Bệnh tiểu đường loại 2 ảnh hưởng đến trí nhớ như thế nào?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng suy giảm trí nhớ và bệnh tiểu đường có mối liên quan với nhau. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Vậy căn bệnh này ảnh hưởng đến trí nhớ như thế nào?

1. Các khái niệm liên quan về bệnh tiểu đường và tình trạng suy giảm trí nhớ

Tình trạng suy giảm trí nhớ do tuổi già khác với bệnh Alzheimer hoặc thoái hóa do các bệnh mãn tính khác. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có mối liên quan giữa mức đường huyết cao (tiểu đường) và bệnh Alzheimer.

Tiểu đường là căn bệnh đặc trưng bởi tình trạng mức đường huyết cao, xảy ra khi tuyến tụy giảm sản xuất hormone insulin điều hòa đường huyết. Có 2 loại tiểu đường là tiểu đường tuýp 1 (cơ thể có các kháng thể chống lại tế bào sản xuất insulin ở tụy) và tiểu đường tuýp 2 (tuyến tụy giảm sản xuất insulin, không điều hòa được đường huyết trong máu, có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới não bộ).

Suy giảm trí nhớ là hiện tượng bình thường ở tuổi già. Các biểu hiện thường gặp là quên tên, đặt sai vị trí đồ vật,... Những triệu chứng này không ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Những triệu chứng nặng hơn của suy giảm trí nhớ gồm:

  • Quên những từ ngữ thông dụng;
  • Lặp lại những câu hỏi có nội dung giống nhau;
  • Hay lạc đường, không nhớ đường;
  • Thay đổi tâm trạng thất thường.

2. Tình trạng suy giảm trí nhớ ở người tiểu đường loại 2

Các biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường khá thường gặp. Các nghiên cứu cho thấy những người mắc tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn. Họ cũng có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ - mất trí nhớ do tổn thương mạch máu và lưu lượng máu lên não kém. Bên cạnh đó, họ có nhiều nguy cơ bị suy giảm nhận thức nhẹ, mắc các vấn đề về trí nhớ,... Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị suy giảm trí nhớ.

Bệnh tiểu đường làm tổn thương các mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Điều này khiến người bệnh dễ mắc chứng sa sút trí tuệ. Mối liên hệ giữa ảnh hưởng của tiểu đường đến trí nhớ còn liên quan đến tình trạng kháng insulin. Ở những bệnh nhân tiểu đường, cơ thể không sử dụng tốt hormone insulin - hormone di chuyển từ máu vào các tế bào. Một số nhà khoa học cho rằng người bệnh tiểu đường có thể bị kháng insulin trong não. Con người cần insulin để đảm bảo các tế bào não khỏe mạnh. Kháng insulin có thể làm tổn thương các tế bào não, gây mất trí nhớ.

suy giảm trí nhớ và bệnh tiểu đường
Người mắc tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc Alzheimer cao hơn

3. Lời khuyên cho bệnh nhân tiểu đường

Bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát tốt lượng đường trong máu để bảo vệ mạch máu, ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương thần kinh, bệnh thận và suy giảm thị lực. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không giảm lượng đường quá mức. Nếu lượng đường trong máu quá thấp cũng có thể gây hại cho trí nhớ và thần kinh. Do đó, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về việc đảm bảo giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.

Bệnh nhân tiểu đường còn cần chú ý tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi các vấn đề về tim và mạch máu có thể dẫn tới suy giảm trí nhớ. Bạn nên theo dõi huyết áp, đảm bảo lượng cholesterol được kiểm soát tốt.

Đồng thời, người bệnh nên duy trì thói quen vận động. Bạn có thể thu được nhiều lợi ích cho sức khỏe nhờ thói quen tập thể dục. Một số nghiên cứu về những người có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cho thấy việc tập thể dục có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Do đó, bệnh nhân nên cố gắng đi bộ ít nhất 30 phút/ngày hoặc tập thể dục với cường độ vừa phải.

Cuối cùng, bạn cần kiểm soát trọng lượng cơ thể. Những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2 cần giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Một số nghiên cứu cho thấy béo phì ở tuổi trung niên khiến con người có nguy cơ mất trí nhớ về sau. Trong khi đó, chỉ cần giảm từ 5 - 10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp bạn ngăn ngừa bệnh tiểu đường, kiểm soát được các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch, đồng thời tránh nguy cơ suy giảm trí nhớ. Bạn có thể giảm cân thông qua việc tập thể dục, thay đổi chế độ dinh dưỡng,...

Suy giảm trí nhớ ở người tiểu đường hoàn toàn có thể được kiểm soát nếu bệnh nhân chú ý duy trì trọng lượng cơ thể và đường huyết ở mức ổn định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan