Sâu răng hàm ở trẻ em: Dễ mắc, khó chữa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng cho các con ngay từ khi còn nhỏ là nhiệm vụ rất quan trọng của cha mẹ để giữ gìn hàm răng của trẻ sau này. Răng hàm bị sâu là vấn đề thường gặp ở trẻ và rất dễ ảnh hưởng tiêu cực đến việc mọc răng mới của trẻ.

1. Vì sao trẻ dễ mắc sâu răng

Răng hàm đóng vai trò quan trọng trong việc nhai và nghiền thức ăn. Răng hàm là răng dễ dàng bị sâu nhất ở trẻ, do nằm trong cùng,lại khó vệ sinh hơn các răng khác, thức ăn đọng lại, mảng bám, bám vào răng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn hình thành, phát triển và gây bệnh. Răng hàm số 6 thường là răng vĩnh viễn mọc sớm nhất trong quá trình thay răng của trẻ nhỏ.

Rất nhiều cha mẹ có tư tưởng chủ quan đối với vấn đề sâu răng ở trẻ, bởi vì cho rằng đây chỉ là răng sữa và sớm muộn nó cũng sẽ được thay thế bởi răng khác. Nhưng đây là một tư tưởng hoàn toàn sai lầm, vì răng sữa trên thực tế đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí, không bị xô lệch.

2. Nguyên nhân gây sâu răng hàm

Sâu răng hàm
Nguyên nhân chủ yếu gây sâu răng hàm do đồ ngọt và chế độ vệ sinh

Răng hàm là răng cứng nhất trong bộ răng sữa của trẻ. Để phát hiện ra sâu răng hàm cũng rất khó, vì nó nằm sâu bên trong, phải có những dụng cụ nha khoa thì mới có thể phát hiện được sâu ở răng hàm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sâu răng hàm ở trẻ, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn do đồ ngọt và chế độ vệ sinh răng miệng của trẻ.

Đồ ngọt luôn là đồ ăn ưa thích của trẻ nhỏ. Ngay cả đối với nhiều người lớn, họ cũng không thể cưỡng lại được sự hấp dẫn của đồ ngọt. Việc tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt có thể gây nên rất nhiều chứng bệnh. Ở trẻ nhỏ, đồ ngọt là nguyên nhân chính dẫn tới sâu răng, trong đó có sâu răng hàm. Hầu hết trẻ ở lứa tuổi mới mọc răng thường được cha mẹ cho ăn đồ ngọt thỏa thích. Họ cho rằng trẻ mới lớn cần được ăn uống thoải mái, răng sâu cũng không quan trọng vì chỉ là răng sữa, sau này sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn.

Đây là một quan niệm sai lầm dẫn tới việc sâu răng ở trẻ nhỏ trở nên phổ biến. Chất đường cũng rất quan trọng với trẻ. Nhưng đường có chứa trong các đồ ăn ngọt nếu sử dụng quá nhiều sẽ không tốt cho trẻ, nó tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công khoang miệng. Các cha mẹ không nên cho phép con mình ăn quá nhiều đồ ngọt, nên bổ sung đường thông qua các thực phẩm có sẵn trong thiên nhiên như hoa quả, thay vì đường trong các loại đồ ăn chế biến sẵn. Sau khi ăn đồ ăn có đường xong nên tập cho trẻ thói quen súc miệng bằng nước lọc sạch sẽ.

Vấn đề chăm sóc răng miệng cũng là một trong những nguyên nhân gây sâu răng hàm. Trẻ cần được chải răng thường xuyên, ít nhất mỗi lần sau mỗi bữa ăn. Cha mẹ và thầy, cô giáo cần hướng dẫn trẻ chải răng nhẹ nhàng và đúng cách, ngăn ngừa mảng bám dẫn đến sâu răng.

3. Những tác hại khi răng hàm của trẻ bị sâu

Sử dụng răng hàm để xé, nhai và nghiền thức ăn cho nhuyễn trước khi đưa xuống dạ dày tiêu hóa. Vậy nếu răng hàm bị sâu, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc nghiền thức ăn. Thức ăn không được nhai kỹ trước khi đưa xuống bộ phận tiêu hóa, khiến cho bộ tiêu hóa hoạt động vất vả, khó khăn hơn. Trẻ sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc ăn các loại thức ăn. Nhiều trẻ sẽ biếng ăn, bỏ bữa, thậm chí sẽ khiến trẻ bị đau dai dẳng kể cả trong lúc ngủ.

Răng sữa mang tính định hướng cho răng vĩnh viễn sau này mọc lên. Răng hàm sữa cũng vậy, nếu răng hàm sữa bị sâu sớm, vi khuẩn sẽ hủy hoại từ ngoài vào trong. Nếu nhổ răng hàm sữa mà chưa đến tuổi trẻ thay răng ( dưới 6 tuổi) thì lợi của trẻ sẽ bị khô lại, răng hàm vĩnh viễn rất khó khăn để mọc được. Nếu xảy ra tình trạng này, răng hàm mới mọc có thể sẽ chèn lên các răng phía trước, gây ảnh hưởng tới cấu trúc của cả hàm răng. Răng mọc lệch không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng chung đến sức khỏe của trẻ.

Sâu răng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ biến chứng gây viêm tủy, viêm nha chu, hình thành các túi mủ và ổ áp xe khiến viêm nhiễm lan xuống xương ổ răng, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng.

4. Điều trị sâu răng cho trẻ có khó khăn không?

Trẻ bị sâu răng hàm có thể được điều trị theo nhiều phương pháp, tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh.

Nếu mới chớm sâu, các nha sĩ có thể sử dụng phương pháp trám răng, ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn sâu răng. Nếu răng bị vi khuẩn tàn phá nặng nề, cha mẹ cần cân nhắc việc nhổ bỏ chiếc răng này. Tuy nhiên, việc nhổ bỏ răng hàm ở trẻ dù có thể chấm dứt cơn đau cho trẻ, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng lớn tới việc mọc răng sau này. Răng hàm bị nhổ sớm khiến răng hàm vĩnh viễn mọc lên có thể sẽ chèn vào vị trí mọc của các răng khác, ảnh hưởng tới chức năng của răng và vấn đề thẩm mỹ.

5. Chăm sóc và vệ sinh răng miệng đúng cách

Đánh răng
Cần rèn luyện thói quen đánh răng đúng cách cho trẻ

Thức ăn, bánh kẹo ngọt sẽ là nguyên nhân chính gây phá hủy khoáng ở tổ chức cứng của răng nhanh hơn, đặc biệt là dễ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Nếu các cha mẹ thường xuyên cho trẻ ăn đồ ngọt vào buổi tối và không vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ thì khả năng sâu răng là điều tất yếu. Các cha mẹ cần chọn thời điểm thích hợp khi cho con ăn ngọt, cũng không nên cấm tuyệt đối. Cần rèn luyện thói quen đánh răng đúng cách cho trẻ và súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy vào buổi sáng.

Nếu trường hợp răng của trẻ đã bắt đầu xuất hiện những điểm ố vàng thì đây có thể coi là dấu hiệu đầu tiên của quá trình sâu răng hình thành. Thời điểm này có thể bôi flour hoặc sử dụng kem đánh răng flour để dự phòng và hạn chế quá trình tiến triển. Tuy nhiên việc chăm sóc vệ sinh răng miệng cho trẻ bị sâu răng hàm đúng cách vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Dưới đây là cách chải răng các bậc cha mẹ phải nắm rõ để giữ một sức khỏe răng miệng tốt nhất cho trẻ:

  • Đặt bàn chải nghiêng 45 độ về hướng đường viền nướu răng mặt ngoài. Chải 6-8 lần phần kẽ răng và các khe nướu.
  • Chải xung quanh 4 bề mặt răng. Hãy nhớ là chải theo hướng vuông góc với mặt đất. Cách này sẽ giúp lông bàn chải di chuyển vào kẽ răng của trẻ lấy đi lượng thức ăn thừa và vi khuẩn.
  • Tưa phần lưỡi của trẻ bằng bàn chải lông mềm hoặc khăn mặt có bề mặt mềm và mịn để giảm thiểu các vi khuẩn trong khoang miệng.
  • Lưu ý: Bàn chải dùng để chải răng cho trẻ phải là loại bàn chải lông mềm. Khi chải thì chải đều tay tất cả các bề mặt răng của trẻ, đặc biệt là răng hàm, chải nhẹ nhàng, tránh dùng lực quá nhiều gây nhạy cảm cho vùng lợi của trẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám nha sĩ 3-6 tháng/ lần giúp trẻ có một hàm răng chắc khỏe.

BSCK I Nguyễn Trung Hậu đã có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành Răng Hàm Mặt, bác sĩ Hậu đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật hàm mặt, nha khoa thẩm mỹ, cấy ghép Implant. Hiện là Bác sĩ Răng Hàm Mặt tại Phòng khám Liên Chuyên khoa Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02439743556 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội.

38.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan