Viêm cổ tử cung khi mang thai nguy hiểm không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm cổ tử cung là bệnh lý khá phổ biến với không chỉ phụ nữ bình thường lẫn phụ nữ đang mang thai. Cũng như các bệnh phụ khoa khác, viêm cổ tử cung nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người mẹ và bé.

1. Viêm cổ tử cung là gì?

Cổ tử cung là phần thấp nhất của tử cung, có vai trò sản xuất dịch nhầy để dễ dàng giao hợp, tạo cơ hội cho tinh trùng dễ dàng vào sâu bên trong tử cung để tới ống dẫn trứng thụ thai.

Viêm cổ tử cung là tình trạng viêm nhiễm, nhiễm khuẩn gây tổn thương ở cổ tử cung. Viêm cổ tử cung khi mang thai cũng là tình trạng khá phổ biến. Thường trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ là thời gian mẹ bầu rất dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, đặc biệt là viêm cổ tử cung.

Biểu hiện chung của viêm cổ tử cung khi mang thai là: Cổ tử cung bị sưng tấy, viêm nhiễm, âm đạo tiết dịch nhiều, có mùi khó chịu, cảm giác đau, ngứa rát vùng kín.

Nếu chị em vẫn tiếp tục quan hệ lúc này có thể khiến tình trạng viêm cổ tử cung khi mang thai nhiễm nặng hơn.

2. Nguyên nhân viêm cổ tử cung khi mang thai

Các nguyên nhân gây viêm cổ tử cung khi mang thai bao gồm:

  • Mất cân bằng nội tiết khi mang thai.
  • Vệ sinh vùng kín quá cẩn thận hoặc quá sơ sài.
  • Môi trường âm đạo thay đổi: việc lạm dụng chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm vệ sinh sẽ gây mất cân bằng độ pH và tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập.
Âm đạo của bạn thay đổi thế nào sau khi sinh con?
Môi trường âm đạo thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập
  • Mặc quần lót chật, bó sát khiến vùng kín bức bí dễ sinh vi khuẩn.
  • Vùng kín ẩm ướt và tiết dịch nhiều khiến vi khuẩn sản sinh mạnh xâm nhập vào cổ tử cung gây viêm nhiễm.
  • Quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến mắc các bệnh lý phụ khoa.
  • Đã từng viêm nhiễm phụ khoa nhưng không điều trị triệt để.
  • Người mẹ đã từng sảy thai, nạo thai hoặc sinh non nhưng không chăm sóc kĩ gây viêm nhiễm.

3. Viêm cổ tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?

Mang thai là giai đoạn rất nhạy cảm và cần đặc biệt chú ý nếu thai phụ không may mắc các bệnh lý viêm nhiễm.

Viêm cổ tử cung khi mang thai nếu không có biện pháp can thiệp, điều trị sớm thì sẽ có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.

Cụ thể:

  • Nếu mẹ bị viêm cổ tử cung khi mang thai do nhiễm nấm Candida, con sinh thường có thể bị nấm dính vào niêm mạc miệng gây nấm miệng hoặc viêm da do nấm.
  • Nguy hiểm hơn, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng hoặc tăng nguy cơ sinh non, sức đề kháng yếu, viêm phổi do nấm.
  • Nếu mẹ bị viêm cổ tử cung do lậu cầu, vi khuẩn từ dịch tiết ở đường sinh dục của mẹ có thể xâm nhập vào mắt trẻ sơ sinh gây nên tình trạng viêm kết mạc mắt, khiến mắt trẻ bị sung huyết, có mủ vàng, gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
  • Nguy cơ vỡ màng ối sớm, nhiễm trùng nước ối, bào thai...gây nhiễm trùng bào thai dẫn đến nguy cơ sinh non cao.
  • Viêm cổ tử cung khi mang thai cũng làm giảm sự đàn hồi của tử cung nên cũng tăng nguy cơ sảy thai hơn so với bình thường.
Sảy thai do nội tiết tố
Viêm cổ tử cung khi mang thai gây ảnh hưởng tới sức khỏe cả mẹ và bé

4. Hướng điều trị viêm cổ tử cung khi mang thai

Viêm nhiễm phụ khoa dù ở người thường hay người đang mang thai thì phát hiện sớm sẽ cho kết quả điều trị nhanh hơn, tốt hơn.

  • Đối với viêm cổ tử cung cấp tính, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc điều trị là chủ yếu. Thường là kết hợp giữa thuốc kháng sinh uống và thuốc đặt phụ khoa để tăng hiệu quả điều trị.
  • Đối với viêm cổ tử cung mãn tính, bác sĩ vẫn chỉ định điều trị viêm cổ tử cung kết hợp các dung dịch đặc trị để vệ sinh vùng kín. Vì đơn giản trong thời gian thai kỳ, phụ nữ không thể áp dụng các phương pháp ngoại khoa, xâm lấn. Việc điều trị ngoại khoa có thể tiến hành sau khi đã sinh bé.

Ngoài ra, các chị em cũng nên có biện pháp phòng tránh viêm cổ tử cung khi mang thai để giảm thiểu tối đa tình trạng viêm cổ tử cung.

Để phòng tránh viêm cổ tử cung khi mang thai, phụ nữ nên:

  • Chú ý vệ sinh vùng kín đúng cách, sạch sẽ.
  • Chọn đồ lót có chất liệu thoáng mát, độ thấm hút tốt.
  • Tránh dùng các dung dịch vệ sinh có chất tẩy rửa mạnh
  • Hạn chế ăn đường, đồ ngọt để tránh tăng lượng bài tiết ở âm đạo
  • Ăn nhiều sữa chua sẽ giúp ngăn ngừa viêm nhiễm âm đạo rất hiệu quả
  • Khi phát hiện viêm phụ khoa cần tránh quan hệ vợ chồng.
  • Kiên trì chữa trị cho đến khi bệnh dứt điểm.
Ảnh hưởng của viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai
Chị em phụ nữ nên có biện pháp để phòng tránh viêm cổ tử cung khi mang thai

Viêm cổ tử cung khi mang thai nếu không được điều trị sớm và đúng cách sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Do vậy nếu nhận thấy dấu hiệu bất thường, chị em nên chủ động đi khám sớm để được tư vấn và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc vì có thể gây hại cho thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan