
  • Táo bón: Nguyên nhân là do hệ tiêu hóa không hoạt động hiệu quả khi lượng kali trong cơ thể bị sụt giảm. Vì vậy, thiếu kali cũng có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi và đặc biệt là táo bón.
cơ thể thiếu chất kali
Mệt mỏi là một trong những biểu hiện thường gặp nhất khi cơ thể thiếu chất kali

4. Cách bổ sung kali như thế nào?

Cơ quan dược phẩm Hoa Kỳ khuyến cáo nên bổ sung ít nhất 350mg kali qua thức ăn hoặc dùng thuốc và chế độ ăn nhạt ít muối ở những bệnh nhân cao huyết áp. Điều này có thể giúp giảm 40% biến chứng đột quỵ ở các bệnh nhân này. Theo khuyến cáo thì lượng kali nên bổ sung ở người bình thường là từ 90mmol/ngày. Các loại thực phẩm giàu kali bao gồm rau mùi tây, mơ khô, sôcôla, hạnh nhân, khoai tây, măng, chuối, đu đủ, bơ, đậu nành, rau, thịt cá,... Nhưng trong một số trường hợp, bạn có thể phải bổ sung kali bằng cách sử dụng các loại thuốc uống hay thậm chí là truyền kali nếu hạ kali máu nặng. Hiện nay, vẫn chưa có giới hạn liều kali trên là bao nhiêu có thể gây hại. Tuy nhiên bổ sung quá nhiều kali có thể làm rối loạn hoạt động của cơ thể và gây nguy hiểm. Do vậy, bạn không nên tự ý bổ sung các loại thuốc kali nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Tóm lại kali là một chất điện giải thiết yếu của cơ thể. Chế độ ăn giàu kali còn có thể giúp giảm huyết áp, bảo vệ chúng ta khỏi đột quỵ và ngăn ngừa loãng xương, sỏi thận. Do vậy, bạn cần kịp thời nhận biết các dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt kali để nhanh chóng điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan