Vì sao bạn bị bí tiểu sau sinh mổ?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bí tiểu sau sinh được định nghĩa là hiện tượng người sản phụ không thể làm rỗng bàng quang khi đang chứa đầy nước tiểu, gặp ở trường hợp sinh thường, sinh có sử dụng dụng cụ hỗ trợ hoặc mổ lấy thai hay còn gọi là bí tiểu sau sinh mổ. Đây là tình trạng bệnh lý nguy hiểm nên cần được xử lý và điều trị ngay, tránh gây ra những biến chứng không mong muốn.

1. Bí tiểu sau sinh

Bí tiểu sau sinh là tình trạng xuất hiện những rối loạn về đường tiết niệu, khiến cho bệnh nhân mặc dù có cảm giác muốn đi tiểu nhưng không thể thực hiện. Bí tiểu sau sinh thường xảy ra vào thời điểm sau sinh khoảng 6 giờ đồng hồ, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng dưới và có thể có dấu hiệu cầu bàng quang khi thăm khám trên lâm sàng.

Trên thực tế lâm sàng, bí tiểu sau sinh được chia làm 3 loại chính như sau:

  • Bí tiểu sau sinh có triệu chứng: Bệnh nhân không đi tiểu được sau khi sinh khoảng 6 giờ đồng hồ, hoặc sau khi được tháo gỡ ống thông tiểu ra khỏi cơ thể thì bệnh nhân vẫn không có khả năng đi tiểu.
  • Bí tiểu sau sinh không có triệu chứng: Những biểu hiện bí tiểu trên bệnh nhân không thể hiện một cách rõ rệt và khi siêu âm thì thấy thể tích nước tiểu tồn lưu lớn hơn 150ml. Đây là trường hợp bí tiểu sau sinh thường gặp nhất trên lâm sàng, chiếm tỷ lệ khoang 70%.
  • Bí tiểu sau sinh kéo dài: Bệnh nhân không đi tiểu được trong thời gian dài, yêu cầu phải đặt sonde tiểu trong vòng nhiều ngày nhưng tình trạng này rất ít khi xảy ra, chiếm tỷ lệ thấp nhất trong các loại bí tiểu sau sinh.

Theo một số nghiên cứu thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bí tiểu sau sinh, trong đó phổ biến nhất là những vấn đề như sau:

  • Trong quá trình chuyển dạ, ngôi thai xuống phía dưới khiến cho phần đầu của thai đè lên cổ bàng quang hoặc niệu đạo của người mẹ dẫn đến hiện tượng ứ đọng nước tiểu tại những vị trí này, kết quả là bàng quang bị căng giãn và mất trương lực, cuối cùng là co thắt cơ cổ bàng quang khiến bệnh nhân bị bí tiểu.
  • Tầng sinh môn của sản phụ sau sinh bị rách cần phải khâu lại thì có thể vị trí khâu tầng sinh môn bị sưng và gây cảm giác đau cho người phụ nữ, khiến họ có cảm giác không dám rặn khi đi tiểu nên gây nên tình trạng bí tiểu sau sinh.
khâu tầng sinh môn
Vết khâu tầng sinh môn bị sưng đau là một trong những nguyên nhân dẫn đến bí tiểu sau sinh
  • Ngoài ra, sau khi sinh thì bàng quang bị mất đi tính nhạy cảm với sự kích thích gây ra từ việc đầy nước tiểu nên tình trạng bí tiểu sau sinh cũng sẽ xảy ra trong trường hợp này.
  • Một số bệnh nhân sau sinh cần phải đặt ống sonde tiểu nhiều lần gây nên tình trạng viêm nhiễm bàng quang cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bí tiểu sau sinh.
  • Tổn thương dây thần kinh chậu trong suốt thời gian sinh đẻ.

Những yếu tố nguy cơ là điều kiện thuận lợi dẫn đến bí tiểu sau sinh đó là:

  • Sinh con đầu lòng hay còn gọi là sinh con so
  • Bệnh nhân được thực hiện gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống
  • Quá trình chuyển dạ và sổ thai ở sản phụ kéo dài hơn so với sinh lý chuyển dạ bình thường.
  • Bệnh nhân sinh con trong tình trạng cần sự hỗ trợ của một số dụng cụ như giác hút và Forceps.
  • Khi đẻ thì tầng sinh môn của bệnh nhân bị rách hoặc phần âm hộ của bệnh nhân sưng, phù nề.
  • Bệnh nhân có tiền sử nhiễm trùng đường tiểu hoặc một số bệnh lý liên quan đến đường tiết niệu trước đó.
  • Trong quá trình chuyển dạ thì bàng quang bị căng giãn quá mức.
  • Bệnh nhân mổ lấy thai cũng dẫn đến bí tiểu sau sinh mổ.
  • Con sinh ra có cân nặng lớn hơn 4000g

2. Bí tiểu sau sinh mổ

Ngoài trường hợp bí tiểu sau sinh thường thì bí tiểu sau sinh mổ cũng có thể xảy ra bởi một số yếu tố như sau:

  • Bệnh nhân trải qua quá trình gây mê và gây tê: Kỹ thuật gây tê tủy sống bằng Bupivacain và Fentanyl là thuốc thuộc nhóm Opioid được cho rằng có khả năng gây ra tình trạng bí tiểu sau sinh với tỷ lệ khoảng 10% - 15%. Do vậy, cần theo dõi tình trạng bí tiểu của bệnh nhân cho đến khi thuốc hết tác dụng và không còn trong cơ thể người bệnh.
Thuốc gây tê
Kỹ thuật gây tê tủy sống bằng Bupivacain và Fentanyl có khả năng gây ra tình trạng bí tiểu
  • Tâm lý lo lắng sau sinh mổ cũng dẫn đến hiện tượng bí tiểu.
  • Một số thủ thuật được thực hiện trong quá trình đẻ mổ quá mạnh bạo làm tổn thương bàng quang, có thể gây dập và liệt bàng quang khiến bệnh nhân mất khả năng tiểu như bình thường. Trong đó, có thể nhắc đến tình trạng không cố định sonde tiểu Foley vào đùi bệnh nhân khi đẻ mổ khiến cho túi đựng nước tiểu khi đầy sẽ kéo căng dây sonde và làm cho cổ bàng quang bị chèn ép dẫn đến tình trạng phù nề cổ bàng quang gây nên bí tiểu sau sinh mổ. Hoặc có thể là rút sonde tiểu không đúng kỹ thuật, không thực hiện động tác tháo hơi trong bóng và kéo bóng khi chưa tháo hơi cũng dẫn đến bí tiểu cho bệnh nhân thực hiện mổ lấy thai.

3. Bí tiểu sau sinh có nguy hiểm không?

Bí tiểu sau sinh nếu không được phát hiện, xử lý đúng cách và nhanh chóng sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của sản phụ sau sinh. Ngoài ra, bí tiểu sau sinh còn làm cản trở một số sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân, ảnh hưởng đến việc hồi phục sức khỏe sau sinh cũng như những vấn đề liên quan đến trẻ sơ sinh như việc tiết sữa cho trẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh cũng sẽ gặp phải nhiều hạn chế. Vì vậy, cần điều trị bí tiểu sau sinh ngay khi có thể để tránh phải những biến chứng không mong muốn như sau:

  • Liệt bàng quang
  • Vỡ bàng quang
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Trào ngược niệu quản
  • Thận ứ nước
  • Suy thận cấp hoặc suy thận mạn
  • Tiểu không tự chủ
  • Tiểu khó
Nhiễm trùng bàng quang và thận ở phụ nữ sau sinh con
Bí tiểu sau sinh không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

4. Chẩn đoán bí tiểu sau sinh

Để chẩn đoán bí tiểu sau sinh thì người sản phụ cần có một số triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng như sau:

Lâm sàng:

  • Đau bụng vùng hạ vị
  • Tiểu gấp, tiểu lượng ít và lắt nhắt
  • Không thể đi tiểu sau khi sinh ít nhất là 6 giờ
  • Không thể đi tiểu sau khi đã tháo gỡ sonde tiểu đối với bí tiểu sau sinh mổ
  • Bệnh nhân có cảm giác sau khi đi tiểu thì trong bàng quang vẫn còn nước tiểu chưa đi hết được.
  • Có thể có dấu hiệu cầu bàng quang khi thăm khám thực thể.
  • Đáy tử cung cao và lệch ra khỏi vị trí bình thường

Cận lâm sàng:

  • Siêu âm thấy bàng quang với thể tích nước tiểu tồn lưu lớn hơn 150ml

5. Cách chữa bí tiểu sau sinh mổ

Nguyên tắc điều trị bí tiểu sau sinh mổ bao gồm 4 nguyên tắc chính như sau:

  • Tập thói quen đi tiểu để giúp phản xạ đi tiểu tăng lên
  • Dùng kháng sinh để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng do tồn lưu nước tiểu trong bàng quang
  • Dùng kháng viêm để ngăn ngừa tình trạng phù nề cho cổ bàng quang bị chèn ép
  • Dùng các biện pháp tăng trương lực bàng quang để bàng quang có thể co bóp lại như bình thường.

Cách chữa bí tiểu sau sinh mổ gồm một số phương pháp chính như sau:

Hỗ trợ tập thói quen đi tiểu không xâm lấn:

  • Tập cho bệnh nhân vận động, ngồi xổm
  • Uống nhiều nước, lượng khoảng 2.5L – 3L trong 1 ngày.
  • Dội nước ấm vào vùng âm hộ và tập đi tiểu đồng thời với vòi nước đang chảy
  • Chườm ấm hạ vị
  • Khi tiểu có thể thực hiện động tác ấn vào đáy bàng quang
  • Chườm lạnh vào vùng tầng sinh môn nếu tầng sinh môn đang bị sưng phù nề.
Mẹ nên uống nhiều nước để tăng tiết sữa
Sản phụ có thể áp dụng một số phương pháp để tập thói quen đi tiểu không xâm lấn

Phương pháp có xâm lấn:

  • Đặt sonde tiểu cho bệnh nhân sau 6 giờ sau sinh và không để cho cầu bàng quang căng quá mức, cần lưu ý những quy trình vô khuẩn khi đặt sonde tiểu cho bệnh nhân, ống sonde tiểu phải có kích thước phù hợp để không gây ra bất cứ tổn thương nào cho vùng niệu đạo và cổ bàng quang.
  • Đặt sonde tiểu giữ lại, đồng thời tháo kẹp mỗi 3 giờ đồng hồ 1 lần để tạo lại phản xạ đi tiểu cho bàng quang.

Một số loại thuốc hỗ trợ:

  • Thuốc giảm đau dạng uống hoặc thuốc giảm đau đặt vào hậu môn của bệnh nhân.
  • Thuốc kháng viêm để chống phù nề như Alphachymotrypsin
  • Thuốc kháng sinh để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng.
  • Thuốc hỗ trợ tăng trương lực bàng quang như Prostigmin hoặc Xatral

Một số phương pháp khác:

  • Châm cứu
  • Xét nghiệm, cấy nước tiểu thực hiện kháng sinh đồ nếu bệnh nhân đặt sonde tiểu kéo dài để kịp thời xử lý nếu có nhiễm trùng xảy ra.

6. Kết luận

Bí tiểu sau sinh, đặc biệt là bí tiểu sau sinh mổ là tình trạng rất dễ xảy ra đối với phụ nữ sau sinh khoảng 6 giờ đồng hồ, gây ảnh hưởng đến khả năng đi tiểu cũng như tinh thần và sự hồi phục sau sinh của sản phụ. Vì vậy cần phát hiện và điều trị sớm tình trạng bí tiểu cho phụ nữ sau sinh, tránh để lại những biến chứng không mong muốn và giúp bệnh nhân có thể phục hồi lại sức khỏe sau sinh trong thời gian sớm nhất.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.

Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất. Không gian bệnh viện sạch sẽ yên tĩnh mang đến cho người bệnh sự thoải mái, thân thiện, yên tâm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan