Vỡ ối non xảy ra trong trường hợp nào?

Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Vỡ ối non là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm mà các bà mẹ có thể gặp phải trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Hai trong số những hậu quả có thể gặp phải của việc vỡ ối non đó là sinh non và nhiễm trùng ối. Các thai phụ cần trang bị cho mình những kiến thức về dấu hiệu vỡ ối non để có thể phát hiện và xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

1. Vỡ ối non là gì?

Vỡ ối non (Premature rupture of membranes- PROM) là hiện tượng màng ối bị vỡ trước khi khởi phát sự chuyển dạ. Nếu sau một giờ vỡ ối mà vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ thì có thể gọi đó là vỡ ối non.

Theo thống kê, có khoảng 8% - 10% thai phụ gặp tình trạng vỡ ối non, chiếm 1⁄4 trong các nguyên nhân dẫn đến việc sinh non.


Khoảng 8%-10% thai phụ gặp trường hợp bị vỡ ối non
Khoảng 8%-10% thai phụ gặp trường hợp bị vỡ ối non

2. Vỡ ối non nguy hiểm như thế nào?

Nước ối bắt đầu hình thành vào khoảng ngày thứ 12 sau khi thụ thai. Thai nhi nằm trong tử cung và được bao bọc xung quanh bởi dịch nước ối. Đây chính là môi trường chứa chất dinh dưỡng, nó có khả năng tái tạo và trao đổi, giữ vai trò quan trọng quyết định đến sự sống còn và phát triển của thai nhi. Ngoài ra, túi ối còn có chức năng như một chiếc đệm bảo vệ thai nhi khỏi những va chạm, sang chấn, đảm bảo môi trường vô trùng cho trẻ phát triển. Khi thai phụ bước vào giai đoạn chuyển dạ, màng ối vỡ ra, tính nhờn của nước ối có chức năng bôi trơn đường sinh dục của mẹ giúp thai nhi dễ được sinh ra hơn.

Bởi vì túi ối đóng một vai trò hết sức quan trọng, nên việc vỡ ối non khi thai nhi chưa đủ số tuần tuổi có thể gây ra những hậu quả với mức độ khác nhau, tùy thuộc vào độ trưởng thành của thai nhi. Thường gặp nhất đó là:

Trắc nghiệm: Mẹ bầu nên làm gì khi bị thiếu ối?

Nước ối đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của thai nhi. Trường hợp lượng ối quá ít (thiểu ối) thì sẽ tiềm ẩn những nguy cơ như gây thiểu sản phổi, chèn ép dây rốn,... Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn có những cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Tạ Quốc Bản , chuyên khoa Sản phụ khoa , Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Tạ Quốc Bản
Tạ Quốc Bản
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Sản phụ khoa
Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

  • Nhiễm trùng do vỡ ối non

Môi trường trong túi ối vốn là môi trường vô trùng, có chức năng bảo vệ thai nhi khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn. Khi màng ối bị vỡ và dịch ối rò rỉ ra bên ngoài thì hàng rào bảo vệ này cũng mất tác dụng. Lúc này, vi khuẩn từ bên ngoài có thể xâm nhập vào túi ối và gây tổn thương cho thai nhi, dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn ối, nhiễm khuẩn sơ sinh hay nhiễm khuẩn hậu sản.Nhiễm trùng ối xảy ra khi ngôi thai chưa được ổn định có thể dẫn tới tình trạng sa dây rốn, thậm chí còn có trường hợp biến chứng dẫn rụng rốn khiến thai nhi không còn lấy được dinh dưỡng và oxy. Ngoài ra, khi thai nhi bị nhiễm trùng, sẽ có nguy cơ cao bị suy hô hấp khi chào đời.Nếu có sự hiện diện của các vi khuẩn gây nhiễm trùng đường sinh dục dưới như Neisseria gonorrhea, liên cầu nhóm B,....thì nguy cơ nhiễm trùng tử cung sẽ tăng cao.

  • Sinh non

Khi tình trạng vỡ ối non xảy ra kèm theo nhiễm trùng và biến chứng thì các bác sĩ sẽ chỉ định mổ để lấy thai. Nếu trẻ sinh ra khi chưa đủ 37 tuần tuổi thì thường sẽ gặp những nguy cơ lâu dài về sức khỏe như bệnh về hô hấp, bệnh về thị giác hay nhiễm trùng. Trong trường hợp trẻ ra đời trước tuần thứ 24 của thai kỳ thì thường không có nhiều cơ hội để sống sót. Ngoài ra, nếu vỡ ối non dẫn đến việc chuyển dạ sớm thì các trẻ sinh non cũng sẽ đối mặt với những nguy cơ tương tự vì lúc này các chức năng trong cơ thể của trẻ chưa thực sự hoàn thiện.


Vỡ ối non cũng dẫn đến việc thai phụ chuyển dạ sớm và sinh non
Vỡ ối non cũng dẫn đến việc thai phụ chuyển dạ sớm và sinh non

3. Vỡ ối non xảy ra trong trường hợp nào?

Các trường hợp thai phụ có thể gặp tình trạng vỡ ối non là:

Nhau tiền đạo là hiện tượng nhau thai nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung, khi đó bánh nhau sẽ che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Triệu chứng thường gặp nhất của nhau tiền đạo chính là xuất huyết âm đạo bất thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây vỡ ối non cho thai phụ.

  • Đa ối, đa thai

Đa ối là tình trạng lượng dịch ối tăng cao đến mức dư thừa. Thông thường, được chẩn đoán khi lượng dịch ối tăng đến 2000ml hoặc hơn. Khi lượng dịch ối tăng nhanh, thai phụ sẽ cảm thấy ngày càng nặng nề và khó chịu. Tình trạng đa ối xuất hiện càng sớm và lượng ối càng nhiều thì biến chứng càng nguy hiểm. Khi lượng dịch ối trong tử cung quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng vỡ ối non.

Đa thai là hiện tượng thai phụ có nhiều hơn một thai nhi ở trong tử cung ở cùng một lần mang thai. Thông thường, việc mang đa thai là niềm hạnh phúc của nhiều bà mẹ. Tuy nhiên thai phụ mang đa thai cần phải cẩn trọng vì tỷ lệ gặp những biến chứng thai kỳ sẽ cao hơn so với những thai phụ bình thường khác. Trong số đó, vỡ ối non dẫn đến sinh non là tình trạng thường gặp. Theo thống kê, có hơn 50% số ca song sinh phải sinh non, và hầu hết tất cả những ca sinh ba đều gặp tình trạng tương tự.

  • Hở eo tử cung

Thông thường, phần eo và cổ tử cung sẽ đóng kín, nó chỉ mở khi hành kinh nhằm giúp kinh nguyệt thoát ra ngoài. Trong suốt quá trình mang thai eo tử cung và cổ tử cung sẽ luôn đóng kín, chỉ đến thời kỳ chuyển dạ thì cổ tử cung mới có hiện tượng mở ra để cho em bé và các phần phụ khác của thai đi ra ngoài.

Hở eo tử cung là tình trạng cổ tử cung mở trong thời kỳ mang thai, trước khi chuyển dạ. Khi thai trên 16 tuần tuổi, áp lực trong túi ối tăng lên, tác động vào cổ tử cung làm cổ tử cung mở dần ra, dẫn đến vỡ ối non. Hậu quả là sẩy thai hoặc sinh non.

  • Ngôi thai bất thường

Ngôi thai được hiểu là tư thế của thai nhi so với cổ tử cung người mẹ. Thông thường, ngôi thai đầu (hay ngôi thai thuận) được xem là ngôi thai thuận lợi nhất cho việc sinh nở. Ngôi thai đầu nghĩa là đầu của trẻ sẽ hướng về phía âm hộ, mông trẻ hướng về phía ngực của mẹ. Khi sinh, đầu của trẻ sẽ ra đầu tiên, tay chân trẻ xuôi ra phía sau.

Ngoài ngôi thai đầu còn có ngôi mông (hay ngôi ngược) và ngôi ngang. Đây chính là những ngôi thai bất thường, gây nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Những thai phụ có ngôi thai bất thường cần thường xuyên theo dõi tình trạng thai nhi, nên nghỉ ngơi vào ba tháng cuối thai kỳ để tránh tình trạng vỡ ối non gây sinh non hay nguy hiểm cho trẻ.


Trường hợp ngôi thai bất thường cũng dẫn đến dễ vỡ ối non
Trường hợp ngôi thai bất thường cũng dẫn đến dễ vỡ ối non

4. Các dấu hiệu khi bị vỡ ối non

Khi bị vỡ ối non, các bà mẹ sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Có dịch chảy bất thường ở âm đạo, đặc biệt là khi dùng băng vệ sinh vẫn thấy có dịch trắng thấm ướt, có mùi tanh.
  • Khi túi ối vỡ, thai phụ có thể cảm nhận được tiếng “bục” và nước ối bắt đầu tràn ra từ vùng kín, trong một số trường hợp dịch ối sẽ rò rỉ từng chút một, vì vậy nhiều người không phân biệt được dấu hiệu này với tình trạng tiểu són.

Các bà mẹ nên chú ý theo dõi những thay đổi của cơ thể vào ba tháng cuối thai kỳ để kịp thời phát hiện và xử trí nếu hiện tượng vỡ ối non xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe