Thuốc tránh thai: 17 câu hỏi thường gặp nhất

Thuốc tránh thai đang được sử dụng rộng rãi vì sự tiện lợi và độ tin cậy. Tuy nhiên, cũng không ít phụ nữ quan tâm đến việc thuốc tránh thai ảnh hưởng đến sức khỏe, những lợi ích và rủi ro. 17 câu hỏi sau đây là những thắc mắc thường gặp khi sử dụng thuốc tránh thai.

1. Thuốc tránh thai có thể được sử dụng để giảm tần suất hoặc ngừng kinh nguyệt hoàn toàn không?

Ngày nay, phụ nữ có nhiều lựa chọn sử dụng thuốc tránh thai hơn. Có những loại thuốc tránh thai có chu kỳ 24 ngày thuốc chứa hormone và 4 ngày thuốc giả dược đến chu kỳ tất cả các ngày đều là thuốc chứa hormone.

Chu kỳ kinh nguyệt có thể giãn ra 3 tháng/lần bằng việc sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong 3 tháng kết hợp 1 tuần uống thuốc giả dược hoặc estrogen liều thấp. Một số liệu trình có thể kéo dài hơn như trì hoãn kinh nguyệt liên tục trong một năm hoặc ngừng kinh hoàn toàn.

Trì hoãn hoặc ngừng kinh nguyệt mang lại một số lợi ích như:

  • Ngăn chặn tình trạng chảy máu và triệu chứng của kinh nguyệt như đau bụng, đau đầu, ... do thay đổi nồng độ hormone
  • Bỏ qua chu kỳ kinh nguyệt nếu trùng với thời gian có các sự kiện hoặc chuyến đi quan trọng
  • Đối với phụ nữ thiếu sắt do kinh nguyệt ra nhiều, nó giúp làm giảm chảy máu và giảm nguy cơ thiếu sắt

Trong vài tháng đầu sử dụng thuốc tránh thai theo chu kỳ giãn cách kinh nguyệt thường có chảy máu bất thường. Nó ngừng theo thời gian hoặc vẫn tiếp tục xảy ra ở một số phụ nữ.

Chậm kinh
Trì hoãn chu kì kinh nguyệt giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt

2. Có cần sử dụng các loại thuốc đặc biệt hay chỉ thuốc tránh thai thông thường cũng có tác dụng giảm số lần hành kinh?

Một số loại thuốc tránh thai được thiết kế nhằm ngừng kinh nguyệt ở mức 3 tháng đến một năm. Bên cạnh đó, sử dụng các loại thuốc tránh thai thông thường bỏ qua thuốc giả dược cũng có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, tốt nhất là nên sử dụng theo các ngày quy định để tránh các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

3. Ngừng thuốc tránh thai bao lâu thì có thể thụ thai?

Hầu hết phụ nữ rụng trứng trở lại khoảng 2 tuần sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai. Ngay khi rụng trứng trở lại, bạn có thể mang thai. Nếu bạn mang thai trong chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau khi bỏ thuốc tránh thai thì sẽ không xuất hiện kinh nguyệt. Để kiểm tra đã có thai hay chưa, bạn có thể sử dụng que thử thai hoặc đi khám sản khoa.

Rụng trứng
Khi có kế hoạch mang thai, bạn nên ngừng sử dụng thuốc tránh thai trước đó 2 tuần

4. Có tốt hơn khi đợi vài tháng sau khi ngừng thuốc tránh thai mới cố gắng thụ thai?

Những lo ngại về việc thụ thai ngay sau khi ngừng uống thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ sảy thai vẫn chưa được chứng minh. Khi ngừng uống thuốc các hormone trong thuốc tránh thai không còn trong cơ thể của bạn.

Hầu hết phụ nữ có kinh trở lại sau vài tuần ngừng thuốc. Tuy nhiên, thời gian có thể chậm hơn đối với những phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Sau khi ngừng thuốc, nếu chưa sẵn sàng thụ thai, bạn nên cân nhắc sử dụng các biện pháp tránh thai.

5. Điều gì xảy ra nếu ngừng uống thuốc tránh thai nhưng kinh nguyệt không trở lại?

Kinh nguyệt không xuất hiện trong vòng ba tháng sau khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai báo hiệu vô kinh. Hiện tượng này có thể xảy ra do các thành phần trong viên thuốc ngăn cản cơ thể tạo ra các hormone liên quan đến quá trình rụng trứng và kinh nguyệt hoặc do uống thuốc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu trong ba tháng, bạn không có kinh nguyệt, hãy thử thai để chắc chắn có thai hay không trước khi đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị.

6. Kết quả thử thai có chính xác không nếu đang uống thuốc tránh thai?

Thử thai bằng que thử thai có thể cho kết quả chính xác trong thời gian uống thuốc tránh thai. Vì các thành phần hoạt tính trong thuốc tránh thai không ảnh hưởng đến hormone thai kỳ HCG có trong máu hoặc nước tiểu.

Que thử thai lên 2 vạch
Que thử thai sẽ cho kết quả chính xác nếu đang uống thuốc tránh thai

7. Điều gì xảy ra nếu uống thuốc tránh thai khi đang mang thai?

Hiện tại, có rất ít bằng chứng chỉ ra mối liên hệ giữa dị tật bẩm sinh với việc sử dụng thuốc tránh thai khi đang mang thai. Do đó, bạn không nên quá lo lắng khi uống thuốc tránh thai do không biết mình mang thai. Điều quan trọng là xác nhận việc mang thai và ngừng sử dụng thuốc ngay.

8. Có cần sử dụng nhiều loại thuốc tránh thai cùng một lúc để tránh thai khẩn cấp không?

Thuốc tránh thai kết hợp estrogen-progestin có thể được sử dụng để tránh thai khẩn cấp, với điều kiện được tư vấn về liều lượng và thời gian sử dụng thuốc thích hợp trước khi sử dụng.

Ngoài ra, trên thị trường cũng có bán các loại thuốc tránh thai khẩn cấp có chứa levonorgestrel (Plan B One-Step, Take Action, Next Choice One Dose,...) hoặc ulipristal acetate (ella):

  • Thuốc Levonorgestrel: Được bán không cần đơn cho phụ nữ hoặc nam giới ở mọi lứa tuổi. Thuốc Levonorgestrel hoạt động tốt nhất khi được sử dụng càng sớm càng tốt và trong vòng 3 ngày sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.
  • Ulipristal acetate (ella): Là một loại thuốc không chứa hormone chỉ có sẵn theo đơn. Thuốc này được dùng như một liều duy nhất trong tối đa 5 ngày sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ.

9. Cân nặng có làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai khẩn cấp không?

Chỉ số khối cơ thể BMI > 30 ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc tránh thai khẩn cấp levonorgestrel. Bạn có thể có thai sau khi uống thuốc tránh thai dạng này. BMI gần như không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc tránh thai ulipristal hoặc dụng cụ tử cung chứa đồng.

Chỉ số BMI
Chỉ số BMI chỉ có thể ảnh hưởng đến một số thuốc tránh thai

10. Đã uống thuốc tránh thai nhiều năm và muốn dừng lại thì liệu có thể dừng tại bất kỳ thời điểm nào hay phải uống hết gói thuốc hiện tại?

Bạn có thể dừng uống thuốc tránh thai tại bất kỳ thời điểm nào. Về vấn đề sức khỏe tổng thể, nó không ảnh hưởng lớn ngoài việc thay đổi nhịp điệu của chu kỳ kinh nguyệt.

11. Có thể mang thai trong tuần uống thuốc giả dược không?

Giai đoạn uống thuốc giả dược không làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn. Nếu bạn đang sử dụng thuốc tránh thai đúng theo chỉ dẫn thì hiệu quả ngừa thai lên tới 99%.

Ngược lại, nếu bạn bỏ lỡ một hoặc nhiều viên trong kỳ kinh nguyệt, nguy cơ mang thai ngoài ý muốn sẽ cao hơn trong chu kỳ đó. Để đảm bảo an toàn, bạn nên sử dụng các hình thức tránh thai dự phòng như bao cao su, đặc biệt là trong chu kỳ bỏ lỡ nhiều viên thuốc.

12. Thuốc tránh thai có làm tăng cân không?

Thuốc tránh thai tác động rất nhỏ đến cân nặng. Nếu cảm thấy tăng cân, đó là do cơ thể tích nước nhiều hơn, đặc biệt là ở ngực, hông và đùi. Estrogen trong thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến các tế bào mỡ, khiến chúng tăng kích thước nhưng không nhiều hơn.

Cân nặng hằng ngày
Thuốc tránh thai gần như không ảnh hưởng đến tăng cân

13. Thuốc tránh thai ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư như thế nào?

Các bằng chứng khoa học cho thấy sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cungung thư gan, nhưng kết quả không nhất quán. Hầu hết các dữ liệu cho thấy thuốc tránh thai không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư nói chung. Mặt khác, thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư khác, bao gồm ung thư buồng trứngung thư nội mạc tử cung.

Về nguy cơ ung thư vú, một số nghiên cứu ban đầu cho thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc viên và ung thư vú. Điều này có thể là do liều lượng estrogen cao được tìm thấy trong thuốc tránh thai được sử dụng vào những năm 1970. Tuy nhiên, những viên thuốc ngày nay có liều lượng estrogen thấp hơn nhiều và nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy dùng thuốc tránh thai không tăng nguy cơ ung thư vú. Các nghiên cứu cũng không tìm thấy mối liên hệ giữa nguy cơ ung thư vú và việc sử dụng thuốc tránh thai ở những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú.

14. Thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến mức cholesterol không?

Thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến nồng độ cholesterol trong cơ thể. Mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào loại viên thuốc bạn đang dùng và nồng độ estrogen hoặc progestin trong nó. Thuốc tránh thai có nhiều estrogen hơn có thể ảnh hưởng một chút đến mức lipid máu. Tuy nhiên, nói chung, những thay đổi không đáng kể và không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.

nồng độ cholesterol.
Thuốc tránh thai ảnh hưởng rất ít đến mức cholesterol

15. Thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến huyết áp không?

Thuốc tránh thai có thể làm tăng nhẹ huyết áp. Nếu bạn uống thuốc tránh thai, hãy kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu bạn đã bị huyết áp cao, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bạn có nên chuyển sang sử dụng hình thức tránh thai khác hay không.

16. Phụ nữ trên 35 tuổi có thể tiếp tục uống thuốc tránh thai không?

Nếu bạn khỏe mạnh và không hút thuốc, bạn có thể tiếp tục dùng thuốc tránh thai sau tuổi 35. Tuy nhiên, thuốc tránh thai không được khuyến khích đối với những người 35 tuổi trở lên kèm hút thuốc vì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong trường hợp đó, bạn cần bỏ thuốc lá trước khi tiếp tục sử dụng thuốc tránh thai một cách an toàn.

bỏ thuốc lá
Bạn cần bỏ hoàn toàn thuốc lá nếu muốn uống thuốc tránh thai ở tuổi 35

17. Thuốc kháng sinh có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai không?

Tác dụng của thuốc kháng sinh đối với thuốc tránh thai có thể bị phóng đại, ngoại trừ trường hợp dùng thuốc kháng sinh rifampin (Rimactane). Rifampin làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai bằng cách ngăn rụng trứng, nhưng loại kháng sinh này ngày nay không được sử dụng rộng rãi.

Những kiến thức về thuốc tránh thai cũng như các tác dụng phụ và rủi ro của nó sẽ là cơ sở cho phụ nữ cân nhắc trước khi quyết định có nên dùng chúng hay không, nếu có thì nên dùng loại nào. Để đảm bảo hiệu quả tránh thai mà vẫn an toàn cho sức khỏe, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn đầy đủ nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan