Tiêm thuốc kích trứng có đau và mệt không?

Thuốc kích trứng là một trong những bước quan trọng nhằm tăng tỷ lệ thành công trong quy trình hỗ trợ sinh sản. Hiện nay, thuốc kích trứng được dùng qua 2 đường chính là đường tiêm và đường uống. Điều này làm nhiều phụ nữ lo lắng rằng liệu tiêm thuốc kích trứng có đau không hay tiêm thuốc kích trứng có mệt không.

1. Thuốc kích trứng là thuốc gì?

Kích thích buồng trứng hay kích trứng là sử dụng các loại hoạt chất giúp tăng nồng độ hormone làm đẩy mạnh quá trình phát triển đến giai đoạn trưởng thành, chín và rụng của các nang noãn trong buồng trứng.

Kích trứng hiện nay được sử dụng qua 2 đường chính là đường uống hoặc tiêm để đưa lượng thuốc vào cơ thể và kết quả là thu được số lượng trứng đạt tiêu chuẩn như mong muốn. Số lượng trứng thu được có thể là nhiều hoặc ít phụ thuộc vào bệnh nhân, phác đồ điều trị cũng như nguyện vọng của gia đình bệnh nhân.

Kích thích buồng trứng là phương pháp quan trọng để giúp thu được một nang trứng trội với chất lượng tốt nhất nhằm phục vụ cho quá trình hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Ngược lại trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc sử dụng thuốc kích trứng có mục đích là có thể thu thập được nhiều nang trứng trưởng thành nhất có thể, nên những bệnh nhân này thường được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kích trứng dạng tiêm và với liều cao hơn so với khi thực hiện IUI.

2. Tiêm thuốc kích trứng có đau và mệt không?

Trước đây, khi ngành công nghệ dược phẩm và ngành hỗ trợ sinh sản còn chưa phát triển, các loại thuốc kích trứng khi đó phải thực hiện với những đường tiêm khác nhau như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp... Việc đưa thuốc vào cơ thể bằng những con đường này thường gây cảm giác đau và khó chịu, đây cũng là một nỗi ám ảnh đối với những chị em bị vô sinh hiếm muộn cần phải thực hiện hỗ trợ sinh sản.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, các công ty dược phẩm đã sáng chế ra các loại thuốc kích trứng có thể tiêm dưới da hoặc các dụng cụ tiêm thuốc nhỏ gọn có thể đưa thuốc vào cơ thể một cách nhẹ nhàng và thân thiện với nhiều chị em. Điều này làm giảm các cảm giác đau khi tiêm thuốc đi đáng kể và chị em không cần phải băn khoăn tiêm thuốc kích trứng có đau hay không nữa.

Thậm chí, với kỹ thuật tiêm thuốc dưới da hoặc sử dụng các loại bút tiêm hiện đại, chị em hoàn toàn có thể tự sử dụng thuốc chủ động ở nhà mà không cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tại nhà cần có sự đồng ý của bác sĩ và phải được hướng dẫn cụ thể về quy trình và an toàn khi tiêm thuốc.

Mặc dù không gây đau nhiều, nhưng cũng giống như một số loại thuốc sử dụng qua đường tiêm, thuốc kích trứng cũng có thể gây ra những phản ứng tại chỗ tiêm như đau nhẹ, sưng, đỏ, ngứa... Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng mất đi sau vài phút và hầu như không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực gì.

Bên cạnh đó, việc ngày càng phát triển và đưa được ra những loại thuốc cải tiến có mức độ tinh khiết cao và giảm đi các tạp chất, việc tiêm thuốc kích trứng cũng không gây cảm giác mệt mỏi cho chị em sau khi sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có một số ít trường hợp gặp phải những tác dụng phụ như dị ứng toàn thân, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu... điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng trạng và gây cảm giác mệt mỏi sau khi tiêm thuốc.

3. Những tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm thuốc kích trứng

Mặc dù được cải tiến về chất lượng rất nhiều để phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân, tuy nhiên tiêm thuốc kích trứng vẫn không thể tránh khỏi được một số tác dụng phụ sau đây:

  • Hội chứng quá kích buồng trứng: Được xem là tác dụng phụ nghiêm trọng nhất sau khi tiêm kích trứng mà người phụ nữ có thể gặp phải. Tình trạng quá kích của buồng trứng xảy ra khi cơ quan này phản ứng quá mạnh với thuốc kích trứng hoặc khi bệnh nhân sử dụng thuốc kích trứng với liều lượng cao và kéo dài mà không có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ. Những đối tượng dễ gặp tình trạng này nhất là những người bị hội chứng buồng trứng đa nang. Khi buồng trứng bị quá kích có thể xảy ra căng tức ổ bụng, ổ bụng chứa nhiều dịch, gây đau, chướng bụng. Một vài trường hợp nặng bệnh nhân có thể phải nhập viện điều trị.
  • Không đáp ứng với thuốc: Một số ít chị em sau khi tiêm thuốc kích trứng, buồng trứng vẫn hầu như không sản sinh ra bất kỳ nang trứng trưởng thành nào. Lúc này, bác sĩ có thể điều chỉnh lại liều lượng hoặc phải hủy chu kỳ này và thực hiện lại một chu kỳ kích trứng khác.
  • Xoắn buồng trứng: Là một tác dụng phụ hiếm gặp sau khi tiêm thuốc kích trứng. Buồng trứng sau khi tiếp xúc với thuốc sẽ to lên dẫn đến tình trạng xoay và cuối cùng gây xoắn buồng trứng. Xoắn buồng trứng có thể gây tắc các mạch máu nuôi buồng trứng và hoại tử buồng trứng, gây đau bụng dữ dội và đây cũng được xem là một tình trạng cấp cứu cần điều xử trí ngay lập tức.
  • Dị ứng với các thành phần của thuốc : Ngoài các triệu chứng tại chỗ tiêm đã được nhắc đến ở trên, việc sử dụng thuốc kích trứng có thể dẫn đến một số phản ứng dị ứng toàn thân, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng sốc phản vệ (rất hiếm gặp).
  • Đa thai: Việc tiêm thuốc kích trứng có thể làm phát triển nhiều nang trứng khác nhau, từ đó gây tăng khả năng mang nhiều thai cùng một lúc khi thực hiện thụ tinh nhân tạo hay mang thai tự nhiên. Vì thế, thuốc kích trứng dạng tiêm không được sử dụng trong quy trình bơm tinh trùng vào tử cung (IUI) và quan hệ tự nhiên, nó chỉ được sử dụng trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

4. Những lưu ý sau khi tiêm thuốc kích trứng

Để giảm nguy cơ gặp phải tình trạng đau, mệt mỏi hay các tác dụng phụ khác sau khi tiêm thuốc kích trứng, chị em cần lưu ý một số vấn đề sau :

  • Quá trình sinh hoạt có thể diễn ra bình thường, tuy nhiên nên thực hiện nhẹ nhàng và tránh làm những công việc nặng hay tham gia các hoạt động thể thao quá sức.
  • Hạn chế quan hệ tình dục mạnh bạo, thực hiện với tần suất cao.
  • Giữ cho tinh thần được thoải mái, vui vẻ và thư giãn vì điều này có thể gián tiếp tác động lên sự phát triển của các nang trứng.
  • Bổ sung nước đầy đủ, thường uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Bổ sung các loại thực phẩm tố cho cơ thể nói chung và buồng trứng nói riêng như các món ăn từ đậu nành, thịt bò, cá, trứng, sữa, rau củ có màu xanh đậm, quả bơ, các loại hạt...
  • Không sử dụng các loại thực phẩm chứa chất bảo quản, thực phẩm chiên nhiều dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn...Tuyệt đối không sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu bia, nước có gas, thuốc lá, caffeine, các chất kích thích khác...
  • Thăm khám theo đúng lịch hẹn trước của bác sĩ hoặc khi có bất kỳ những dấu hiệu bất thường sau khi tiêm thuốc kích trứng.

Với sự phát triển của ngành công nghệ dược phẩm, việc tiêm thuốc kích trứng hiện nay hầu như không gây cảm giác khó chịu, đau đớn hay mệt mỏi cho những chị em tham gia các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, những phụ nữ sau khi được tiêm thuốc kích trứng nếu thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường gì cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị cũng như đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan