Thời điểm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ với người có nguy cơ cao

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa.

Người mẹ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể gây những ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi như bé bị thừa cân, sinh non, dị tật bẩm sinh hay các biến chứng nghiêm trọng do tăng áp lực máu. Vì vậy, cần thực hiện sàng lọc đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt là với nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao.

1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?

Ước tính có khoảng 5% phụ nữ mang thai bị bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đây là tình trạng rối loạn dung nạp glucose gây đường huyết cao, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu trong lúc mang thai. Thuật ngữ này áp dụng cho cả những thai phụ chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn mà không cần dùng insulin.

Đái tháo đường thai kỳ chính là một thể bệnh đái tháo đường, chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian phụ nữ mang thai. Đái tháo đường thai kỳ khởi phát trong khi có thai và tự khỏi sau khi sinh. Nếu trong vòng 6 tuần sau sinh, người mẹ chưa khỏi bệnh thì lúc này không được xác định là đái tháo đường thai kỳ mà thuộc thể bệnh đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2, đái tháo đường do dinh dưỡng hoặc đái tháo đường triệu chứng.

Đái tháo đường thai kỳ đang có chiều hướng gia tăng do sự gia tăng tỷ lệ béo phì, tiểu đường tuýp 2 và đề kháng insulin trong hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, những người có tiền sử đái tháo đường trong gia đình, tiền sử sinh con ≥ 4kg, ≥ 35 tuổi, được chẩn đoán rối loạn đường huyết lúc đói, có tiền sử sản khoa bất thường (thai chết lưu, sẩy thai không rõ nguyên nhân),... đều có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ.

2. Vì sao cần sàng lọc đái tháo đường thai kỳ?

Sàng lọc để phát hiện và can thiệp kịp thời cho bệnh nhân mắc đái tháo đường thai kỳ là vô cùng quan trọng. Nguyên nhân vì nếu không được phát hiện sớm, tăng đường máu trong thời kỳ mang thai có thể gây tổn hại đến thai nhi, gây ra những bất thường bẩm sinh, thai to hoặc sảy thai.

Trong 6 tháng cuối của thai kỳ, nếu người mẹ bị tăng đường huyết thì có thể gây tăng đường huyết cho thai nhi và gây tình trạng tăng insulin ở thai nhi. Sau khi ra đời, do trẻ không nhận được lượng đường nhiều như khi còn trong bụng mẹ, sự dư thừa insulin sẽ làm đường máu của trẻ dưới mức bình thường. Hạ đường máu dễ gây tổn thương các tế bào thần kinh não bộ của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, thai của những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cũng có xu hướng to hơn bình thường nên có nguy cơ đẻ non. Do sinh non, trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Đồng thời, tăng đường huyết ở phụ nữ mang thai còn gây tiền sản giật (phù, tăng huyết áp,...) nếu không kiểm soát tốt đường huyết, đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi.

Vì vậy, cần thực hiện sàng lọc đái tháo đường thai kỳ, đặc biệt là với người có nguy cơ cao mắc bệnh ở thời điểm phù hợp theo khuyến nghị của bác sĩ.

Mang thai
Sàng lọc đái tháo đường thai kỳ giúp phát hiện và can thiệp kịp thời bệnh đái tháo đường

3. Thời điểm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ

3.1 Đối với thai phụ có nguy cơ thấp

Các thai phụ có đường huyết lúc đói trước đó đạt < 92mg/dL đều được chỉ định sàng lọc đái tháo đường vào tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ.

Để chẩn đoán, thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose bằng cách cho bệnh nhân nhịn đói nguyên đêm, sáng hôm sau thử một mẫu đường huyết lúc đói và một mẫu đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose. Kết quả trả về như sau:

  • Đái tháo đường thực sự nếu FPG ≥ 126mg/dL;
  • Đái tháo đường thai kỳ nếu ít nhất 1 mẫu đường huyết lúc đói có chỉ số 92-125mg/dL, đường huyết lúc 1 giờ sau khi uống 75g glucose là ≥ 180mg/dL và/hoặc đường huyết 2 giờ sau uống 75g glucose là ≥ 153mg/dL;
  • Kết quả bình thường nếu đường huyết sau uống 75g glucose dưới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Những thai phụ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc đái tháo đường thực sự trong suốt thai kỳ nên tiếp tục được theo dõi đường huyết sau sinh.

3.2 Đối với thai phụ có đái tháo đường thai kỳ nguy cơ cao

Các thai phụ có nguy cơ cao (gia đình có người bị bệnh tiểu đường, thai phụ béo phì,...) cần xét nghiệm đường huyết lúc đói, HbA1c và thử đường huyết bất kỳ trong 3 tháng đầu mang thai. Kết quả trả về như sau:

  • Đái tháo đường thực sự nếu đường huyết lúc đói ≥ 126mg/dL, HbA1c ≥ 6.5% hoặc đường huyết bất kỳ ≥ 200mg/dL.;
  • Đái tháo đường thai kỳ nếu đường huyết lúc đói từ 92-125mg/dL;
  • Kết quả bình thường nếu đường huyết < 92mg/dL. Những thai phụ này cần làm nghiệm pháp dung nạp glucose vào tuần thứ 24 - 28 của thai kỳ.

Nếu thai phụ xét nghiệm xác định đái tháo đường thai kỳ thì cần khám chuyên khoa nội tiết, kết hợp với khám thai định kỳ. Với các trường hợp đủ tiêu chí chẩn đoán đái tháo đường thực sự, việc điều trị và theo dõi tương tự bệnh nhân đã bị đái tháo đường từ trước.

Lưu ý: Những thai phụ được xác định đái tháo đường thai kỳ nên định kỳ xét nghiệm mỗi 3 năm/lần để phát hiện sự tiến triển của đái tháo đường hay tiền đái tháo đường.

Thời điểm sàng lọc đái tháo đường thai kỳ với người có nguy cơ cao
Các thai phụ có nguy cơ cao cần được thử đường huyết bất kỳ trong 3 tháng đầu mang thai

4. Điều trị đái tháo đường thai kỳ

  • Kết hợp điều trị giữa bác sĩ nội khoa và sản khoa trong thời gian mang thai;
  • Cân bằng dinh dưỡng và duy trì chế độ tập luyện theo lời khuyên của bác sĩ;
  • Kiểm soát nồng độ đường huyết bằng chế độ ăn uống hoặc bằng thuốc insulin để giảm biến chứng cho thai phụ và thai nhi;
  • Có thể theo dõi chuyển dạ tự nhiên, chỉ định mổ khi thai to hoặc suy thai;
  • Trong quá trình chuyển dạ cần kiểm soát glucose máu của sản phụ (tốt nhất dao động trong mức 3.3 - 5.6 mmol/l);
  • Trong quá trình chuyển dạ cần theo dõi tim thai để phát hiện và xử trí kịp thời nếu có suy thai. Việc sử dụng insulin cần hết sức thận trọng vì sau khi lấy hết bánh rau, mất hiện tượng kháng insulin có thể gây hạ glucose máu. Cần theo dõi chặt chẽ nồng độ đường máu để điều chỉnh thuốc sử dụng cho phù hợp;
  • Theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh trong 3 ngày đầu sau sinh để phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng.

Tất cả những phụ nữ mang thai, đặc biệt là thai phụ có nguy cơ cao cần được sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. Khi xác định mắc tiểu đường thai kỳ, bệnh nhân cần tái khám đúng lịch hẹn và phối hợp đúng theo lời khuyên của bác sĩ trong việc điều trị bệnh để tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Xem thêm : Hướng dẫn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan