Tìm hiểu về phù phổi cấp trong thai kỳ

Phù phổi cấp là cấp cứu nội khoa thường gặp trong thực hành sản khoa. Phù phổi cấp trong sản khoa thường xảy ra ở các bệnh nhân mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận hoặc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai.

1.Thay đổi tuần hoàn khi mang thai

Ngay từ khi có em bé, người mẹ bắt đầu có hiện tượng giữ nước trong cơ thể. Nước được giữ lại và phân phối đều trong tổ chức mô mềm. Đặc biệt hiện tượng này tăng nhiều trong 10 tuần cuối thai kỳ cho đến khi chuyển dạ, sau sinh sẽ giảm đột ngột.

Thể tích huyết tương tăng nhanh, tăng rõ ràng nhất là từ tuần thứ 6 cho đến tuần thứ 34 và giữ ổn định cho tới lúc sinh. Thể tích huyết tương trở lại bình thường sau 6 tuần hậu sản.

Nhịp tim của thai phụ tăng cùng với tuổi thai, trung bình tăng khoảng 15%. Lưu lượng tim tăng do nhu cầu tiêu thụ oxy cao cho cả mẹ, thai nhi và phần phụ. Tốc độ tuần hoàn cũng tăng do có sự thông nối giữa hệ động mạch người mẹ với tĩnh mạch của nhau thai. Mặt khác, tư thế của tim thay đổi do tử cung lớn, đẩy cơ hoành lên cao làm cho tim từ trục dọc chuyển sang tư thế nằm ngang. Như vậy, làm các mạch máu từ tim ra hơi gập nhẹ, hậu quả là tim làm việc trong điều kiện khó khăn hơn trước khi mang thai.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng phù phổi cấp ở bà bầu

Tìm hiểu về phù phổi cấp trong thai kỳ
Bệnh tim ảnh hưởng đến tình trạng phù phổi cấp ở bà bầu
  • Bệnh tim

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh tim của người mẹ ở mức độ nặng hay nhẹ, điển hình nhất là hẹp van 2 lá với tỉ lệ 70 - 90% gây biến chứng phù phổi cấp. Mức độ hẹp càng nhiều thì bệnh càng nặng và biến chứng càng nhiều. Tổn thương nhiều van tim bệnh càng nặng.

  • Số lần sinh trước đây

Những người sinh con lần đầu nguy cơ bệnh xảy ra thấp hơn so với người đẻ nhiều lần.

  • Tuổi thai

Thai càng lớn thì các biến cố tim mạch trong sản khoa xảy ra càng nhiều.

  • Tăng huyết áp thai kỳ

Các bệnh lý tăng huyết áp trong thai kỳ, nhất là tiền sản giật nặng thì các cơn phù phổi cấp sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để xuất hiện.

Ngoài ra phù phổi cấp còn gặp trong các trường hợp thiếu máu, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, bệnh thận, ngộ độc thuốc hoặc ngộ độc các độc chất khác...

3. Các biểu hiện của phù phổi cấp ở bà bầu

3.1 Thể điển hình

Biểu hiện là cơn kịch phát, tính chất rầm rộ với triệu chứng sau:

  • Sản phụ mang thai bị phù phổi cấp sẽ đột ngột khó thở, nhịp thở tăng lên kèm ho nhiều.
  • Môi và đầu ngón tay, chân tím.
  • Tinh thần hốt hoảng lo sợ, cảm giác tức ngực, vã mồ hôi lạnh chân tay.
  • Tim đập nhanh, nhịp tim > 100 lần/phút.
  • Huyết áp thường kẹp hoặc tăng huyết áp trong tiền sản giật, các bệnh thận. Tuy nhiên, có thể gặp thể hạ huyết áp do trụy tim mạch, đây là bệnh cảnh nặng chứng tỏ tim không làm việc để bù trừ kịp và dẫn đến suy hô hấp cấp.

3.2 Thể bán cấp

  • Cũng xuất hiện với khó thở đột ngột, cảm giác ngứa cổ. Thể bệnh này hay gặp hơn.

Ngoài ra, chúng ta có thể gặp thể tối cấp sẽ diễn tiến rất nhanh trong vòng vài phút. Tuy nhiên, bất kỳ thể lâm sàng nào của phù phổi cấp cũng đều cho tiên lượng xấu như nhau.

Lưu ý, phù phổi cấp thường sẽ có các triệu chứng báo trước vài giờ hoặc lâu hơn. Nếu phát hiện sớm các dấu hiệu này sẽ rất có lợi trong điều trị và có thể phòng ngừa được cơn phù phổi xảy ra.

4. Điều trị phù phổi cấp như thế nào?

Tìm hiểu về phù phổi cấp trong thai kỳ
Tiêm tĩnh mạch điều trị phù phổi cấp

4.1 Xử trí cơn phù phổi cấp

  • Tư thế: đặt bệnh nhân ngồi thẳng, tựa lưng, để thả lỏng 2 chân xuống ghế đỡ. Đây là biện pháp làm giảm bớt lưu lượng máu về tim nhanh và đơn giản.
  • Thở oxy
  • Băng ép các gốc chi (3 chi) thay đổi mỗi 15 phút.
  • Tiêm tĩnh mạch các thuốc như: morphin, lasix, cedilanid.
  • Nếu sau 15 phút không giảm thì:
    • Trích máu nhưng hiện nay không sử dụng thường quy.
    • Kiểm soát huyết áp.
  • Trường hợp nặng có thể đặt nội khí quản hút đờm, giúp thở.

4.2 Xử trí sản khoa

  • Xử trí sản khoa sau khi cơn phù phổi cấp đi qua và bệnh nhân ổn định trở lại.
  • Thai nhỏ dưới 28 tuần chấm dứt thai kỳ bằng cách mổ lấy thai, triệt sản.
  • Thai trên 28 tuần, mổ lấy thai, triệt sản hoặc cắt tử cung bán phần nếu nguyên nhân của phù phổi cấp là do bệnh tim, thận.

5. Dự phòng phù phổi cấp

  • Sử dụng thuốc giảm đau, an thần trong thời kỳ chuyển dạ thì nên lựa chọn các thuốc không làm tim đập nhanh.
  • Nếu được thì nên gây tê thần kinh thẹn hoặc gây tê vùng để đỡ đẻ.
  • Cung cấp đầy đủ oxy trong chuyển dạ và sau sinh.
  • Tránh để chảy máu quá mức sau sinh. Hạn chế sử dụng thuốc làm co bóp tử cung ở giai đoạn này nếu không có tình trạng băng huyết sau sanh.
  • Tránh mổ lấy thai nếu không có chỉ định rõ về sản khoa.
  • Không cho con bú khi suy tim quá nặng.

Lựa chọn địa chỉ theo dõi, chăm sóc sức khoẻ thai kỳ từ khi mang thai đến khi đón con yêu chào đời là việc làm quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với cả mẹ và bé. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp gói dịch vụ Thai sản trọn gói, với gói dịch vụ này mẹ bầu và cả gia đình sẽ hoàn toàn yên tâm bởi Vinmec luôn cam kết mang đến chất lượng dịch vụ cao bằng cả tình yêu thương và sự tận tâm, giúp hành trình mang thai và sinh nở của mẹ trở thành điều tuyệt vời và hạnh phúc nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

753 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan